Nguồn gốc phong tục ăn bánh trôi nước trong ngày Tết Nguyên Tiêu
Với người dân Trung Quốc, truyền thống ăn bánh trôi nước đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Tiêu. Tương truyền vào đời nhà Tống, dân gian bắt đầu thịnh hành một loại bánh mới có dạng hình tròn được làm từ bột nếp với nhân đậu xanh. Khi chín, loại bánh này sẽ có vị ngọt thanh, mềm dẻo và mùi thơm dễ chịu. Khu vực miền Bắc Trung Quốc thường gọi nó là bánh “Nguyên Tiêu”, còn miền Nam thì gọi là “bánh trôi nước”.
Bên cạnh đó, phong tục ăn bánh trôi nước ngày rằm tháng Giêng còn gắn liền với câu chuyện về nàng Nguyên Tiêu. Vào thời Tây Hán, các cung nữ không được phép rời cung để trở về đoàn tụ cùng gia đình, nàng Nguyên Tiêu cũng không ngoại lệ. Vì quá nhớ nhà và tủi phận nên nàng đã có ý định kết liễu cuộc đời. May mắn thay nàng được một vị quan tên Đông Phương Sóc cứu sống và giúp nàng đoàn tụ với cha mẹ bằng cách gieo quẻ "Trường An gặp nạn, lửa thiêu Đế khuyết, ngày 15 lửa trời, đỏ rực suốt đêm" khiến nhà vua Hán Vũ Đế kinh hãi mà vội triệu ông đến mà bàn về cách ứng phó.
Ông vờ suy nghĩ rồi nói thần lửa thích ăn bánh trôi, trong cung lại có nàng cung nữ Nguyên Tiêu khéo tay nên nàng có thể đảm nhận việc làm bánh trôi để dâng lên thần linh. Ngoài ra, ông còn đề xuất với nhà vua truyền lệnh cho người dân trong thành đồng loạt làm bánh trôi nước. Chưa kể, đến ngày đó còn phải treo đèn lồng đỏ, đốt pháo để Ngọc Hoàng lầm tưởng trần gian đang bị lửa thiêu.
Đến đêm rằm tháng Giêng, thành Trường An treo đèn kết hoa, người người hào hứng vui chơi, nàng Nguyên Tiêu được đoàn tụ với gia đình. Thấy kinh thành vô sự, Hán Vũ Đế đã rất vui mừng và hạ lệnh cứ đến ngày này hằng năm, cả thành đều phải làm bánh trôi, treo đèn và đốt pháo. Cũng kể từ đó, ngày rằm tháng Giêng được gọi là ngày Tết Nguyên Tiêu và bánh trôi nước cũng trở thành một món ăn không thể thiếu trong ngày này.
Món bánh trôi nước với ý nghĩa đoàn viên
Tuy bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng phong tục này vẫn được nhiều người ở Việt Nam áp dụng theo, ăn bánh trôi nước vào rằm tháng Giêng với ý nghĩa đoàn viên, đồng thời còn thể hiện mong muốn một năm mới suôn sẻ và tròn trịa như bánh trôi nước. Chính vì vậy mà chén bánh trôi nước trong ngày Tết Nguyên tiêu sẽ được chăm chút kỹ lưỡng hơn ngày thường.
Một chén chè trôi nước ngon đúng nghĩa là khi những viên bánh trôi được nặn tròn trịa, mịn màng đẹp như trăng tròn. Khi ăn vào, ta sẽ cảm nhận được sự mềm dẻo của lớp bột, phần nhân đậu xanh béo bùi hòa quyện với nước gừng thơm dịu, vị ngọt thanh của đường mật.
Để làm ra chén trôi nước thơm ngon phải trải qua khá nhiều công đoạn như vo tròn nhân đậu xanh rồi lấy một ít bột dẻo mịn để gói nhân lại và vo tròn. Sau đó, những viên bột này sẽ được đem luộc qua nước sôi, bánh chín sẽ tự động nổi lên mặt nước, lúc này nếu ta thấy bột đổi màu trắng trong, dẻo mềm, không bị vỡ nhân, không méo, thì có nghĩa là bánh đã đạt.
Đợi khi bánh chín, thả nhúm gừng xắt nhuyễn vào cho dậy mùi thơm. Sau cùng ta vớt từng viên bánh tròn trịa ra chén, múc thêm ít nước đường chan ngập bánh, rắc thêm chút dừa nạo, mè rang rồi tận hưởng một mùa Tết Nguyên Tiêu sum vầy cùng gia đình.