Bộ ảnh về chùa Bổ Đà của anh Nguyễn Văn Đức (Hà Nội) thu hút được hơn 10.000 lượt thích và hàng trăm lượt bình luận trên các trang mạng xã hội bởi vẻ đẹp cổ kính, thanh tịnh, mộc mạc.
Anh Đức chia sẻ: "Mình vốn làm kinh doanh nhưng chụp ảnh cũng được khoảng 6-7 năm nay để lưu lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống và giảm bớt áp lực thường ngày. Tình cờ mình được một người bạn giới thiệu về chùa Bổ Đà, một ngôi chùa cổ nằm ở Bắc Giang. Vì tò mò và mê khám phá nên mình xách máy đi chụp".
Ngôi chùa không chỉ mang vẻ đẹp của một ngôi cổ tự của vùng Bắc Bộ mà còn lưu giữ những giá trị lịch sử từ thời xa xưa. Tương truyền rằng, chùa Bổ Đà có từ thời Lý, tức là khoảng thế kỷ XI đến thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729) chùa được tôn tạo và mở rộng.
Chùa Bổ Đà tọa lạc ở vị trí phong thủy đắc địa, nằm hướng về phía bắc của chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy Bổ Đà, phía xa là dòng sông Cầu. Hiện nay khu di tích chùa Bổ Đà gồm 4 hạng mục chính, gồm: Chùa Cao, vườn Tháp, chùa Tứ Ân, am Tam Đức.
Trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi chùa này vẫn giữ được nét kiến trúc cổ thể hiện qua nghệ thuật chạm khắc tỉ mỉ với nhiều chủ đề như: Hoa văn vân mây, hoa cúc, vân xoắn, hình lá lật, đề tài tứ linh, tứ quý, ...
Dạo bước dưới khuôn viên xanh mát, anh Đức cảm thấy ấn tượng bởi vẻ thanh tịnh, mộc mạc của ngôi cổ tự.
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, chùa Bổ Đà còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa trên nhiều loại hình. Bộ ván kinh Phật là một trong những bộ kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam với hơn 2.000 mộc bản, có ý nghĩa to lớn cho việc nghiên cứu lịch sử. Vào năm 2018, bộ mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Khuôn viên có nhiều cây cổ thụ rợp bóng xanh mát cùng những bức tường phủ kín rêu phong càng tô điểm thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa.
Mang những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng quý giá, năm 2017 Chùa Bổ Đà được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội Bổ Đà là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.