Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tác động tiêu cực của mạng xã hội đến hành vi khách du lịch

Những năm gần đây, khách du lịch có xu hướng tham khảo các mạng xã hội trước khi chọn điểm đến cho các kỳ nghỉ. Mùa hè năm 2023 đã chứng kiến sự phục hồi trở lại của ngành du lịch, tuy nhiên, đi kèm với đó là số lượng hành vi thiếu ý thức của du khách cũng đang tăng lên, CNN cho biết.

Thông tin từ CNN cho biết, mùa hè năm 2023 đã chứng kiến sự sôi động trở lại của ngành du lịch. Tuy nhiên, đi kèm với đó là số lượng hành vi thiếu ý thức của du khách cũng đang tăng lên. Đặc biệt, đầu năm nay, sự việc một người đàn ông phá hoại Đấu trường La Mã ở Rome đã cho thấy có thêm nhiều những hành động xấu xuất hiện, ngay cả ở những nơi mà trước đây hiếm khi xảy ra vấn đề và rất được du khách tôn trọng.

Hiệu ứng mạng xã hội có phải nguyên nhân?

Những hành động không đúng mực của du khách khi đến một điểm đến có thể phần nào đến từ mạng xã hội, theo một nghiên cứu được trích dẫn bởi CNN. Trước đây, việc được chiêm ngưỡng những miền đất lạ, khám phá thế giới xung quanh qua tivi hay một vài lần đi chơi xa cùng gia đình là điều thích thú đối với nhiều người. Nhưng nay, chỉ cần một chiếc điện thoại đa phương tiện là sẽ có ngay hàng triệu thông tin, hình ảnh, video du lịch ở khắp mọi miền hiện lên...

when-choosing-an-influencer-partner-look-for-someo-1693386595.jpg
Một bộ phận du khách có xu hướng dành quá nhiều công sức và thời gian để "sống ảo" thay vì tìm hiểu, khám phá và tôn trọng phong tục địa phương (Ảnh: pikselstock)

Instagram và TikTok đang giúp người dùng tìm kiếm những địa điểm đẹp để khám phá, và các bức ảnh, video trên mạng xã hội này cũng giúp xây dựng sự liên kết giữa người dùng và điểm đến. Tuy nhiên, sự kết nối này cũng khiến cho du khách trở nên quá tự tin và có thể không nhận ra những hành vi của họ có thể không phù hợp với văn hóa, tập quán của điểm đến mà họ đến thăm.

Một yếu tố quan trọng khác là công chúng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hành vi, trào lưu trên mạng xã hội. Khi thấy ai đó hành động thoải mái, đùa nghịch… tại các điểm đến du lịch và được nhiều lượt chia sẻ, tán thưởng, công chúng có thể bắt chước làm theo.

Bên cạnh đó, khi một người thấy bạn bè của họ đăng ảnh và chia sẻ về một địa điểm đẹp, họ cũng muốn đến nơi đó, chụp những bức ảnh tương tự hay quay những video tương tự với mục đích là đăng lên chính mạng xã hội nơi họ từng nhìn thấy những bức ảnh này.

Điều này giúp họ thể hiện bản thân trên mạng xã hội và cũng để thể hiện vị thế "không kém cạnh ai" của một người với bạn bè và cộng đồng xung quanh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xu hướng này vô tình khuyến khích khách du lịch dành nhiều công sức và thời gian để quay, chụp "sống ảo" thay vì tìm hiểu, khám phá và tôn trọng phong tục địa phương.

Phản ứng từ các điểm du lịch nổi tiếng

Bali (Indonesia) là một điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ mạng xã hội. Hòn đảo này xuất hiện liên tục trên các nền tảng truyền thông, với nhiều bức ảnh phong cảnh đẹp tuyệt vời và các bài viết về các khóa học yoga đầy trải nghiệm,... thành công thu hút nhiều du khách, đặc biệt là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

tanah-lot-bali-amazing-place-facebook-1280x720-1566893363-1693386545.jpg
Mỗi năm, hàng triệu khách du lịch đến Bali để tham quan những ngôi đền, bãi biển hoang sơ và nghỉ trong các resort giữa rừng (Ảnh: Wira Water Sports)

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển thì hệ quả là rất nhiều du khách đến Bali nhưng lại có thái độ thiếu tôn trọng văn hóa và phong tục địa phương. Để giải quyết vấn đề này, Bali đã ban hành các hướng dẫn mới cho du khách vào tháng 6/2023. Tài liệu này bao gồm các quy tắc về cách cư xử đúng đắn trong các ngôi đền linh thiêng, trong không gian xung quanh đảo, hành xử với người dân địa phương cũng như tôn trọng môi trường tự nhiên.

Hiện nay, khách du lịch cần có giấy phép để thuê xe máy và không được đặt chân lên bất kỳ ngọn núi hay núi lửa nào ở Bali do tính linh thiêng của chúng. Khách du lịch chỉ được ở trong các khách sạn và biệt thự đã đăng ký kinh doanh. Bali cũng đã thành lập một "lực lượng đặc nhiệm du lịch" để thực thi các quy định này. Họ có thể bất ngờ kiểm tra hoặc tiến hành điều tra sâu hơn nếu cần thiết.

Hướng dẫn mới cũng đưa ra quy định không sử dụng những từ ngữ gay gắt hoặc hành động hung hăng đối với người dân địa phương, quan chức chính phủ hoặc khách du lịch khác khi ở Bali, cả trực tiếp và trực tuyến.

Nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới đã thực hiện các biện pháp tương tự. Iceland, Hawaii, Palau, New Zealand, Costa Rica và nhiều quốc gia khác đã yêu cầu du khách tuân thủ luật pháp và phong tục địa phương. Các chiến dịch truyền thông như "No Drama" của Thụy Sĩ, "See Vienna not #Vienna" của Áo, "Be more like a Finn" của Phần Lan và "How to Amsterdam" của Hà Lan đều nhằm mục đích thu hút những khách du lịch có thái độ cư xử tốt và hướng họ đến tìm hiểu giá trị thực sự của điểm đến.

Khi các biện pháp nhẹ nhàng như vậy không hiệu quả, một số địa điểm nổi tiếng như Vịnh Maya ở Thái Lan đã tiến xa hơn bằng cách đóng cửa hoàn toàn với khách du lịch trong một khoảng thời gian và thực thi hàng loạt hướng dẫn, quy định mới về du lịch.

Làm sao để du lịch văn minh hơn?

CNN đã đưa ra một số lời khuyên giúp khách du lịch khám phá các điểm đến một cách tôn trọng hơn. Đầu tiên, nên tìm hiểu kỹ về địa điểm mà mình muốn đến thăm. Trước khi đi, hãy tìm hiểu về các tiêu chuẩn văn hóa và phong tục ở địa phương để chuẩn bị tốt hơn cho chuyến đi.

Thứ hai, nên hạn chế sử dụng điện thoại ở các điểm đến. Những trải nghiệm đáng nhớ nhất khi du lịch thường là khi bạn gắn kết với người dân địa phương hoặc học hỏi điều mới mẻ. Điều này sẽ khó thực hiện nếu bạn quá tập trung vào việc sử dụng điện thoại để chụp ảnh hay quay video.

Mặt khác, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng cần nhận thức được tác động của mình đến các điểm đến và sử dụng sức ảnh hưởng của mình cho mục đích tốt đẹp. Khi đăng bài, họ có thể giúp quảng bá cho các cơ sở kinh doanh nhỏ và cộng đồng địa phương, tuy nhiên cũng cần lưu ý đến vấn đề tôn trọng các giá trị bản địa của địa điểm du lịch.