Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chàng trai Huế và niềm đam mê du lịch: Từ bỏ công việc gần nhà, tháng cao điểm làm không kịp nghỉ

"Công việc này có sướng, có khổ nhưng để theo đuổi được cần đam mê. Ví dụ như khi đi tỉnh hay mùa cao điểm dẫn tour không có ngày nghỉ, lúc này cần sức khỏe để có thể đảm bảo được lịch trình", Toàn bộc bạch.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Đặng Văn Toàn (đến từ Thừa Thiên Huế) quyết định học ngành Tiếng Anh du lịch để theo đuổi niềm đam mê được rong ruổi ngắm nhìn cảnh đẹp đất nước Việt Nam. Thế nhưng sau khi ra trường, Toàn "vướng" 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Dù có công việc gần nhà, thuận tiện để chăm sóc gia đình nhưng Toàn vẫn luôn đau đáu vì đó không phải đam mê, sở thích của mình.

Ngay khi có thông báo xã hội chuyển sang trạng thái "bình thường mới", các ngành nghề "mở cửa", Toàn đã quyết định vào Đà Nẵng để lập nghiệp, trở thành hướng dẫn viên du lịch. Đúng với đam mê, Toàn được đi nhiều nơi, khám phá, ngắm nhìn cảnh đẹp đất nước.

Thế nhưng, đó không phải là tất cả của công việc hướng dẫn du lịch. Toàn cho biết vào mùa du lịch cao điểm dường như không có thời gian để nghỉ: “Có những tháng mình đi làm 29-30 ngày, từ sáng sớm đến tối muộn mới về đến nhà. Nếu chỉ dẫn tour trong thành phố như đi Bà Nà Hill thì còn “dễ thở”, chỉ sáng đi tối về nhưng có những tour dẫn tỉnh, phải đi xa cũng khá vất vả. Những tháng như thế, gần như mình không có thời gian về Huế thăm gia đình”, Toàn bộc bạch.

bana-1721311913.jpg
Toàn dẫn đoàn tham quan Bà Nà Hill - Ảnh: NVCC

Toàn còn kể rằng thời gian làm ở Huế 2 năm gần gia đình nhưng không phải là đam mê của mình nên vẫn từ bỏ: "Mình học chuyên ngành Tiếng Anh du lịch và mình thích nó. Vậy nên khi Covid-19 được kiểm soát, mình quyết định vào Đà Nẵng để làm việc.

Công việc này có sướng, có khổ nhưng để theo đuổi được cần đam mê. Ví dụ như khi đi tỉnh hay mùa cao điểm dẫn tour không có ngày nghỉ, lúc này cần sức khỏe để có thể đảm bảo được lịch trình".

Dù rất yêu thích công việc này nhưng chàng trai người Huế thừa nhận nghề hướng dẫn viên du lịch không được lâu dài vì cần sức khỏe và thời gian. Khi còn trẻ, độc thân có thể đáp ứng được cường độ làm việc cao, đi lại, hoạt động nhiều nhưng khi đã có gia đình sẽ khó sắp xếp để cân bằng giữa công việc và chăm sóc người thân.

Chưa kể, du lịch cũng có mùa vụ. Ví dụ như đang khu vực Đà Nẵng hay các tỉnh miền Trung khi vào mùa mưa sẽ vắng khách hơn. Trong khi dịp hè là mùa cao điểm, đi làm liên tục không có thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng bù lại những tháng đó thu nhập sẽ cao hơn một chút, có thể lên đến khoảng 40 triệu đồng.

Ngoài ra, làm hướng dẫn viên du lịch còn cần nhiều kỹ năng khác như bình tĩnh để xử lý tình huống, trấn an du khách khi gặp sự cố bất ngờ, kỹ năng chụp ảnh, quay phim và không ngừng học hỏi để biết thêm nhiều thông tin về điểm đến hấp dẫn. Với mỗi điểm đến, người hướng dẫn viên cần nắm rõ các thông tin về nguồn gốc lịch sử, món ăn nổi tiếng hay các lưu ý đối với khách du lịch.

Nói về kỷ niệm trong một năm rưỡi làm hướng dẫn viên, Toàn chia sẻ đó có lẽ là chuyến đi đến Bà Nà Hill trong một ngày mưa. Chàng trai xứ Huế cho biết thông thường, ngày mưa nhưng không phải dông, sét, cáp treo và các hoạt động du lịch, giải trí ở Bà Nà Hill vẫn diễn ra bình thường. Để đảm bảo an toàn cho du khách, ban quản lý sẽ điều chỉnh tốc độ cáp treo chậm hơn.

Hôm đó trời mưa khá to nhưng khách vẫn không muốn hủy tour. Trên đường đi, Toàn đã chia sẻ các thông tin cho du khách. Dù vậy, khi lên cáp treo, gió lớn nên có rung lắc khiến mọi người rất lo lắng: "Mình là hướng dẫn viên, gần như ngày nào cũng đi cáp treo nên không sợ hãi. Du khách phần lớn là người đi lần đầu nên khi gặp mưa gió cũng khá run. Lúc này, mình cần phải bình tĩnh, trấn an mọi người rằng cáp treo đã được điều chỉnh tốc độ chậm hơn, hệ thống cáp treo cũng được nhập từ nước ngoài và độ an toàn cao".

Trong ngày mưa, Bà Nà Hill có nhiệt độ giảm mạnh nên Toàn có những lưu ý đối với du khách về việc mang thêm quần áo dày hay giữ ấm cho cơ thể. Vào ngày mưa, Toàn cũng sắp xếp lịch trình để du khách thuận tiện nhất như tham quan các điểm trong nhà dài thời gian hơn hay tham khảo ý kiến khách để xuống núi sớm hơn.

“Hôm đó, mình sắp xếp cho mọi người xuống núi sớm hơn nhưng vì mưa, gió lớn nên mất nhiều thời gian. Vào các ngày thường, chỉ khoảng 17h mọi người sẽ về đến khách sạn nhưng hôm đó đến tận 19h khách mới đến khách sạn nghỉ ngơi", Toàn kể.

Dù công việc có tính đặc thù cao và vất vả nhưng hướng dẫn viên du lịch có cơ hội được đi nhiều nơi, góp phần quảng bá nét đẹp của quê hương, đất nước đến bạn bè quốc tế là điều khiến Toàn vô cùng hạnh phúc.

Đoàn Hòa