Diễn ra từ ngày 28-31/3/2024 tại Khu Du lịch Văn Thánh (TP.HCM), Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon 2024 hứa hẹn mang lại cho công chúng những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ. Theo đó, hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng vùng miền cùng lúc được giới thiệu, trình diễn và phục vụ tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam của hơn 40 gian hàng ẩm thực đến từ hơn 40 đơn vị là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng 4-5 sao tại TP.HCM và các địa phương.
“Với mục đích nhằm tôn vinh và quảng bá những giá trị tinh hoa ẩm thực Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước, chúng tôi mong muốn lễ hội là dịp để khách thưởng ngoạn có cái nhìn toàn cảnh và có dịp tìm hiểu, trải nghiệm thực tế về sự đa dạng, phong phú của bộ sưu tập khá đầy đủ những món ngon, đặc sắc nhất của các vùng miền, đặc biệt là các món ăn độc đáo, có nguy cơ bị thất truyền. Tất cả đều được những chuyên gia ẩm thực, đầu bếp tài hoa thuộc hệ thống Saigontourist Group chọn lọc tinh tuyển, đầu tư chế biến và thể hiện sự sáng tạo trong cách thức thể hiện”, Ông Phạm Huy Bình - Chủ tịch Saigontourist Group, trưởng ban chỉ đạo Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group 2024 - chia sẻ.
Món ăn hoàn toàn mới, lần đầu tiên được giới thiệu tại Lễ hội là món cơm muối Hoàng cung, món “cơm tiến Vua” thời xưa, đến từ khách sạn Sài Gòn – Morin (Huế). Đúng như tên gọi, cơm muối Huế là cơm ăn cùng các loại muối, phổ biến là 9 loại muối, với số 9 mang ý nghĩa "trùng trùng cửu cửu", tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu.
Cách bày trí tinh tế của món cơm muối Huế cũng là một phần làm nên giá trị của món ăn này. Đĩa phải có sự sang trọng và tinh tế, chén ăn thường có kiểu hoa văn thanh nhã, chân cao và được thiết kế cầu kỳ. Để tạo ra một bữa cơm muối Huế đẳng cấp, các đĩa muối thường được sắp xếp một cách cẩn thận, tạo thành một vòng tròn hoặc hình đóa hoa. Sự sắp đặt này không chỉ làm cho bữa ăn trở nên hấp dẫn mà còn tôn vinh sự tinh tế và nghệ thuật của nền văn hóa ẩm thực Huế.
Một món ăn “tiến Vua” khác là gà Cùa ủ muối được khách sạn Sài Gòn – Đông Hà (Quảng Trị) mang tới Lễ hội. "Xứ Cùa" chỉ vùng đất nằm trên dãy Trường Sơn, nay thuộc hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Đằng sau hương vị thơm ngon, người dân "xứ Cùa" còn truyền nhau câu chuyện về gà Cùa từng là sản vật để tiến vua Hàm Nghi, người luôn nhắc các đại thần, sau này sơn hà được bình yên, nhớ nuôi dưỡng gà Cùa thành sản vật của tổ tiên.
Gà "xứ Cùa" có đặc điểm "ngày ăn mối, tối ngủ cây" để cho ra thứ thịt ngon thơm đặc biệt, săn chắc mà không dai, béo mà không ngậy. Gà "xứ Cùa" thơm ngon từ thịt, kết hợp với rau răm, hành tây, nước sốt, chút cay của ớt sừng, ngọt thanh của dưa leo và gia vị theo cách riêng của ẩm thực “vùng đất lửa”.
Khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình kỳ này giới thiệu món mứt sâm Bố Chính, xưa cũng được dùng làm món cung tiến Vua. Theo y liệu, củ sâm là một trong những vị thuốc quý của Đông y, có tác dụng hỗ trợ ngon miệng, cải thiện giấc ngủ, tăng cường thị lực, thể lực, trí não minh mẫn, chống mệt mỏi. Mứt sâm phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt rất tốt với người tuổi cao, sức yếu. Được làm từ củ sâm tươi Bố Chính, sản vật nổi tiếng của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, và đường phèn, mứt có màu vàng nhạt hòa quyện với lớp đường trắng, mùi sâm thơm nhẹ, mứt mềm, ngọt và vẫn giữ được mùi thơm của sâm.
Ngược ra miền Bắc, trên vùng cao Đông Bắc có món đặc sản cá kẹp nướng hồ Ba Bể, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Được mệnh danh là “Viên ngọc xanh” của tỉnh Bắc Kạn, hồ là không gian sinh tồn của nhiều loài cá lớn, nhỏ khác nhau, trong đó ngon nhất là cá mương. Cá mương chỉ nhỏ bằng 1-2 ngón tay, thịt trắng, chắc, thơm ngon và không tanh.
Cá nướng chín trên nẹp tre, có mùi thơm nức mũi, vị ngọt thanh của cá hòa quyện cùng hương vị đặc trưng của than củi tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng, cá có thể ăn cả xương lẫn thịt, chấm cùng muối tiêu chanh hoặc mắm ớt cay cay. Ngồi bên bếp lửa hồng thưởng thức những con cá mương nướng chắc thịt, mềm xương, thơm ngon chắc chắn là trải nghiệm không thể nào quên.
Từ vùng đất Tổ, khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ mang về xuôi món mì cọ Sài Gòn - Phú Thọ. Món ăn là sự kết hợp giữa mì gạo Hùng Lô, làng nghề truyền thống nổi tiếng tại Phú Thọ cùng gà đồi Phong Châu luộc chín, gà có vị ngon, dai, thịt chắc, chả nướng truyền thống từ thịt heo, được quay trên bếp than hồng đảm bảo vị mềm, ngậy. Cuối cùng là quả cọ ỏm, đặc sản của vùng trung du Phú Thọ, là loại cọ nếp chín, cùi vàng, béo ngậy, hạt nhỏ. Nước dùng được ninh hoàn toàn từ xương, đảm bảo vị ngọt, thơm, ngậy. Mì được ăn kèm với rau ngổ, hành lá, rau mùi, chanh ớt.
Nói đến các món ăn chơi, bánh xèo hải sản Ninh Chữ (Ninh Thuận) là món không thể bỏ qua. Bánh xèo Ninh Chữ có dạng hình tròn, bán kính khoảng 5 cm và được đổ trên khuôn làm bằng đất sét xuất xứ từ làng gốm Bàu Trúc, làng nghề truyền thống cổ xưa nhất Đông Nam Á. Riêng nước chấm của bánh xèo Ninh Chữ ăn kèm không chỉ một mà là nhiều loại nước chấm gồm mắm đậu phộng, mắm cà chua, mắm tỏi ớt,... khi ăn chan mắm ngập, thấm đều và ăn khi vừa vớt ra khuôn còn nóng hổi, giòn tan. Ăn kèm theo không thể thiếu đó là rau sống.
Ngoài ra còn nhiều món ăn hấp dẫn ngay từ tên gọi, ví dụ như món heo đồng bào nướng ống tre của khách sạn Sài Gòn – Ban Mê (Buôn Ma Thuột), phở atiso Đà Lạt của khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt, món bún chả heo thảo mộc thuộc dòng ẩm thực xanh đến từ khách sạn Rex Sài Gòn, món bánh canh ghẹ sữa (khách sạn Sài Gòn – Rạch Giá), bánh xèo thịt vịt Bình Thuận (khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Mũi Né).
Từ con cá ngừ đại dương Phú Yên, bằng đôi bàn tay khéo léo, đầu bếp của khách sạn Sài Gòn – Phú Yên sẽ chinh phục thực khách qua nhiều món “độc, lạ” như tiềm mắt cá ngừ đại dương, phi lê cá ngừ xốt tiêu xanh, phi lê cá ngừ lúc lắc… Món ngon miền biển còn có nhum nướng sốt trứng mỡ hành, còi sò biên mai xiên nướng tiêu đường (khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Phú Quốc), cá bò hòm nướng muối ớt (khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Côn Đảo). Món ngon làng chài vùng duyên hải Cần Giờ có chả ốc lá bui, gỏi tôm lá kìm (khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Cần Giờ).
Một trong những nét mới của Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon 2024 là hoạt động bình chọn top 10 món ngon được yêu thích nhất tại lễ hội dành cho khách tham dự. Thông tin về các món ăn trên đây cũng là gợi ý để khách tham gia bình chọn, nhận nhiều phần quà hấp dẫn từ BTC.
Bên cạnh đó, nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, trải nghiệm văn hóa truyền thống dành cho khách, Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon 2024 sẽ tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc như: Biểu diễn quan họ Bắc Ninh, hát then, đàn tính Tây Bắc, múa xòe Thái, ca Huế, đờn ca tài tử, hát múa gáo dừa, múa khỉ, nhạc ngũ âm, nhảy sạp, nhạc cụ dân tộc… cùng các tiết mục rong diễn tương tác với khách. Lễ hội năm nay bố trí khu vực làng nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu như làm bún, đan tre, chằm nón, nấu sữa đậu nành, làm đậu hủ, làm gốm và làng bánh dân gian.
Lễ hội mở cửa phục vụ công chúng từ 16g-22g mỗi ngày, liên tục từ ngày 28-31/3/2024. Tham gia lễ hội, khách mua vé vào cổng có đính kèm coupon để sử dụng dịch vụ, với giá vé trọn gói 200.000 đồng/người lớn, trẻ em đi cùng được miễn phí.