Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ngọt thanh chè mè đen "gây thương nhớ" suốt 40 năm giữa TPHCM

Nằm gọn trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh, TP.HCM), xe chè mè đen giản đơn của anh Vinh (52 tuổi) đã trở thành địa điểm quen thuộc với nhiều thực khách suốt hơn 40 năm qua. Không có bảng hiệu nhưng những thực khách thường gọi với cái tên thân thương là "chè mè đen Lượm".

“Ai chè mè đen, chè mè đen không?”, dù mưa hay nắng, tiếng rao ấy vẫn được vang lên đều đặn ở khắp con hẻm nhỏ của khu phố người Hoa tại TP.HCM, dần dà nó đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người và trở thành một món ngon “gây thương nhớ” bởi vị ngọt thanh, béo bùi.

Bên cạnh hương vị gần gũi ấy, chè mè đen còn khiến nhiều người thấy lạ lẫm khi chỉ mang một màu đen xì. Cũng vì chất màu đen sền sệt này mà nhiều bạn trẻ đã ví von đây là chè "dầu nhớt".

14-1699427331.jpg
Chè mè đen khiến nhiều người thấy lạ lẫm khi nó chỉ mang một màu đen xì nên còn được ví von là chè "dầu nhớt".

Chè mè đen vốn là món có nguồn gốc từ Trung Quốc, hay còn gọi là “chí mà phù”. Muốn thưởng thức món chè mè đen thơm ngon chuẩn vị người Hoa, nhiều người thường truyền tai nhau đến đầu đường Nguyễn Văn Đậu (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) sẽ thấy cảnh xe chè mè đen nhỏ luôn tấp nập người đứng chờ mua. Ít ai ngờ rằng xe chè mè đen đơn sơ ấy ngót nghét lăn bánh cũng hơn 40 năm. 

Khi được hỏi về thuở mới lập nên “cơ ngơi”, anh Phạm Anh Vinh (52 tuổi) - chủ xe mè đen cho biết: “Mẹ tôi là người Hoa di cư sang Việt Nam. Khoảng năm 1981, mẹ tôi có sắm một chiếc xe đẩy nhỏ để bán chè mè đen ở đầu đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh. Sau này, do mẹ tôi tuổi già sức yếu nên tôi quyết định nối nghiệp bà, tính đến đây cũng đã hơn 10 năm rồi”.

15-1699427354.jpg
Người dân ở đường Nguyễn Văn Đậu (Quận Bình Thạnh, TP. HCM) hơn 40 năm qua đã quá quen với xe chè mè này. 

Xe chè tuy không để tên, nhưng những thực khách lâu năm thường gọi với cái tên thân thương là "Chè mè đen Lượm" - đó cũng là tên ngày bé của anh Vinh. Mỗi ngày anh Lượm chỉ bán từ 3 - 5 giờ chiều, nhưng vừa mở bán được 1 tiếng, anh đã vét hết sạch 3-4 can nhựa 5 lít đựng chè mè đen bên trong. Thậm chí, có khách đã 4 ngày liên tục rồi vẫn chưa mua được chén chè, những lúc như thế này, anh Lượm thường mỉm cười hẹn khách ghé lại vào chiều hôm sau. 

Đối với những ai lần đầu nhìn thấy món chè mè đen này, thường dễ sẽ có cảm giác bị ngấy. Nhưng thưởng thức rồi mới biết, chất chè sánh mịn tan chảy trong miệng, không gây cảm giác lợn cợn bởi xác mè còn sót lại, hơn nữa chén chè được trao tận tay cho thực khách khi còn nóng hổi nên ăn vào ấm bụng vô cùng.

17-1699427423.jpg
Khi thưởng thức, chén chè sánh mịn tan chảy trong miệng chứ không gây cảm giác lợn cợn bởi xác mè còn sót lại.

Khi ăn một chén rồi sẽ “ghiền” muốn ăn thêm chén nữa, tuy nhiên do lượng khách kéo đến khá đông đúc, nhiều người muốn ăn thêm hay mua về phải ngồi đợi 5-10 phút. Một chén chè ở đây có 4 mức giá: 8.000 đồng, 10.000 đồng, 12.000 đồng và 15.000 đồng cho khách dễ lựa chọn khẩu phần ăn vừa sức. Đặc biệt, mè đen là một loại thực phẩm vừa tốt cho sức khỏe, vừa thơm ngon không gây ngán nên thực khách có thể ăn mỗi ngày.

Hôm ấy, có một đàn ông lớn tuổi vội tấp vào lề, gọi chén chè rồi "chén" ngay trên xe máy, quá trình ấy chỉ diễn ra trong vòng 5 phút, lúc rời đi vị khách ấy còn không quên buông một câu “Quá đã!”. Anh Lượm cũng chẳng lạ gì bởi đấy là “chuyện thường ngày ở huyện”, cứ tầm chiều chiều lại có những cô chú lớn tuổi mới đi làm về ghé ngang qua “làm” ngay chén chè rồi mới đi. 

19-1699427582.jpg
Khách ghé tới quán thường là những cô chú đã gắn bó với quán chè ngay từ thuở ban đầu.

“Trước kia, người dân sống gần đây thường ghé đến xe chè của tôi, bây giờ dù họ đã chuyển đi nơi khác nhưng đôi khi vẫn tới hỏi thăm và thưởng thức chè. Thậm chí, có nhiều người đã ăn chè ở chỗ tôi hơn chục năm. Họ còn giới thiệu cho người thân, con cháu đến ủng hộ, rồi trở thành khách ruột từ lúc nào không hay”, anh Lượm vui vẻ kể lại.

Ngoài món chè mè đen truyền thống, anh Lượm còn có món chè đậu phộng thơm và béo cũng được rất nhiều người ưa chuộng. Thực khách có thể ăn riêng từng món hoặc dùng kết hợp hai loại chè để tạo nên một hương vị đậm đà, thơm ngon hơn. Nồi chè của anh Lượm chia làm 2 ngăn, lúc nào cũng bốc khói nghi ngút lại thoang thoảng hương lá dứa khiến khách đi đường khó mà cưỡng lại được, nhất là vào những ngày mưa.

img-4423-1699425323.JPG
Nồi chè của anh Lượm được chia làm 2 ngăn, lúc nào cũng bốc khói nghi ngút và thoang thoảng hương lá dứa.

Để làm ra chén chè “gây thương nhớ” này, anh Lượm cho biết: “Cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, tôi phải dậy đi chợ để chọn mua các nguyên liệu như mè, đậu phộng, nước cốt dừa, bột năng,… Sau đó về phải làm sạch đậu, rang cho thơm, xay thật nhuyễn và nấu lên, rồi khuấy làm sao cho chè thật sánh mịn tỏa mùi thơm”. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đằng sau mỗi chén chè trao đến tay thực khách là từng giọt mồ hôi tâm huyết của anh Lượm.   

Chị Tiên (ngụ ở quận Gò Vấp) là một trong những khách quen của "chè mè đen Lượm" chia sẻ: "Mình ăn ở đây cũng lâu lắm rồi, từ thời giá còn 5.000 đồng/chén. Chè ở đây rất mịn màng, không hề ngọt gắt, đến những người không hảo ngọt như mình, mỗi lần đến đều phải ăn 2-3 chén mới cảm thấy thỏa mãn”.

Bài và ảnh: Anh Thư - Y Thanh