Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du lịch xanh là đưa du khách vào rừng!?

Du lịch xanh là một trong những xu hướng quan trọng và hấp dẫn nhiều du khách trong thời gian gần đây, nhất là sau đại dịch. Tuy nhiên, việc kích cầu du lịch xanh ở nước ta không chỉ đơn thuần là đưa du khách vào rừng...

Hoạt động du lịch xanh giúp du khách rèn luyện được sự gắn kết nhiều hơn với thiên nhiên. Đồng thời đó cũng là cơ hội để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, duy trì cân bằng môi trường và thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững.

Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch bền vững hay du lịch xanh là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và người dân địa phương nhưng vẫn chú trọng bảo tồn, tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. 

Du lịch xanh (du lịch bền vững) đòi hỏi du khách phải là những người “xê dịch” thông thái, cùng các doanh nghiệp tạo dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Cả hai đều thấu hiểu được giá trị lâu dài trong việc gìn giữ, tận hưởng và phát huy thế mạnh về môi trường ở địa phương. Từ đó du lịch xanh mới phát huy được đúng giá trị mà xu hướng du lịch này mang lại.

Lượng khách đến Vườn quốc gia tăng trong năm 2023

befunky-collage-3-1-1702235859.jpg
Bù Gia Mập là vườn quốc gia nổi tiếng tại Đông Nam Bộ. Ảnh: @wetrek.vn

Hiện nay nhiều vườn quốc gia ở Việt Nam như Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, thời điểm trước dịch nơi đây đón từ 3000 đến 4000 lượt khách một năm. Nhưng trong năm 2023, theo ông Hoàng Anh Tuân - Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập dự kiến đón 10.000 đến 15.000 lượt khách.

befunky-collage-4-1-1702236125.jpg
Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp. Ảnh: Wordpress

Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp  đã đón trên 200 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và vui chơi giải trí. Vào những ngày cuối tuần lượng du khách đến tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim tăng lên trên 350 lượt người. So với những ngày trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Tam Nông (11/8/2023) lượng du khách đến tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim tăng gần gấp đôi (số liệu từ Vườn quốc gia Tràm Chim).

vuon-quoc-gia-cuc-phuong-1068x593-1702235412.jpg
befunky-collage-2-1-1702235540.jpg
Các loài động thực vật quý hiếm trong Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Wordpress

Vườn quốc gia Cúc Phương - khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới 3 khu vực Tây Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, năm 2022 có 99.827 lượt khách. Trong đó khách Việt Nam là 95.338 lượt, nước ngoài là 4.489 lượt khách. Sáu tháng đầu năm 2023 đã có 69.000 lượt khách tham quan Vườn, trong đó khách Việt Nam là 63.834 lượt khách, nước ngoài là 5.166 lượt khách (số liệu từ Vườn quốc gia Cúc Phương).

Đây cũng được xem là kết quả tích cực của xu hướng du lịch xanh trong tư duy chung của du khách. Khi khách du lịch dần mong muốn được khám phá thiên nhiên, chiêm ngưỡng cảnh sắc tự nhiên và tìm hiểu thêm về những loại động thực vật tại các Vườn quốc gia ở Việt Nam. 

Không phải cứ đưa du khách vào rừng là du lịch xanh!

Xu hướng du lịch xanh trên thế giới ngày càng được mọi người chú trọng nhất là sau những biến động lớn từ đại dịch, cũng như sự biến đổi khí hậu, ở Việt Nam điều này cũng không ngoại lệ. Từ đó, các tour du lịch dần lồng ghép nhiều chương trình liên quan đến việc trải nghiệm tham quan Vườn quốc gia, hay đi leo núi trekking chữa lành. Tất cả được khách du lịch và các công ty du lịch truyền tai nhau là du lịch xanh.

j3vl7mn1tvkvcwxt2usm-1702236225.jpg

Tuy nhiên, có một sự thật không phải cứ đưa du khách vào rừng là du lịch xanh. Theo anh Nguyễn Ngọc Toản - CEO Image Travel & Events cho biết việc đi tham quan vườn quốc gia, hay đi vào rừng trải nghiệm lối sống gần gũi với thiên nhiên, nếu không đúng cách thì không gọi là du lịch xanh. 

Anh đưa ra một ví dụ nhỏ về việc đến một khu rừng hay vườn quốc gia, nếu du khách vứt rác không đúng quy định, hay để rác thải trong rừng. Chính điều đó khiến cho việc tham quan một cái rừng dường như không còn ý nghĩa. Hay nhiều du khách đi vào rừng nghĩ đến việc mang hoa hay cái cây về nhà trồng hoặc thấy hoa đẹp thì hái về. Điều đó cũng khiến cho hoạt động du lịch xanh trở nên sai lệch mục đích.

h5tvl0srl2cwcdkuccmy-1702236308.jpg
Khung cảnh nên thơ ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Wordpress

Với bà Phan Yến Ly - Chuyên gia du lịch cũng nêu ra quan điểm về du lịch xanh, điều quan trọng nhất vẫn là định hướng thị trường du khách. Việc làm này cần phải được chú trọng để hạn chế, chọn lọc được những du khách đến đây không vì mục đích bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Bên cạnh đó bà đặc vấn đề về sức chứa của điểm đến, bao gồm lượng khách mà địa điểm đó có thể tiếp nhận, cũng như nguồn nhân lực phục vụ du khách đến trải nghiệm có đảm bảo tương xứng.  

Phát triển du lịch xanh ở Việt Nam cần tính đường dài

Với ông Hoàng Anh Tuân - Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập thẳng thắn nhìn vào vấn đề khi phát triển du lịch rừng, đến một thời điểm sẽ rất là đông du khách. Điều này sẽ xảy ra hai mặt của vấn đề: thứ nhất là thu hút các dịch vụ du lịch và lượng khách trải nghiệm tăng, thứ hai là ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên hiện tại. Nhưng ông cũng cho biết với phương châm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, ngay từ đầu là bảo vệ rừng đến tận gốc, ưu tiên vấn đề bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. Chính vì thế việc đón tiếp du khách cũng sẽ có sự xem xét xoay quanh sức chưa phù hợp của Vườn.

tlajuxeauelmztbdbxjp-1702236394.jpg

Các sản phẩm du lịch được bà Phan Yến Ly - chuyên gia du lịch đề xuất ở các Vườn quốc gia nhằm thu hút khách du lịch tương lai như tham quan thiên nhiên, khám phá hệ sinh thái đa dạng của vườn quốc gia, tour du lịch tuyên truyền cộng đồng, trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt của người dân tộc thiểu số, đặc biệt là tour du lịch sức khỏe.

Thay vì chỉ đến tham quan, du khách hiện nay có xu hướng muốn hòa nhập vào cộng đồng, được trò chuyện, học hỏi, chia sẻ với người dân địa phương, cùng tham gia các lễ hội, học nấu các món ăn, thực hành nghề thủ công truyền thống... Bằng cách này, họ vừa trực tiếp đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư bản địa, vừa góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa địa phương.

Vì thế, phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững cần đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra những trải nghiệm, tương tác đáng nhớ cho du khách với cộng đồng địa phương, bởi đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

sustainable-tourism-in-vietnam-39-1702236717.jpg

Sự chuyển đổi sang du lịch xanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành Du lịch cũng là một bước quan trọng. Các tour du lịch xanh được thiết kế sao cho tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên tái tạo, giảm thiểu lãng phí và tác động tiêu cực lên môi trường. Đồng thời, việc đạt chứng chỉ xanh cho khách sạn đảm bảo rằng các cơ sở lưu trú du lịch tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải, sử dụng nguồn nước một cách bền vững và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. 

Ở các nước châu Âu đi rừng hay leo núi được xem là việc sinh hoạt rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần của các gia đình phương Tây. Ở các khu rừng quốc gia việc quy hoạch cũng khá mộc mạc, tránh việc khai thác quá mức hay bê tông hóa khu rừng. Anh Nguyễn Ngọc Toản chia sẻ khi có cơ hội sang Pháp quan sát cũng như thấu hiểu tư duy du lịch của người châu Âu.

Anh bày tỏ: “Các lối đi trong khu rừng ở Pháp sẽ có hai lối dành cho người đi bộ và đi xe đạp. Ở đó, không có bất kì quán nước nào bên trong khu rừng để có rác thải. Ở đó, có các biển báo nho nhỏ và ở những chỗ có cảnh sắc đẹp sẽ có một vài cái ghế để du khách ngồi nghỉ chân chiêm ngưỡng cảnh quan. Vào cuối tuần, các gia đình hay cùng nhau đi trải nghiệm với lộ trình 2 tiếng, lộ trình 3 tiếng 4 tiếng. Và điều quan trọng là không có quá nhiều dịch vụ theo kiểu hàng quán trong khu rừng đó.”

Bà Phan Yến Ly - chuyên gia du lịch đưa ra một số ví dụ về cách bảo vệ rừng quốc gia trên thế giới, hay các điểm di sản nói chung: “Các nước châu Âu như ở Ý, Hy Lạp các tòa tháp và công trình cổ họ hạn chế du khách đến tham quan bằng nhiều biện pháp khác nhau, họ phân luồng du khách tham quan theo giờ, phải đăng ký trước, thậm chí tăng giá vé để bảo tồn di sản.”


 

Ngân Trần