Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Rộn ràng lễ khai mạc Đêm hội Tết Nguyên Tiêu Xuân Giáp Thìn tại TP.HCM

Tâm điểm của đêm khai mạc Tết Nguyên Tiêu Xuân Giáp Thìn chính là màn diễu hành của hơn 1.500 diễn viên kết hợp với trình diễn lân - sư - rồng tại các tuyến đường trung tâm Quận 5.

Tối ngày 24/02, BTC đã tổ chức Lễ khai mạc Đêm hội Nguyên Tiêu Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Trung tâm Văn hóa Quận 5 (TP.HCM) với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Đáng chú ý nhất là màn diễu hành nghệ thuật với sự tham gia của hơn 1.500 diễn viên, kết hợp biểu diễn lân - sư - rồng trên nhiều tuyến phố trên địa bàn quận 5 đã thu hút hàng nghìn người dân tới xem.

5-1708837931.jpg
Từ 17h, sau khi đã diễu hành tại nhiều tuyến đường tại quận 5, đoàn tuần du đã tập trung về trước Trung tâm văn hóa Quận 5, thu hút đông đảo người dân tới xem.
4-1708838106.jpg
Đúng 19h30, đoàn diễu hành bắt đầu tiến vào khu vực lễ hội Nguyên Tiêu 2024.
7-1708838218.jpg
Cả con đường tràn ngập sắc màu của lễ hội Tết Nguyên Tiêu, tiếng kèn tiếng trống khiến lòng người nao nức.
nguyentiu-1708846710.jpg
Màn trình diễn lân - sư - rồng luôn được các bạn nhỏ trông đợi nhất trong dịp Lễ hội Nguyên Tiêu. Chị Phan Thị Ngọc Cẩm (Quận 6) hào hứng chia sẻ: "Vì con trai tôi thích xem những tiết mục múa lân nên năm nào tôi cũng đưa con xem hội. Năm ngoái chúng tôi đi theo đoàn diễu hành từ 15h đến chiều tối nhưng năm nay tôi dẫn con đến điểm tập trung luôn vì chẳng đủ sức để đi nữa".
thiet-ke-chua-co-ten-1708838894.jpg
Khi đoàn lân cuối cùng tiến vào khu vực trung tâm sân khấu, cũng là lúc khai mạc Đêm hội Nguyên Tiêu Xuân Giáp Thìn năm 2024.
7d98b6ad-aa54-4a65-851d-a71c132ece15-1708840463.jpeg
Lễ khai mạc được diễn ra long trọng với các tiết mục đặc sắc.

Chia sẻ tại buổi lễ khai mạc, ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch UBND Quận 5 cho biết: “Lễ hội Nguyên Tiêu ở tại địa phương đã được duy trì và tổ chức trong hơn 30 năm qua, trở thành sự kiện thường niên quan trọng của TP.HCM”.

Bên cạnh những giá trị về mặt lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội, lễ hội còn thể hiện giá trị của cộng đồng, dấu ấn của thời gian và cũng là tài sản tinh thần của người dân. Đồng thời còn là nét đẹp hài hòa được kết hợp giữa văn hóa Việt và văn hóa dân tộc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

“Thông qua lễ hội, nhiều giá trị văn hóa của đồng bào người Hoa cũng được giữ gìn, phát huy. Qua đó phát huy tinh thần, tính nhân văn, tính đoàn kết gắn bó giữa đồng bào Việt – Hoa”, ông Kỳ khẳng định.

Bên cạnh các tiết mục trình diễn nghệ thuật, trong khuôn khổ lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa dân tộc hoa như đố đèn, gieo tú cầu, biểu diễn vẽ tranh thủy mặc tập thể, tặng thư pháp,...

8-1708839652.jpg
Đông đảo người dân đến tham gia trò chơi đố đèn.
3-1708839746.jpg
Lối chơi chữ trong đố đèn có nhiều cách: Một là ra câu thơ với đề bài yêu cầu đoán chữ (gọi là “xuất chữ”), hoặc đoán vật (xuất vật), hoặc ra câu đố chiết tự (chữ Hán), hoặc ra câu thơ quen thuộc yêu cầu đoán “ẩn tự” hoặc “khảm tự” (một hình thức giống như “thả thơ”). Đoán được chữ sẽ có phần thưởng.

 

Tết Nguyên Tiêu còn gọi là gọi là Tiết Thượng Nguyên, Tiết Hoa Đăng... là một trong những lễ hội cổ truyền với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình ấm no hạnh phúc trong đêm rằm đầu tiên của năm mới. Thông thường Tết Nguyên Tiêu sẽ kéo dài từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng Giêng, trong đó các hoạt động cộng đồng sẽ tập trung vào các ngày từ 12 tháng Giêng đến 18 tháng Giêng, lễ chính vào ngày 15 tháng Giêng.

 

Bài và ảnh: Anh Thư