Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Di tích Hải Vân Quan mở cửa miễn phí đón khách từ ngày 1/8

Sau 3 năm trùng tu, di tích Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân thông báo mở cửa đón khách miễn phí từ ngày 1/8 đến khi thống nhất xây dựng bảng giá vé phù hợp.

Theo thông tin từ lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), cơ quan này và Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã thống nhất phương án triển khai mở cửa đón khách tham quan di tích Hải Vân Quan. Cụ thể, dự kiến từ ngày 1/8, di tích Hải Vân Quan sẽ mở cửa đón khách tham quan miễn phí cho đến khi thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp cho di tích này.

di-tich-hai-van-quan-truoc-ngay-mo-cua-don-khach-tham-quan-1-172217353512759854239-1722184320.jpg
Di tích Hải Vân Quan sau khi được trùng tu. Ảnh: Trung tâm BTDT Cố đô Huế.

Trước đó, vào ngày 19/12/2021, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, với tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50% và ngân sách TP. Đà Nẵng 50%.

Dự án thực hiện trên diện tích sử dụng khoảng 6.500m², với quy mô đầu tư và phương án xây dựng, toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan được tháo dỡ đến nền gốc tích thời Nguyễn; tu bổ cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên hạ đệ nhất hùng quan theo các dấu tích nguyên gốc. Phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá, tường xây gạch vồ. Gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây; phục hồi lan can xây gạch vồ chia ô hộc và trang trí trên nóc theo tư liệu; phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ.

di-tich-hai-van-quan-truoc-ngay-mo-cua-don-khach-tham-quan-3-172217372757048840291-1-1722185134.jpg
QL1 qua đỉnh đèo Hải Vân giáp giới tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng nhìn từ di tích Hải Vân Quan. Ảnh: Trung tâm BTDT Cố đô Huế.

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đến nay tuy đã hoàn thành việc tu bổ di tích Hải Vân Quan, sẵn sàng đón khách, nhưng việc vận hành phục vụ du lịch tại di tích này còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, di tích vẫn còn thiếu hạ tầng du lịch như: bãi đỗ xe, điểm bán vé, nơi làm việc của hướng dẫn viên và bảo vệ, điểm bán hàng lưu niệm.

Bên cạnh đó, do nằm ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được đầu tư đồng bộ, nguồn nước sinh hoạt tại khu vực chủ yếu là dùng nước suối và nước mưa dự trữ, sóng điện thoại, Internet tại di tích Hải Vân Quan còn rất hạn chế... Hiện cơ quan đang gấp rút tìm ra các giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn để đưa ra phương án vận hành hợp lý, hiệu quả đối với điểm di tích này.

di-tich-hai-van-quan-truoc-ngay-mo-cua-don-khach-tham-quan-2-17221736567491826148530-1722184396.jpg
Di tích Hải Vân Quan bên tuyến QL1 qua đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: Trung tâm BTDT Cố đô Huế.

Di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng ngày nay. Hải Vân Quan được xây dựng ở một vị trí hết sức đắc địa, hiểm trở cheo leo, là nơi xung yếu nhất được mệnh danh là "yết hầu" của Kinh đô Huế.

Công trình gồm các thành tố kiến trúc chính: Vòng tường thành dài khoảng 130m vây quanh con đường thiên lý độc đạo cộng với những bức tường thành kiên cố chắn ngang đến vách núi; cổng lớn phía Nam có 3 chữ "Hải Vân Quan"; cổng lớn phía Bắc có dòng chữ "Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan"; một cổng phụ ra vào cho binh lính cùng nhà Trú Sở là nơi cư trú và Võ Khố là nhà kho. Đặc biệt, toàn bộ đều nằm trên đỉnh cao nhất của đường thiên lý Bắc - Nam.

Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương. Đồng thời di tích đã từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 2017.

Anh Thư (tổng hợp)