Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bắc Giang: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, liên kết vùng

Hội nghị xúc tiến du lịch điểm đến Bắc Giang năm 2023 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức ngày 11/11 có sự tham gia của đông đảo đại biểu các sở ban ngành, Hiệp hội du lịch Việt Nam cùng các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành...

Sáng 1/11, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch Bắc Giang năm 2023. Tham dự hội nghị có ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại diện lãnh đạo Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố...

bacgiang22-1699695163.jpg
Hội nghị xúc tiến du lịch điểm đến Bắc Giang năm 2023 diễn ra vào ngày 11/11.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Tuấn Khoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết Bắc Giang từng là một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển. Tuy nhiên vài năm gần đây kinh tế có bước phát triển vượt bậc, 9 tháng đầu năm 2023 đứng top đầu cả nước. Đặc biệt tỉnh thể hiện sự quan tâm đến phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Với các lợi thế bề dày lịch sử, văn hóa, tài nguyên sinh thái, Bắc Giang có nhiều cơ hội để phát triển du lịch bền vững, gắn với các giá trị truyền thống, liên kết vùng... Tuy nhiên thời gian qua du lịch tỉnh Bắc Giang phát triển chưa xứng với tiềm năng, du khách hầu hết là các gia đình, nhóm nhỏ tự phát... đi về trong ngày, không ở lại qua đêm, chi tiêu cho du lịch chỉ hơn 300.000 đồng/người/ngày.

bacgiang24-1699695162.jpg
Ông Đỗ Tuấn Khoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang.

Ông nhấn mạnh mục tiêu của du lịch Bắc Giang là tập trung xây dựng phát triển 4 sản phẩm chủ lực gồm: Du lịch văn hóa - tâm linh; Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; Du lịch vui chơi, giải trí, thể thao; Du lịch cộng đồng gắn với vườn cây ăn quả đặc sản. Xây dựng Bắc Giang trở thành tỉnh có thương hiệu du lịch hàng đầu trong vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ.

Bắc Giang mong muốn phát triển du lịch văn hóa gắn với hoạt động tham quan, lễ hội, tập trung nguồn lực khai thác du lịch khu vực Tây Yên Tử gắn với Con đường Hoằng dương Phật pháp của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử… Ngoài ra, tỉnh cũng khai thác các khu du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí ở các khu vực Suối Mỡ, Bầu Tiên... Đặc biệt, một trong những lợi thế lớn của Bắc Giang chính là phát triển du lịch nông nghiệp, gắn với các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt lối sống của người hâm địa phương. Kết hợp với các vườn cây ăn quả đặc sản, các làng nghề truyền thống, cộng đồng dân tộc thiểu số,... nhằm tạo được sản phẩm du lịch riêng biệt của địa phương.

bacgiang21-1699695163.jpg
Các đại biểu tham gia hội nghị.

Cũng tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp du lịch, hợp tác xã du lịch đã giới thiệu điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch, các tour du lịch đang khai thác tại Bắc Giang. Ví dụ công ty SGo Travel phát triển các dòng sản phẩm như Hà Nội - Tây Yên Tử: Theo dấu chân Phật hoàng; Hà Nội - Thổ Hà: Thử làm người quan họ; Hà Nội - Yên Thế: Vang bóng một thời; Hà Nội - Lục Ngạn: Trải nghiệm miệt vườn và làng nghề. Theo thống kê từ 3/2023-10/2023, SGo đã dẫn tổng 57 đoàn với 1.378 du khách cho 4 sản phẩm du lịch trên.

Đại diện của SGo Travel cho biết các doanh nghiệp lữ hành gặp khá nhiều khó khăn trong công tác tìm hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có kiến thức về văn hóa lịch sử Bắc Giang. Ngoài ra tỉnh cũng thiếu cơ sở lưu trú, chưa có các hoạt động du lịch về đêm nên ít khách du lịch nghỉ lại qua đêm,... Trước thực trạng này, đại diện SGo Travel đề xuất chuẩn bị thêm các cơ sở lưu trú phù hợp, quảng bá du lịch mạnh mẽ trên các nề tảng như TikTok, Facebook..., tổ chức các ngày hội du lịch Bắc Giang tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chủ trì, điều hành hội nghị, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh du lịch Bắc Giang cần tiếp tục quan tâm đến 4 yếu tố: Chính sách; sản phẩm du lịch; nguồn nhân lực và xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, nguồn nhân lực, tức là con người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của du lịch bền vững. Chính vì thế cần tăng cường tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng về nghiệp dụ du lịch, kỹ năng quản lý. Ngoài ra cũng cần phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông đẩy mạnh quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch.

Đoàn Hòa