Ngắm tháp đất nung - "bảo vật quốc gia" hơn 350 năm tuổi ở Hưng Yên

Với lối trang trí dày đặc các hoa văn tiêu biểu cho văn hóa thời Lê trung hưng, toà tháp được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây cũng là ngôi đền duy nhất trên cả nước nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng có quy mô hoàn chỉnh còn sót lại của một công trình kiến trúc mang yếu tố văn hóa đạo Giáo. 

Đền An Xá (còn có tên gọi khác là Đậu An) nổi tiếng tọa trên thế đất hình đầu rồng tại xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ngôi đền này được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2020.

b65416bd6b72c92c906313-1720423652.jpg
Đền An Xá phủ màu rêu phong. Ảnh: Duy Anh

Tòa tháp đất nung màu đỏ nằm ở bên tay trái trước cung thờ Ngọc Hoàng của đền có niên đại được xác định từ thời Lê trung hưng khoảng năm 1667 nhưng xuất phát điểm là tháp đá xây dựng từ thời nhà Mạc.

Tháp có hình vuông, có tất cả 12 tầng nhọn dần về bên trên, chia làm 4 phần chính gồm bệ tháp, đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Tháp đất có màu đỏ do được xây dựng thủ công hoàn toàn bằng chất liệu đất nung. Trải qua quá trình lịch sử hơn 350 năm, ngôi tháp phủ đầy rêu phong nhưng vẫn giữ được màu sắc vốn có.

0101c9e2b42d16734f3c14-1720423652.jpg
Tháp đất nung mang màu đỏ, gồm 12 tầng và 4 phần cấu trúc: bệ tháp, đế tháp, thân tháp, đỉnh tháp. Ảnh: Duy Anh

Hiện tại, hiếm có công trình nào còn giữ được nguyên vẹn giá trị hoa văn, kiến trúc tiêu biểu như tháp đất nung đền An Xá. Nhìn vào thiết kế, có thể thấy cả 4 phía của tháp chạm khắc rất tinh xảo, mỗi mặt đều khoét cửa sổ nhìn ra theo lối cửa tò vò. Càng lên cao, tầng tháp càng thu hẹp dần, những lớp hoa văn vì thế cũng ít đi. Mỗi tầng tháp đều đánh số thứ tự bằng chữ Hán, chạm trổ các hoa văn đa dạng như rồng, phượng, sư tử, cánh sen, tiên nữ, thiên mã (ngựa có cánh), mây, kiếm, đao, chữ vạn... Đáng chú ý, ở một số mảng chạm còn xuất hiện nhiều yếu tố dân gian như thi vật, bắt rắn và các linh vật như hổ, chim, Gadura (kim sí điểu) của Phật giáo.

c0a4f996845926077f4817-1720423652.jpg
Hoa văn sinh động trên các tầng tháp. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia.

Nhìn về hình thức tổng thể, nhiều du khách cảm thấy tháp đất An Xá mang dáng vẻ của tháp chùa thiền môn Phật gia nhưng thực tế tháp lại có số tầng chẵn, tượng trưng cho mong muốn "cầu trời" trong quan niệm Đạo giáo. Đỉnh tháp đặt một quả hồ lô tròn gắn liền cùng mái, đây được xem là yếu tố tâm linh, là con đường giao thoa giữa trời và đất.

Hơn nữa, tháp đất thuộc đền An Xá là di tích quán đạo xưa thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ vị thiên sư nên yếu tố Phật đạo ít xuất hiện. Mặc dù vậy, tháp vẫn mang yếu tố giao thoa giữa Phật và Đạo, chủ yếu bởi sự xuất hiện của các họa tiết như sen, mây và chim thần Gadura.

Dựa trên căn cứ về hình dáng, chất liệu xây dựng và hoa văn, họa tiết, các nhà nghiên cứu cho rằng tháp đất An Xá đã có tuổi đời trên 350 năm, tức xuất hiện từ khoảng thế kỷ 16 hoặc 17. Đặc biệt trên thân tháp còn ghi dòng chữ "Hoàng triều Cảnh Trị ngũ niên trùng tu An Xá tháp" nên cũng có thể tạm xác định tháp được trùng tu năm Cảnh Trị thứ 5 tức năm 1667.

Đất nung vào thời gian đó cũng là nguyên liệu xây dựng phổ biến, mang giá trị kinh tế, không cần vận chuyển xa lẫn dễ tạc khắc sao cho sinh động. 

d48f3bbc4673e42dbd6216-1720423652.jpg
Đền thờ vị thần chủ là Ngọc Hoàng thượng đế. Ảnh: Duy Anh
a88b2f4f5280f0dea99110-1720423652.jpg
Ngoài tháp đất, đền còn nhiều công trình kiến trúc khác mang đậm nét văn hóa cổ xưa. Ảnh: Duy Anh

Hiện tại tháp đất An Xá là một trong 2 tháp đất nung cuối cùng ở miền Bắc, nhưng lại mang tính độc bản vì là tháp đất duy nhất của Đạo giáo còn tồn tại. Ngày 25/12/2021, theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg, tháp đất nung đền An Xá được công nhận là "Bảo vật quốc gia" (đợt 10).

Uy Danh