Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thúc đẩy liên kết vùng để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Vừa qua, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra “Hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch liên vùng giữa Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum với các tỉnh Tây Nam Bộ” do Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là các địa phương có nhiều tài nguyên phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. ĐBSCL là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi.

“Thời gian qua, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều chương trình, hoạt động hợp tác với các địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL như chương trình famtrip, presstrip... Qua đó, đã có nhiều công ty lữ hành du lịch ở Hà Nội tổ chức các chương trình tour, đưa du khách từ Thủ đô đến ĐBSCL”, bà Đặng Hương Giang cho biết.

452376033-811807841041830-1362143054951192410-n-1721747160.jpg
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

ĐBSCL hiện đang sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm đất ngập nước lớn nhất Việt Nam cũng như sự đa dạng về loại hình văn hoá, nhất là nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, thời gian qua các tỉnh ĐBSCL cũng đã tích cực đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn tới du khách thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội.

Nhờ đó trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đón gần 30 triệu lượt du khách, tăng 11,20% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế trên 1,3 triệu lượt, tăng 38,72 % so với cùng kỳ 2023; khách nội địa hơn 28,6 triệu lượt, tăng 10,22 % so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cùng kỳ 2023.

Tuy ngành du lịch ĐBSCL có nhiều tiềm năng thu hút du khách, song vẫn tồn tại nhiều hạn chế như việc triển khai hoạt động hút khách vẫn còn mang tính tự phát, liên kết chưa chặt chẽ, thiếu sự đầu tư dài hạn… Chính vì vậy, tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau hiến kế nhằm đẩy mạnh việc kết nối sản phẩm, tour tuyến giữa các doanh nghiệp và các địa phương.

452380547-811808124375135-7174537654345935405-n-1721747133.jpg
Gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội nghị. 

Hiến kế tại hội nghị, ông Ngô Trường Thái Bảo - Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành ĐBSCL cho hay, trong quá trình xây dựng tour, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để tăng tần suất các chuyến bay giữa các địa phương; có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành và lưu trú; cùng hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm ưu đãi, kích cầu du lịch nội địa.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cũng cho biết, TP. Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, sở hữu hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi kết nối từ TP.HCM đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là 1 trong 2 sân bay quốc tế của ĐBSCL và là một trong những sân bay có nhiều đường bay nhất vùng ĐBSCL, đóng góp quan trọng trong phát triển du lịch thông qua các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu di chuyển, giao thương, du lịch của người dân và du khách.

452649676-811808167708464-3317336650936660429-n-1721747133.jpg
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ.

Tại đây, bà Đặng Hương Giang cũng đề xuất, các tỉnh cần thường xuyên phối hợp tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước; thống nhất xây dựng một số sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh đặc thù để kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ.

Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch; xây dựng những sản phẩm du lịch thông minh, cung cấp cho du khách các dịch vụ tiện ích thông qua nền tảng công nghệ số. Đồng thời, để sản phẩm tour lan rộng ra thị trường trong nước và quốc tế, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương trên các kênh truyền thông, cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương, các đài Phát thanh và Truyền hình trên cả nước. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội.

Bài: Anh Thư - Ảnh: Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ