Pháp lập kỷ lục Guinness thế giới mới với chiếc bánh mì baguette dài hơn 140 mét

Sau 5 năm kể từ khi chiếc bánh mỳ baguette của đội Ý xác lập kỷ lục với chiều dài “khủng” 132,62m, đội Pháp đã thành công thiết lập kỷ lục mới với chiếc bánh mỳ dài hơn 140m.

Mới đây, đội Ý đã phải “nhường ngôi” kỷ lục chiếc bánh mỳ baguette dài nhất thế giới cho một nhóm thợ bánh mì Pháp. Theo đó, nhóm thợ làm bánh gồm 18 thành viên nước Pháp đã quyết tâm xác lập nên kỷ lục Guinness thế giới mới bằng cách cùng nhau làm ra chiếc bánh mì baguette dài 143,53m.

Được biết trước đó, kỷ lục chiếc bánh mỳ dài nhất thế giới thuộc về thành phố Como của Italy với chiều dài “khủng” 132,62m được xác lập vào tháng 6/2019. Mãi đến năm 2024, tại sự kiện do Liên đoàn thợ làm bánh và đầu bếp bánh ngọt Pháp tổ chức tại Suresnes, ngoại ô thủ đô Paris, đội Pháp mới phá vỡ kỷ lục Guinness cũ với chiếc bánh dài gấp 235 lần bánh baguette thông thường.

051dd09d-ef74-465a-8fc4-ace4e148c50c-921ba2a6-1714983098.jpg
Bánh mì baguette dài 140 mét được làm trong 10 giờ. Ảnh: Reuters

Để xác lập kỷ lục, các thợ bánh mì Pháp đã phải bắt đầu nhồi bột bánh từ 3 giờ sáng và để tạo ra món bánh nặng 152kg cần tới 90kg bột mì, 60 lít nước, 1,2kg muối và 1,2kg men. Sau đó, bánh sẽ được nướng trong một lò bánh được thiết kế riêng biệt, khi thành phẩm, chiếc bánh mì baguette có độ dày ít nhất 5cm đã được cắt ra và chia cho những người tham gia sự kiện, phần còn lại được tặng cho người vô gia cư.

"Mọi thứ đã được chứng minh, tất cả chúng tôi đều rất vui mừng vì đã đánh bại được kỷ lục trước đây và kỷ lục mới được thiết lập tại Pháp", Reuters dẫn lời ông Anthony Arrigault, một trong những thành viên tham gia xác lập kỷ lục mới.

Theo các quy định chính thức của Pháp, chiếc bánh mì baguette truyền thống của nước này phải dài khoảng 60cm, được nhào nặn từ bột mì, nước, muối và men, đạt trọng lượng khoảng 250g sau khi hoàn thành.

Bánh mì baguette xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 19 ở Paris, Pháp. Loại bánh mì này nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ hương vị thơm ngon, tiện lợi và giá thành rẻ. Ban đầu, baguette được làm thủ công bằng tay, nhưng đến thế kỷ 20, các nhà máy sản xuất bánh mì bắt đầu sử dụng máy móc để sản xuất hàng loạt, giúp cho baguette trở nên phổ hơn với người dân.