Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bạch hầu diễn biến "nóng", Bộ Y tế chỉ đạo sẵn sàng khu vực cách ly

Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Bộ Y Tế ra công văn chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.

Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang đã ghi nhận ca tử vong. Cụ thể, qua phân tích mẫu xét nghiệm 16 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B (năm 2006, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xác định, có thêm một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Ca bệnh này là B.H.G (sinh năm 1995), tạm trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã lập tức ban hành Công văn khẩn số 1105/KCB-NV về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang. Theo đó, Cục yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/7/2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.

benh-nhan-bach-hau-1720625002464-1720657987322-1720680480.jpg
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C Ảnh: CDC Nghệ An.

Ngoài ra, các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (hội chẩn để sử dụng và được phân bổ huyết thanh) và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

“Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh. Đồng thời, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt...”, Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các sở y tế cũng được yêu cầu triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn; tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh; nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Các triệu chứng của bệnh bạch hầu

Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong.

bach-hau-17205327326521036261084-1720680658.jpeg
Bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Ảnh: Bộ Y tế

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ. Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.

Bệnh bạch hầu thường lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.

Cách phòng bệnh bạch hầu

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm vaccine phối hợp có thành phần phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch bao gồm các mũi tiêm khi trẻ dưới 1 tuổi và tiêm nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi. Tại các địa phương nguy cơ cao, trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc mũi thứ 5 với vaccin bạch hầu giảm liều-uốn ván (Td).

Ngoài ra, cần giữ vệ sinh cá nhân (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hàng ngày); đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định, yêu cầu của cơ quan y tế.

Anh Thư (tổng hợp)