Trong bối cảnh du lịch và văn hóa đang trở thành cầu nối quan trọng giữa các quốc gia, sự ra đời của "Bánh mì thịck" không chỉ là một sáng kiến độc đáo mà còn là một bước đi đầy ý nghĩa của Chonkaverse nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

 Biểu tượng ẩm thực đến "Đại sứ" văn hóa

Lấy cảm hứng từ món bánh mì thịt trứ danh, "Bánh mì thịck" được tạo hình một cách sống động và thân thiện – một ổ bánh mì mềm mại, được "nhồi" đầy nhân: rau sống, thịt, đồ chua, ớt bằng chất liệu bông êm ái. Đây không chỉ là một món đồ chơi thông thường mà còn là một nhân vật có cá tính, vui nhộn và dễ dàng kết nối cảm xúc với mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn, từ du khách quốc tế đến những người con xa xứ.

hinh-4-1747968049.jpg

Chị Nguyễn Ngọc Đan Quyên, Founder của Chonkaverse, chia sẻ: "Sản phẩm không đơn thuần là quà lưu niệm, mà là cách chúng tôi muốn kể lại câu chuyện văn hóa Việt Nam một cách gần gũi, dễ hiểu và đáng yêu nhất. Chúng tôi tin rằng, văn hóa Việt không chỉ nằm trong sách hay bảo tàng, mà còn hiện diện trong từng chiếc bánh mì góc phố, từng nụ cười của người bán hàng và cả trong những kỷ niệm của người Việt xa xứ.”

Hành trình "Việt hóa" bánh mì và tầm nhìn lan tỏa

Ít ai biết rằng, bánh mì vốn không phải là món ăn bản địa của Việt Nam. Cuối thế kỷ 19, khi người Pháp mang bánh baguette đến Đông Dương, loại bánh mì dài, vỏ cứng ấy đã nhanh chóng được "Việt hóa" dưới bàn tay khéo léo của người Việt. Dần dà, ổ bánh mì trở nên ngắn hơn, ruột mềm, vỏ giòn và đặc biệt là chứa đựng cả một "thế giới ẩm thực" phong phú bên trong. Từ những năm 1950, bánh mì kẹp thịt với pa-tê, chả lụa, rau thơm, đồ chua, tương ớt đã trở thành món ăn đường phố "quốc dân", được người Việt ưu ái gọi là "fast food phiên bản bản địa".

hinh-2-1747967908.png
Chia sẻ câu chuyện bánh mì vào Việt Nam phong cách truyện tranh nhận được sự quan tâm của công chúng.

Ngày nay, bánh mì Việt Nam đã vượt ra khỏi biên giới, có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Dù ở đâu, bánh mì Việt Nam vẫn mang đậm dấu ấn lịch sử, bản sắc và tình cảm của người Việt. Bánh Mì Thick chính là sự tiếp nối hành trình đó, trở thành một "đại sứ cảm xúc" mang theo câu chuyện về ẩm thực và sự sáng tạo của người Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Qua dự án "Bánh mì thịck", doanh nghiệp mong muốn văn hóa Việt Nam sẽ trở nên gần gũi hơn với bạn bè quốc tế, đồng thời tạo cơ hội phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trong nước khi kết hợp hình ảnh này vào sản phẩm của mình. "Thịck đại diện cho một Việt Nam dịu dàng," đó là lời nhắn nhủ mà Chonkaverse muốn gửi gắm qua mỗi chiếc bánh mì bông mềm mại này.

hinh-1-1-1747968008.jpg
Sản phẩm sẽ chính thức ra mắt vào dịp Quốc tế Thiếu nhí sắp tới.

Sự ra đời của "Bánh mì thịck" là minh chứng cho thấy văn hóa Việt Nam không ngừng đổi mới và sáng tạo, từ những món ăn quen thuộc đến những linh vật đầy cảm xúc. Chonkaverse đang từng bước biến bánh mì không chỉ là một món ăn, mà còn là một câu chuyện, một cảm xúc, một phần hồn của Việt Nam để "ôm" cả Việt Nam tặng cho bạn bè quốc tế.

Lễ hội Bánh mì Việt Nam phiên bản quốc tế đầu tiên dự kiến sẽ được tổ chức ở Úc vào tháng 9 năm 2025.

Thông tin này đã được bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, chia sẻ tại buổi tổng kết Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 3 diễn ra vào cuối tháng 3/2025. Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng đã ký kết hợp tác cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam - Australia về việc tổ chức lễ hội này tại Sydney, Australia.

Việc tổ chức Lễ hội Bánh mì tại Úc là một bước tiến quan trọng trong việc quảng bá món ăn yêu thích này của Việt Nam đến với nhiều thực khách quốc tế hơn nữa, và phản ánh dấu mốc trong công tác ngoại giao ẩm thực của đất nước.