Làng gốm Bát Tràng nằm ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Ở làng nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng này có một ngôi chùa gốm sứ vô cùng độc đáo khiến nhiều người tới tham quan phải trầm trồ. Bởi hàng trăm hạng mục của ngôi chùa này đều được làm từ hàng vạn chi tiết gốm sứ tinh xảo. Chính sự kết hợp giữa gốm sứ của văn hóa làng nghề và kiến trúc tâm linh ở chùa Tiêu Dao đã mang lại vẻ đẹp độc đáo và lưu giữ hồn cốt làng nghề truyền thống.
Làng gốm Bát Tràng - một làng nghề gốm lâu đời và lừng danh nhất Việt Nam có hai thôn là Giang Cao và Bát Tràng. Ngôi chùa gốm sứ - chùa Tiêu Dao được xây dựng trên phần đất của thôn Giang Cao. Được biết chùa đã xuất hiện từ rất lâu đời. Trước năm 1945, Chùa Tiêu Dao là nơi cất giấu tài liệu, sách báo của Đảng, đồng thời là nơi đi lại của nhiều cán bộ hoạt động cách mạng. Đặc biệt, cố nhạc sĩ Văn Cao đã từng đi đến nơi đây để hoạt động cách mạng và bài hát “Tiến Quân Ca” của ông đã được cất giấu và phát tán từ đây.
Trải qua biết bao thăng trầm và biến cố, nhiều kiến trúc của chùa hiện đã không còn nguyên vẹn. Năm 2011, sư thầy Thích Bảo Đức về trụ trì chùa. Thầy đã cùng các Phật tử trong làng tiến hành trùng tu ngôi chùa với ý tưởng đưa những tinh hoa của làng gốm vào kiến trúc tâm linh, tạo nên một bản sắc riêng của ngôi chùa.
Những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã dồn hết tâm sức và tài nghệ để tạo ra những sản phẩm đặc sắc, như chiếc lư hương được làm theo kiểu phục cổ thời Nguyễn, những bức tượng thờ trong chùa. Ngay cả hoành phi câu đối, ban thờ cho tới các cột trang trí bên ngoài cũng đều được làm bằng gốm sứ.
Trước khi đi vào nhà thờ Tổ, ta sẽ nhìn thấy tượng rồng phong cách thời Lê với đầu ngẩng cao bằng gốm đặt bên ngoài trông rất uy nghi.
Một điều đặc biệt hơn là khi bước vào bên trong, nếu bạn để ý thì sẽ thấy hầu như tất cả các pho tượng bên trong nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Thập Bát La Hán và Động Sơn Trang tại ngôi chùa này đều được gốm sứ hóa bằng chính đôi bàn tay của những nghệ nhân nổi tiếng trong làng. Tính đến nay, chùa Tiêu Dao đã ghi nhận 78 pho tượng được “gốm sứ hóa” từ bàn tay của những nghệ nhân nổi tiếng.
Tại gian chính diện của tòa Tam Bảo, hai pho tượng Hộ pháp được chính tay nghệ nhân trong làng đúc liền khối bằng gốm sứ với các đường nét rất tinh xảo. Mỗi bức tượng cao 2,5m và mất hơn 1 năm để hoàn thiện. Đây đều là những sản phẩm "độc nhất vô nhị" và được người dân trong làng vô cùng tâm đắc.
Không những thế, tại hai gian thờ Thập Bát La Hán có 18 bức tượng được đặt trang trọng trên nền bức tranh cảnh mây núi với diện tích lớn.
Đến không gian tiểu cảnh bên ngoài sân chùa cũng được Thầy Thích Bảo Đức và các Phật tử trong làng chăm chút kỹ lưỡng. Từng tiểu cảnh được thiết kế ra sao, trình bày như thế nào đều được dân làng họp lên ý tưởng và cùng nhau hoàn thiện.
Sự kết hợp giữa gốm sứ của văn hóa làng nghề và kiến trúc tâm linh ở chùa Tiêu Dao đã mang lại vẻ đẹp độc đáo và đậm hồn cốt làng nghề truyền thống, giúp nơi đây trở thành một điểm đến thú vị của rất nhiều du khách thập phương đến bái Phật và vãn cảnh chùa.