Một trong những tiệm cà phê cổ nhất Amsterdam, ‘t Zonnetje – có nghĩa là “mặt trời nhỏ” trong tiếng Hà Lan – sẽ đóng cửa trong tháng này, kết thúc hành trình hơn 400 năm tồn tại. Lý do không đến từ dịch bệnh hay khủng hoảng kinh tế, mà đến từ chính làn sóng tiêu dùng mới: những quán cà phê trang trí bắt mắt, dễ lan truyền trên TikTok và Instagram.

Nằm trên phố Haarlemmerdijk – tuyến phố mua sắm nổi tiếng giữa lòng thủ đô Hà Lan – ‘t Zonnetje là một phần của lịch sử. Tòa nhà nơi tiệm tọa lạc có từ thế kỷ 17, với nội thất hầu như giữ nguyên như hàng trăm năm trước: sàn gỗ cũ kỹ, kệ trà bằng gỗ sậm màu, những chiếc hộp thiếc lưu giữ hương thơm từ hàng chục loại trà rời và cà phê rang xay. Dù không biển hiệu bắt mắt hay chiêu trò tiếp thị, quán vẫn thu hút một thế hệ khách hàng trung thành – cho đến khi xu hướng thay đổi.
Theo bà Marie Louise Velder, 76 tuổi – chủ quán từ năm 1999 – tiệm không thể cạnh tranh với các cửa hàng "bắt trend" mọc lên như nấm, phục vụ bánh cầu vồng, đồ uống tạo khói, hoặc quán cà phê kết hợp concept hào nhoáng, hợp với thị hiếu mạng xã hội. Trong khi đó, chi phí thuê nhà tại khu trung tâm liên tục leo thang, khiến những mô hình kinh doanh gia truyền như ‘t Zonnetje ngày càng khó trụ vững.

“Có rất nhiều người gọi đến đề nghị giúp đỡ hoặc đóng góp sau khi tin quán đóng cửa được lan truyền,” bà Velder chia sẻ. “Tôi rất cảm động, nhưng đã đến lúc phải chấp nhận thực tế.” Bà cũng cho biết quán từng phục vụ hơn 350 loại trà – con số hiện giảm đáng kể và sẽ không được nhập mới nữa. Cân cà phê vẫn là chiếc cân Berkel cổ, hạt được nhập từ nhiều nơi trên thế giới, nhưng sức hút của hoài niệm không còn đủ sức giữ chân khách hàng trẻ.
Không chỉ là một quán cà phê, ‘t Zonnetje còn là nơi gặp gỡ, chia sẻ của cộng đồng lão niên địa phương. Nhân viên Nathalie Teton cho biết: “Nơi này không giống quán bình thường. Nhiều người già đến đây để uống trà, kể chuyện xưa, nghe bà Velder nói chuyện phố phường – có khi chẳng gọi gì, chỉ ngồi yên ở góc nhỏ quen thuộc.” Theo cô, các quán mới dù hiện đại nhưng thiếu linh hồn.
Sự việc gây tiếc nuối không chỉ với người dân địa phương. Kate Carlisle, sống ở Amsterdam suốt 8 năm, cho rằng việc để những không gian như ‘t Zonnetje biến mất là một mất mát lớn cho thành phố. “Đây là một di sản sống – từ tòa nhà, lịch sử đến con phố. Nếu không bảo tồn, Amsterdam sẽ giống như mọi thành phố du lịch đại trà khác.”

Trong bối cảnh thành phố chuẩn bị kỷ niệm 750 năm thành lập, chính quyền Amsterdam đang chịu áp lực ngày càng lớn từ việc làm sao cân bằng giữa phát triển du lịch và gìn giữ di sản văn hóa – điều không dễ thực hiện. Trong thập kỷ qua, chính quyền đã đưa ra nhiều chiến dịch nhằm khuyến khích du khách quan tâm đến bảo tàng, văn hóa bản địa thay vì những hình ảnh “tiêu biểu” về cần sa hay các tụ điểm ăn chơi. Dẫu vậy, việc tiệm cà phê hàng trăm năm tuổi buộc phải đóng cửa cho thấy cuộc chiến bảo vệ bản sắc Amsterdam vẫn còn đầy gian nan.