Cách trung tâm thị trấn Mộc Châu khoảng 25km, khu vực Hang Táu hay còn được gọi là làng Nguyên Thủy, nằm ẩn mình trong thung lũng thuộc bản Tà Số. Được nghe kể đã lâu nhưng nay tôi mới có dịp tự mình ghé thăm và tìm hiểu về ngôi làng biệt lập được biết là 3 không: không điện, không wifi, không sóng điện thoại.
Để đến được nơi đây, du khách có thể chọn di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy. Tuy nhiên, cần đảm bảo người lái xe cần phải có tay lái vững bởi vì cung đường này vào mùa mưa rất trơn trượt, nguy hiểm và dốc cao, một bên đồi núi, một bên vực sâu. Nhóm chúng tôi không thể tự mình lái xe di chuyển qua những con đường gập ghềnh chỉ toàn bùn đất và đá nên đã thuê xe ôm ở đầu bản để di chuyển vào sâu bên trong làng (khoảng 3km).
Trên đường đi, tôi được chiêm ngưỡng những hàng cây xanh mướt luôn uốn lượn, vươn mình trước các cơn gió thổi vun vút khi ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Khung cảnh hai bên đường hết sức kỳ vĩ, mây trôi lững lờ lướt qua từng ngọn núi cao sừng sững.
Thỉnh thoảng, mọi người còn sẽ bắt gặp từng nhóm người đồng bào H’mông gùi trên mình những dụng cụ để bắt đầu việc lên nương, gieo trồng cho vụ mùa sắp tới. Ngay chính khoảnh khắc yên bình ấy, tôi nghĩ việc hít thở trọn vẹn bầu không khí trong lành và chiêm ngưỡng những hoạt động thường ngày của người bản địa đã đủ khiến tôi như được phục hồi và tiếp thêm rất nhiều năng lượng.
Vào đến bên trong làng, trước mắt là những gì mà trước đây tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến hoặc nếu có thể chắc cũng chỉ là trong mơ bởi lẽ mọi thứ hoàn hảo giống như một bức tranh yên bình đến lạ kỳ. Bố mẹ đi lên nương, các em bé vô tư nô đùa, chạy nhảy trên bãi cỏ xanh rì, đều tăm tắp, tiếng cười giòn tan của các em làm náo động cả một khoảng trời. Những bộ quần áo truyền thống của người H’mông được điểm xuyết bởi các sắc màu lung linh, rực rỡ, nổi bật trên nền thiên nhiên hoang dã. Mây trời trong vắt, gió thổi vi vu, cây cối xanh ngát một màu. Tất cả mọi hình ảnh, âm thanh làm tôi ngỡ mình như đang bước vào thế giới của những câu chuyện cổ tích mà lúc bé hay được nghe kể.
Ở đây chỉ có khoảng 20 hộ dân sinh sống, khi được nói chuyện và nghe kể lại từ người dân, tôi biết được rằng nguồn gốc của ngôi làng bắt nguồn từ việc hết sức đơn giản. Hằng ngày, người đồng bào H’mông đi lên nương, rẫy để trồng trọt nhưng sau nhiều giờ lao động thì họ đã thấm mệt và đường quay trở lại bản làng quá xa nên họ đã chọn một nơi bằng phẳng để nghỉ chân. Dần dần về sau, con người, động vật bắt đầu di cư đến đây để tiện sinh hoạt và chăn nuôi để từ đó hình thành nên Hang Táu.
Khi được nghe bảo trước rằng không có Internet, không điện và không sóng điện thoại, nhiều du khách vẫn cứ nghĩ rằng có lẽ do những người làm du lịch đang cường điệu hóa, nói quá lên. Sự thật không phải vậy, ở đây hoàn toàn là một nơi biệt lập, do đó khi đến đây tôi đã cảm nhận được những gì thuộc về đời sống hiện đại đều phải bỏ hết.
Thay vì tiếp xúc với thiết bị điện tử thì bây giờ được ngồi nhìn cây cối, động vật, mây, trời... tận hưởng những khoản khắc bình yên hiếm hoi. Từ đây, mỗi người có được thời gian nhìn nhận lại bản thân nhiều hơn, kéo con người về lại với những gì chính họ đã đánh mất. Tôi tin rằng người ta tìm về Hang Táu như một nơi bảo tồn kí ức hoang sơ của loài người thuở sơ khai.
Bất cứ ai khi đến với Hang Táu đều sẽ cảm nhận được những điều bình dị, giản đơn nhưng vô cùng thân thương, trọn vẹn. Hiện nay, dù lượng du khách có đông hơn tuy nhiên khi đặt chân đến thung lũng Hang Táu này, mọi người vẫn bắt gặp một khung cảnh như những ngày đầu, như những gì thường thấy trên những tấm ảnh được tương truyền trên mạng xã hội.
Nếu có cơ hội, tôi nghĩ rằng mọi người nên lưu lại địa chỉ Hang Táu vào lịch trình của mình tại Mộc Châu, Sơn La vì nơi đây chắc chắn sẽ đem lại cho mọi người một miền kí ức tuổi thơ yên bình, thuần khiết như chính cái tên thường được gọi “Làng Nguyên Thủy”.