Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ngành Du lịch trải qua 64 năm vươn lên khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế chung

Trải qua 64 năm hình thành và phát triển (09/07/1960 - 09/7/2024), ngành Du lịch đã vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất luợng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

Những thành quả đó có được nhờ vào sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước với những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch cùng sự nỗ lực của toàn ngành.

Du lịch khẳng định vị trí, vai trò là ngành kinh tế quan trọng

Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón được 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp của du lịch chiếm 9,2% GDP cả nước. Du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Việt Nam được xếp là một trong 6 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế hàng đầu thế giới.

kqt2-ok-1720422477.jpg

Trong giai đoạn 2020-2022 ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng đã từng bước vượt khó qua các đợt dịch để trở thành một trong những ngành có tốc độ phục hồi nhanh nhất cả nước.

Với sự tham mưu, đề xuất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho mở cửa thí điểm du lịch từ cuối năm 2021 tiến tới mở cửa hoàn toàn từ tháng 15/3/2022. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo đà cho sự phục hồi của ngành du lịch. Kết quả năm 2022, Việt Nam đã đón được gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, du lịch nội địa trở thành điểm sáng với 101,3 triệu lượt khách - cao hơn con số kỷ lục 85 triệu lượt của năm 2019.

Bước sang năm 2023, thị trường du lịch quốc tế đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, mức độ phục hồi đã đạt 70% so với năm 2019, cao hơn mức phục hồi chung của châu Á (65%).

anhkdlqt-1720422521.jpg

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt 840 ngàn tỷ đồng. Đây là mục tiêu cao và đầy tham vọng của ngành du lịch nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện với sự quan tâm sâu sắc của các cấp và nỗ lực của cả ngành du lịch triển khai các giải pháp hiệu quả.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 66,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 436,5 nghìn tỷ đồng. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, lĩnh vực du lịch, dịch vụ được đánh giá là một trong 11 điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Với đà tăng trưởng như hiện nay trong khi mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ tới trong những tháng cuối năm, ngành du lịch đầy lạc quan sẽ hoàn thành mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay.

153bd1-1720422638.jpg
(2024*: Mục tiêu) Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê.

Với các thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam 4 lần được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á (Asia’s Leading Tourist Board) vào các năm 2017, 2021, 2022, 2023.

Ngành Du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: 4 lần là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; 2 lần là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và 6 lần là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á; 5 lần là Điểm đến hàng đầu châu Á; và nhiều danh hiệu danh giá khác như Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á.

Dấu ấn về công tác tham mưu xây dựng thể chế, chính sách

Để có được những kết quả đó, trong thời gian vừa quan ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Với sự chủ động tham mưu, đề xuất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Tiêu biểu là Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch năm 2017 của Quốc hội.

06092023cuc-du-lich-quoc-gia-viet-nam-lan-thu-4-duoc-vinh-danh-co-quan-quan-ly-du-lich-hang-dau-chau-a-1720422672.jpg
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp cùng các ban ngành đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch từng bước vượt qua khó khăn.

Sau khi du lịch mở cửa trở lại, chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng đã đích thân chủ trì 3 hội nghị lớn về du lịch, đó là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vào tháng 12/2022; Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023 và Hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững vào tháng 11/2023.

15112023thu-tuong-phat-bieu-tai-hoi-nghi-phat-trien-du-lich-nhanh-ben-vung-2-1720422716.jpg
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững vào tháng 11/2023.

Kết quả của các hội nghị quan trọng này là ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Từ ngày 15/8/2023, Chính phủ đã thông qua các nghị quyết phê duyệt chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh theo hướng thông thoáng, thuận tiện để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Mới đây, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức quy hoạch toàn diện hoạt động du lịch trên toàn quốc, tạo động lực cho du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chủ động, sáng tạo triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá

Sau đại dịch, trong bối cảnh nguồn lực còn rất nhiều khó khăn, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng toàn ngành đã nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá ở nước ngoài trên cơ sở đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội. Ngành Du lịch đã chủ động tham gia các hội chợ du lịch lớn trên thế giới, tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài, quảng bá du lịch tại các Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế ở các cơ chế song phương và đa phương.

vn-uc-1-1720422819.jpg
Hội nghị Du lịch Việt Nam - Úc diễn ra ngày 17/6/2024 tại TP. Melbourne, Úc.

Đặc biệt, nửa đầu năm 2024 chứng kiến không khí sôi động của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế. Để tạo sự thống nhất hành động trong toàn ngành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị công tác xúc tiến du lịch năm 2024 để trao đổi và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến, thu hút khách du lịch.

rs-phap1-1720423114.jpg
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã huy động nguồn lực xã hội để tổ chức xúc tiến du lịch quốc gia tại Hội chợ TRAVEX tại Lào và tổ chức Hội nghị Du lịch Việt Nam - Úc nhằm nâng tầm hợp tác du lịch, góp phần cụ thể hóa cam kết của hai Thủ tướng về nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đồng thời, triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch quan trọng ở các thị trường mục tiêu lớn như: Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tại Seoul vinh dự có sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định hợp tác văn hóa và du lịch là điểm sáng trong quan hệ hợp tác hai nước. Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Nga diễn ra trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga năm 2024, có ý nghĩa sâu sắc khẳng định quan hệ bền chặt Việt - Nga, cũng như vai trò quan trọng của thị trường khách Nga đối với Việt Nam.

anh-6-1720423155.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo cấp cao các Bộ, ngành, địa phương chứng kiến Lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến du lịch Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2025 - 2026 giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc.

Chương trình xúc tiến du lịch vừa qua tại 3 nước châu Âu là Pháp, Đức, Ý thành công vượt mong đợi với sự tham gia của rất đông các đại biểu, khách mời, doanh nghiệp quốc tế, đánh giá cao du lịch Việt Nam với chính sách thị thực thông thoáng, đường bay thuận lợi, sản phẩm hấp dẫn và con người thân thiện, mến khách.

Tạo động lực cho thị trường du lịch nội địa phát triển vượt bậc

Đối với thị trường nội địa, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động các chương trình kích cầu du lịch nội địa vào những thời điểm khác nhau, qua đó tạo động lực quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của thị trường nội địa thời gian qua. Gần đây nhất, vào tháng 4/2024 là chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu".

pct-thuy-1720423239.jpg
Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy phát biểu tại Hội nghị xúc tiến du lịch 4 địa phương Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Để bảo đảm chất lượng dịch vụ, môi trường kinh doanh du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức các đoàn kiểm tra tại nhiều địa phương, điểm đến trên toàn quốc. Chủ động tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành và ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ khách du lịch, tăng cường công tác quản lý, tổ chức các chương trình kích cầu, khuyến mại… trước mỗi dịp cao điểm du lịch. Nhờ đó, hoạt động du lịch trên địa bàn cả nước diễn ra sôi động, an toàn, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội hấp dẫn thu hút được rất đông khách du lịch quốc tế và trong nước.

duong-sat-thong-nhat-1720423271.jpg

Đồng thời, nổi bật trong thời gian qua là sự đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch mới. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết hợp tác với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mở ra hướng mới về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Sắp tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ký kết hợp tác với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch đường sắt. Qua đó, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt, vừa mang lại lựa chọn và trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đã xây dựng và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch đêm độc đáo trên cơ sở đẩy mạnh khai thác công nghiệp văn hóa và kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại, qua đó giúp gia tăng mạnh lượng khách du lịch.

Đẩy nhanh chuyển đổi số đồng bộ trong toàn ngành

Hệ sinh thái du lịch thông minh của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ngày càng hoàn thiện với các sản phẩm đa dạng theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 82 của Chính phủ và Chỉ thị 08 của Thủ tướng.

Nhằm tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” như Thủ tướng yêu cầu, các nền tảng số dùng chung của ngành du lịch đã được phát triển nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ hoạt động kinh doanh và nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch.

hesinhthaidlthongminh-1720423312.jpg
Hệ sinh thái du lịch thông minh.

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông trên các website, mạng xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Website quảng bá du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tăng hạng mạnh trên bảng xếp hạng website toàn cầu. Các video clip quảng bá vẻ đẹp của du lịch Việt Nam mang lại những trải nghiệm đầy xúc cảm cho du khách trong nước và quốc tế, khơi gợi cảm hứng đi du lịch, góp phần thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Du lịch luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, Ngành, địa phương, sự ủng hộ của toàn xã hội, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác, bạn bè quốc tế và đặc biệt là sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ trong ngành.

Kỷ niệm 64 năm ngày thành lập (1960-2024), ngành du lịch Việt Nam quyết tâm tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Trung tâm Thông tin du lịch