Ngành Du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn, đặc biệt là quản trị cấp cao. Trong khi đó, hiện nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế… Để giải quyết thực trạng đó, ngày 07/04, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức sàn giao dịch việc làm với hơn 1.000 vị trí.
“Chúng tôi cần bạn”
“Chúng tôi cần bạn” là slogan của Công ty Cổ phần lữ hành Vietluxtour để thu hút sự chú ý của các ứng viên tại Sàn giao dịch việc làm ngành du lịch TP.HCM. Vietluxtour có nhu cầu tuyển dụng hơn 20 lao động ở nhiều vị trí khác nhau, tuy nhiên chỉ có khoảng 10 người để lại thông tin hồ sơ ứng tuyển. Chị Đoàn Thị Yến Nhi - chuyên viên hành chính nhân sự Vietluxtour cho biết, công ty không ngại tuyển dụng những người mới ra trường để đào tạo nhằm đáp ứng công việc, chỉ cần tìm được những ứng viên phù hợp. Tuy nhiên, khi mùa du lịch Hè đã cận kề mà việc tuyển dụng vẫn rất khó khăn. "Hầu hết nhân sự bên em là các bạn sinh viên thực tập; nguồn nhân lực mới ra trường chưa tiếp cận được nhiều. Còn với những bạn có nhiều kinh nghiệm thì vào khuôn khổ của công ty hơi khó”, chị Yến Nhi chia sẻ.
Một thực tế là lực lượng lao động ngành du lịch đã rơi rụng khá nhiều trong giai đoạn đại dịch. Nhiều người chuyển ngành chuyển nghề và sau đó không muốn quay lại nên các doanh nghiệp tuyển dụng rất khó khăn. Tại khách sạn Kim Đô Sài Gòn (Royal), sau dịch Covid-19, lực lượng lao động giảm đến 40%, nhưng đó đã là con số ít hơn các nơi khác. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian (fulltime) chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.
Bà Nguyễn Thị Yến Xuân, Trưởng phòng nhân sự của Kim Đô cho biết, từ khi các hoạt động du lịch được khôi phục hoàn toàn, đơn vị của bà liên tục tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Song từ đó đến nay vẫn chẳng tìm được nhiều nhân sự chất lượng phù hợp với mong muốn của khách sạn. Nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều vị trí cũng nghỉ việc, nhu cầu tuyển dụng càng bức thiết hơn.
Một khó khăn khác của các đơn vị tuyển dụng du lịch là: trong giai đoạn đại dịch, chủ sở hữu mất rất nhiều tiền để duy trì sự tồn tại của đơn vị. Tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước vẫn phải trả; nguồn thu thì không có. Nhiều đơn vị sau dịch mặc dù đã hồi phục ít nhiều nhưng tình hình tài chính vẫn rất khó khăn, dẫn đến mức lượng cho các lao động thời vụ là không cao.
Theo một khảo sát của chuyên trang Timviec.com.vn, công việc lễ tân ở các khách sạn 1-2 sao thường bắt đầu với mức lương cơ bản chỉ từ 2 – 3 triệu đồng/ tháng, sau đó nâng dần lên 4-5 triệu đồng/ tháng. Lên đến các vị trí giám sát, quản lí lễ tân mức lương cũng chỉ cao nhất là đến 15 triệu đồng/ tháng, khó cạnh tranh với nhiều đơn vị khác cho những nhân sự cấp cao.
"Đơn vị mình đã chủ động kết nối với các trường đào tạo nhân lực ngành du lịch, thuê cả các sàn agency nhân sự để tìm người, và tham gia các sàn giao dịch việc làm như thế này. Nhưng đa số nhân sự khi đến với ngành này, mức lương thấp và thời gian làm việc vất vả nên các bạn trụ lại cũng không nhiều. Có bạn chỉ làm 1-2 tháng rồi lại bỏ", bà Yến Xuân phân tích.
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành du lịch
Theo bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Nhân sự Công ty Du lịch Vietravel, các vị trí tuyển dụng liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, định hướng và phát triển dự án rất khó tuyển ứng viên. Việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho ứng viên mới còn chiếm khá nhiều thời gian. Để thực hiện chương trình đào tạo, doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí, nhân lực và thời gian tương xứng mới mang lại hiệu quả. Ở Viettravel, 90% ứng viên mới tuyển dụng đều cần đào tạo lại để có thể thích ứng với công việc và văn hóa công ty. Kỹ năng giao tiếp và xử lí tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với khách hàng, với đồng nghiệp của một số ứng viên còn nhiều hạn chế. Năng lực ngoại ngữ và thái độ làm việc chưa đạt như kỳ vọng.
Theo đánh giá của Sở Du lịch Tp.HCM, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng. Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương; do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, khó khăn nhất của ngành du lịch là tuyển dụng không được những nhân sự có thâm niên, kinh nghiệm, do đa số những người lành nghề đã chuyển dịch sang ngành nghề khác, rất khó quay trở lại. Phần lớn lao động đều là những sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp tuyển dụng sẽ phải đầu tư để đào tạo cho đội ngũ này.
Sở Du lịch đã kết nối các đơn vị liên quan, nhằm lên kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Bà Hiếu cũng cho rằng, các đơn vị du lịch cần chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, chia sẻ tiêu chuẩn làm việc của doanh nghiệp mình để các trường biết và đào tạo ngay từ đầu, tránh tình trạng sinh viên mới ra trường nhận về phải đạo tạo lại. "Trong năm 2023, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn đối với đội ngũ hướng dẫn viên, quản lý, đặc biệt thông qua các hội thi nghề nghiệp như hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, hội thi về dịch vụ buồng phòng để giúp các bạn nâng cao tay nghề, trở nên gắn bó với ngành du lịch trong thời gian tới”, bà Ngọc Hiếu chia sẻ.
TP.HCM đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu du lịch đạt trên 160 ngàn tỉ đồng. Như vậy, để đạt được điều đó, tất cả các hoạt động cũng như công suất của việc phục vụ của các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải hiệu quả nhất, trong đó không thể thiếu vai trò của nguồn nhân lực./.