Nhà hát Cao Văn Lầu, Bạc Liêu được công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024

Trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL” do Báo Công lý phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức tại TP. Cần Thơ, Nhà hát Cao Văn Lầu của tỉnh Bạc Liêu đã được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024.

Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL là nơi sở hữu nguồn tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa được đầu tư, có các sản phẩm du lịch nổi bật được đưa vào phục vụ du khách, và có khả năng thu hút du khách trong và ngoài nước đến vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng.. Việc trao chứng nhận là điểm du lịch tiêu biểu sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng thương hiệu du lịch của vùng ĐBSCL, cũng như giúp du khách dễ dàng hơn trong việc lựa chọn điểm đến lý tưởng để tham quan và khám phá vùng đất "Chín Rồng". 

2a-1727367171.jpg
Ông Văn Công Diệp (thứ 2 từ phải sang) - Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu nhận Bảng công nhận điểm DL tiêu biểu ĐBSCL năm 2024. Ảnh: V.C

Nhà hát Cao Văn Lầu (còn được gọi Nhà hát ba nón lá) được khánh thành vào năm 2014, bao gồm khối nhà hát, nhà trưng bày và trung tâm hội nghị. Công trình văn hóa nghệ thuật này được xây dựng là nhằm để tưởng nhớ, vinh danh cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu với bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng. Hiện nơi đây đã trở thành điểm đến mà du khách nhất định phải đến check-in nếu có dịp ghé thăm tỉnh Bạc Liêu.

Nhà hát “ba nón lá” sở hữu tổng diện tích lên tới 2.262m2, được chia làm 3 khối hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón hơn 24m. Thoạt nhìn, ba chiếc nón lá được thiết kế với đường nét vừa mềm mại, vừa sống động, đồng thời hình ảnh nón lá còn gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng, duyên dáng, chịu thương, chịu khó. Được biết, công trình này cũng đã chính thức xác lập kỷ lục "Nhà hát có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”.

Bên cạnh việc sở hữu kích thước và quy mô lớn, Nhà hát "ba nón lá” cũng chính là nơi lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp của người dân Nam Bộ trong dòng chảy văn hóa từ trước tới nay, khi ba mái nhà nón lá chụm lại tượng trưng cho 3 dân tộc đông người nhất cộng cư lâu đời ở Bạc Liêu - người Kinh, người Hoa và người Khmer. Với ý nghĩa sâu sắc này, người dân địa phương đã gọi công trình Nhà hát Cao Văn Lầu này bằng cái tên thân thương là Nhà hát “ba nón lá".

caovanlau-2024fes-1727367914.jpg
Nhà hát Cao Văn Lầu được lấy cảm hứng từ hình tượng chiếc nón lá - vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: Traveloka

Như vậy, sau khi Nhà hát Cao Văn Lầu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là 1 trong 6 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024, tính đến nay tỉnh Bạc Liêu đã có tổng cộng 12 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL gồm: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khu Quán  m Phật Đài, Quảng trường Hùng Vương; Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát, Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu, Khu điện gió, Chùa Xiêm Cán, Di tích lịch sử quốc gia Nọc Nạng và Nhà hát Cao Văn Lầu.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, Nhà hát Cao Văn Lầu là địa điểm tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân địa phương, du khách như: Cải lương, dù kê, ca múa nhạc đương đại, được trình bày bởi các NSƯT, các nghệ sĩ trẻ tài năng, qua những vở diễn trích đoạn cải lương những vở diễn nổi tiếng: Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Bên Cầu Dệt Lụa, Đường gươm Nguyên Bá, Tâm sự loài chim biển, được biểu diễn vào tối thứ 7 hàng tuần.

Anh Thư