Không còn những ranh giới cứng nhắc, Thành phố Hồ Chí Minh (sau sáp nhập) là điểm đến đa chiều, nơi du khách có thể khám phá những điều thân thuộc và cả những bất ngờ thú vị.
Về không gian văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, nơi đây là sự giao thoa độc đáo giữa các lớp kiến trúc đô thị và chiều sâu văn hóa khu vực. Những công trình kiến trúc Pháp cổ kính, hệ thống bảo tàng hiện đại như Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Áo dài, kết hợp cùng các di tích lịch sử lâu đời như Đình Thắng Tam, chùa Đại Tòng Lâm, căn cứ Núi Dinh, tạo nên một bản đồ trải nghiệm phong phú trải dài từ thành thị đến ven biển.

Du khách có thể cảm nhận nhịp sống hiện đại hòa quyện với tinh thần văn hóa và chiều sâu lịch sử tại những điểm đến quen thuộc như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, hay tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên tại Bãi Sau – Bãi Trước Vũng Tàu, bãi biển Long Hải, khu du lịch Hồ Tràm, Khu du lịch quốc gia Côn Đảo. Ngoài ra, tuyến phố cổ Thủ Dầu Một hay làng nghề Lái Thiêu cũng mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo.
Bên cạnh không gian và cảnh sắc, nơi đây với hơn 300 năm tuổi, nổi tiếng là "thiên đường ẩm thực" từ sang trọng đến bình dân. Giữa nhịp sống hiện đại với những món "fusion" sáng tạo và quán xá mới mọc nhộn nhịp, vẫn có những con người lặng lẽ gìn giữ hương vị xưa, giữ lại cho thành phố những ký ức thơm lừng từ bếp lửa gia đình, từ tô phở nghi ngút khói hay đĩa bánh cuốn mềm thơm. Cùng Vietnam Travel khám phá những quán ăn lâu đời nhưng vẫn giữ được hương vị đặc sắc:
Phở Dậu – Hơn nửa thế kỷ một hương vị Bắc ( Hẻm 288 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Xuân Hòa)
Nhắc đến phở Bắc ở Sài Gòn, người ta nghĩ ngay đến Phở Dậu nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Xuân Hòa. Bà Dậu, người kế nghiệp từ cha mẹ mình, vẫn đều đặn mỗi sáng nhóm lò, ninh xương, chuẩn bị nồi nước lèo trong veo, ngọt thanh đúng chuẩn phở Bắc.

Suốt hơn 60 năm, Phở Dậu vẫn giữ đúng cách làm phở Hà Nội: bánh phở mỏng, mềm, thịt bò tươi cắt tay, hành lá, mùi tàu đầy đặn. Ăn một tô phở ở đây không chỉ là thưởng thức món ăn, mà còn như được trải nghiệm cả ký ức của một Sài Gòn cũ, nơi người Bắc di cư mang theo hương vị quê nhà hòa vào lòng thành phố phương Nam.



Hủ tiếu Cả Cần – Gánh hủ tiếu giữa lòng Chợ Lớn (110 Hùng Vương, phường An Đông)
Nếu Phở Dậu mang vị Bắc thì Hủ tiếu Cả Cần lại gắn liền với cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Quán mở từ thập niên 1940, nay do ông Cần, cháu nội của cụ Cả, tiếp quản. Ông Cần vẫn giữ nguyên công thức của ông nội: nước lèo không quá ngọt, sợi hủ tiếu dai mềm, ăn kèm tóp mỡ chiên giòn.

Bánh cuốn Tây Hồ – Tấm bánh mỏng giữ chân người Sài Gòn (127 Đinh Tiên Hoàng, phường Tân Định)
Nằm nép mình trên con đường Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh cũ), Bánh cuốn Tây Hồ là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ. Quán mở từ năm 1961, nổi tiếng với bánh cuốn tráng mỏng, nhân thịt băm và nấm mèo đậm đà, chả lụa và nước mắm pha khéo. Bà Phượng, con gái người sáng lập, nay ngoài 70 tuổi, vẫn đứng bếp tráng bánh thoăn thoắt.

Hủ tiếu cá Nam Lợi – Nét riêng giữa lòng thành phố (43 Tôn Thất Đạm, phường Sài Gòn)
Ẩn mình trong con hẻm nhỏ đường Tôn Thất Đạm, Hủ tiếu cá Nam Lợi là địa chỉ quen thuộc với dân sành ăn. Quán mở từ năm 1950, nay do bà Lý, con gái cụ Nam Lợi, quản lý. Điểm đặc biệt là cá lóc ở đây không tanh mà ngọt thịt, ăn kèm hủ tiếu mềm, chan nước dùng sôi nghi ngút.

Quán Đồng Nhân Cơm Bà Cả – Vị cơm nhà giữa phố Tây (43 Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé)
Nằm lọt thỏm trên đường Lê Thánh Tôn, ngay giữa khu phố Tây tấp nập, Cơm Bà Cả vẫn giữ cách bán cơm truyền thống như thời bao cấp. Các món ăn đơn giản, quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày của người Bắc như canh cua rau đay, cà pháo - mắm tôm - thịt luộc, đậu hũ chiên... nhưng ai đã một lần ăn ở quán Bà Cả thì không thể nào quên. Quán cơm đến nay đã truyền qua đời con, cháu nhưng hương vị vẫn như ngày xưa.
Hủ tiếu Nghiệp Ký – Tiệm mì “thảy” gia truyền tại Vũng Tàu (127 Ba Cu, phường Vũng Tàu)

Mì “thảy” Nghiệp Ký là quán ăn quen thuộc với người dân phố biển Vũng Tàu và du khách. Đến đây, bạn không chỉ được thưởng thức món mì kiểu Hoa mà còn được xem màn trình diễn "thảy vợt" mì vô cùng điệu nghệ. Vị ngọt thanh của nước dùng hòa quyện cùng với vị béo của sợi mì, vị mềm ngọt của thịt, tạo nên một hương vị đặc trưng khó cưỡng.
Phở Thủy Nguyên – Một thời để nhớ tại Vũng Tàu ( 38 Ba Cu, phường Vũng Tàu)

Phở Thủy Nguyên ra đời từ trước năm 1954, được mở bởi cụ Bùi Thị Thiện, người Hải Phòng. Quán phở này nổi bật với hương vị truyền thống miền Bắc, đặc biệt là nước dùng ninh từ xương suốt đêm. Dù có nhiều lần sửa chữa, quán vẫn giữ nguyên hương vị và không khí như ban đầu, là nơi mà những khách quen tìm thấy những kỷ niệm và hương vị gắn bó.
Bún mắm Mười Thanh – Hương vị miền Tây giữa lòng Bình Dương (86/2 Nguyễn Văn Tiết, Phú Cường, P. Thủ Dầu Một, TP. Hồ Chí Minh)

Ra đời từ năm 2001, Bún mắm Mười Thanh bắt nguồn từ tình cảm của chị Mười Thanh, người phụ nữ gốc Bến Tre, dành cho món ăn quê hương. Nước lèo được nấu từ mắm linh và mắm sặc, kết hợp cùng nước hầm xương ống và nước dừa xiêm, tạo vị ngọt thanh, béo nhẹ. Điểm khác biệt của quán nằm ở sợi bún nhuyễn, cùng tô bún đầy đặn với tôm tươi, mực giòn, thịt quay, ớt nhồi cá thác lác. Món bún mắm ở đây không chỉ ngon mà còn gợi nhớ hương vị miền Tây mộc mạc giữa lòng thành phố công nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM chia sẻ từ hành trình 65 năm phát triển của Ngành Du lịch Việt Nam, TP.HCM rút ra bài học lớn sau:
Về việc phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp – giữa tài nguyên, con người, hạ tầng và chính sách. Du lịch không thể phát triển đơn lẻ, mà cần được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch tổng thể, liên kết vùng, và các lĩnh vực như giao thông, y tế, văn hóa, thể thao, công nghệ… Trong bối cảnh Thành phố mở rộng sau sáp nhập, bài học đó càng trở nên rõ nét.
Chủ động và không ngừng sáng tạo để đón đầu các xu thế, các biến động chính trị - kinh tế - xã hội – văn hóa và nhất là thảm họa/thiên tai/dịch bệnh trong bối cảnh ngành du lịch là ngành nhạy cảm với biến động trên các lĩnh vực. Chủ động để chuẩn bị và sáng tạo để ứng phó trong bất kỳ hoàn cảnh nào.