Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Phong vị bánh bá trạng của người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ

Hằng năm cứ vào Mùng 2 đến Mùng 5 Tháng 5 Âm lịch, cộng đồng người Hoa ở khu vực chợ Lớn lại tất bật gói bánh bá trạng, một loại bánh truyền thống không thể thiếu của người dân dịp Tết Đoan Ngọ. 

Được biết, phong tục ăn bánh bá trạng vào dịp Tết Đoan Ngọ của người Hoa bắt nguồn từ câu chuyện về Khuất Nguyên, một nhà thơ và chính trị gia yêu nước đã quyên sinh tại dòng sông Mịch La để tỏ lòng trung thành với quê hương vào đúng Mùng 5 Tháng 5 Âm lịch. Người dân hay tin đã chèo thuyền đến và thả ống tre có gạo bên trong xuống sông để giữ cơ thể của ông không bị cá tấn công. Hằng năm, cứ đến dịp lễ này, để tưởng nhớ Khuất Nguyên, người ta sẽ dùng lá gói gạo nếp thành hình dạng như kim tử tháp gọi là bánh bá trạng để cúng lễ.

89-1717988769.jpg
Hằng năm cứ đến Mùng 5 Tháng 5, để tưởng nhớ Khuất Nguyên, người ta sẽ gói bánh bá trạng.

Sở dĩ người ta gọi bánh bá trạng là vì trong tiếng Triều Châu "bá" có nghĩa là thịt và "trạng" là bánh ú, như vậy thì có thể dễ dàng phân biệt với bánh ú nhân đậu xanh ngọt. Mỗi khi nhắc bánh ú, ta sẽ hình dung đến hình ảnh chiếc bánh nhỏ nhân đậu xanh hình tam giác.

Nhưng bánh bá trạng của người Hoa lại được gói với các nguyên liệu truyền thống như: thịt heo, trứng muối, tôm khô,... Đặc biệt, tùy theo từng bang trong "ngũ bang" của người Hoa (Quảng Đông, Tiều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến, Sùng Chính) sẽ có những đặc điểm về văn hóa, ẩm thực khác nhau, vì vậy bánh Bá Trạng mà họ làm ra cũng sẽ có nét đặc trưng riêng.

11-1717956127.jpg
Bánh bá trạng của người Hoa là bánh ú mặn với nhân gồm thịt heo, trứng muối, tôm khô,...

Ví như điểm nhận dạng đặc trưng bánh của người Hoa ngách Quảng Đông là ngoài những nguyên liệu thường gặp trên, phần nhân bánh sẽ có thêm đậu xanh vàng thay vì hạt sen hoặc hạnh nhân như bánh bá trạng của người Triều Châu, Phúc Kiến. Khi này, bánh sẽ được gói bằng lá tre và cột lại bằng một loại cỏ nước giúp cho bánh khi nấu lên có mùi thơm đặc trưng.

hj-1717990107.jpg
Phần nhân bánh của người Hoa ngách Quảng Đông sẽ có thêm đậu xanh vàng thay vì hạt sen.

Điểm nhấn ở loại bánh bá trạng Quảng Đông còn nằm ở chỗ bánh sẽ được gói đều 5 góc tượng trưng cho ngày mùng 5/5. Tuy nhiên, hiện người gốc Quảng ở Chợ Lớn thường gói thành dạng hình vuông, trông khá giống kiểu bánh chưng của người Việt, trong khi đó bánh của người Phúc Kiến thì có gói hình tam giác, Triều Châu lại gói hình chóp đứng.

chua-co-ten-2048-x-1340-px-1717991011.jpg
Bánh bá trạng Quảng Đông thường được gói thành dạng hình vuông, thoạt nhìn giống bánh chưng

Để ra được thành phẩm bánh bá trạng đòi hỏi phải qua nhiều quy trình kỳ công như: Ngâm nếp hơn 4 tiếng, sau đó còn lọc, xả ráo nếp nhiều lần, rồi công đoạn xào sơ các nguyên liệu như tôm khô, trứng muối, hạt sen, nấm đông cô, thịt heo được ướp hương liệu, chia vào từng bát để làm phần nhân, hay như công đoạn nấu bánh từ 6-8 tiếng để đảm bảo bánh ngon thơm ngon, không nhão, có mùi thơm đặc trưng ngũ vị hương, vị béo của trứng vịt muối và thịt ba rọi. 

chua-co-ten-2500-x-1800-px-1717990472.jpg
Tôm khô, trứng muối, hạt sen, nấm đông cô, thịt heo,... sẽ được xào sơ trước rồi chia làm từng bát để gói nhân.
8e33a76f-a469-496a-b539-c7267f0d893b-1717990526.jpeg
Bánh ngon nhất trong khoảng một tuần sau khi vớt.

Bánh bá trạng không chỉ đơn thuần là món truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ, mà còn là một món ăn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng khi chứa những nguyên liệu tốt cho sức khỏe như hạt sen có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon. Nấm đông cô chứa nhiều chất đạm và vitamin đặc trưng, còn có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư. Đặc biệt, có một số nơi còn sáng tạo bánh bá trạng với nhân bào ngư, một loài sinh vật biển có thể ngăn ngừa ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

ghs-1717991569.jpg
Bánh bá trạng là một món ăn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng.

Mỗi miếng bánh bá trạng gói ghém trong mình không chỉ hương vị đặc trưng của gạo nếp và những thành phần khác mà còn chứa đựng niềm kính trọng dành cho tinh thần trung nghĩa của Khuất Nguyên và mong muốn cầu tài lộc, sức khỏe cho gia đình. Đồng thời việc nấu và thưởng thức bánh bá trạng còn là cách thể hiện sự đoàn kết và mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn.

jhiji-1717991727.jpg
Việc nấu và thưởng thức bánh bá trạng còn là cách thể hiện sự đoàn kết.
dk-1717991793.jpg
Người dân sắm bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ.
Bài: Anh Thư - Ảnh: Cathy.Foodaholic