Ngày 12-11, HĐND TPHCM phối hợp Sở TT-TT, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 11, chủ đề “Công tác quản lý thị trường - bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Tại chương trình, cử tri đặt các câu hỏi liên quan vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng ở các chợ truyền thống, chợ đầu mối. Cùng với đó, là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trả lời cử tri, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM khẳng định, sản xuất hàng giả, kém chất lượng là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm thường xuyên, xuyên suốt.
Để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, Cục Quản lý thị trường TPHCM thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ, cấp trên giám sát cấp dưới và tuyên truyền để người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.
Liên quan an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, thực phẩm lề đường, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM nhìn nhận, đây là vấn đề nóng. Hiện TPHCM có 236 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối. Ban An toàn thực phẩm TPHCM phối hợp UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm tại tất cả các chợ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, các chợ truyền thống, chợ đầu mối gặp khó khăn rất nhiều khi cơ sở vật chất xuống cấp, khó bảo đảm vệ sinh, nhưng ngân sách sửa chữa chưa phải là ưu tiên. Mặt khác, còn tồn tại tình trạng người tiêu dùng ủng hộ chợ “chồm hổm” hơn vào chợ truyền thống.
Trưởng Ban An toàn thực phẩm TPHCM khẳng định, thức ăn đường phố cũng là một mối lo về an toàn thực phẩm. Thành phố có 13.506 cơ sở và 15.854 người hoạt động trong lĩnh vực này. Từng cơ sở được nắm bắt kỹ và các địa phương đều có các chương trình tập huấn, xây dựng mô hình điểm. Tuy nhiên, hiện chỉ có 118 mô hình điểm cho 72 phường, xã. Thời gian tới, Ban An toàn thực phẩm TPHCM phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng mô hình điểm.
Điều hành chương trình, bà Phạm Quỳnh Anh, Ủy viên của Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM cho biết, thời gian qua, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, công tác quản lý thị trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế cần được quan tâm khắc phục. Do đó, Thường trực HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM, các sở, ngành liên quan tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về công tác quản lý nhà nước trong quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, đề nghị Sở Công thương quản lý hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, tổ chức hòa giải tại địa phương một cách có hiệu quả và thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Song song, tham mưu UBND TPHCM ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.
HĐND TPHCM cũng đề nghị các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố tiếp tục quan tâm thực hiện công khai thông tin vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện.
Đề nghị Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TPHCM (Ban Chỉ đạo 389 thành phố) tăng cường chỉ đạo, thực hiện nghiêm việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.