Quảng Ninh hiện đang triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao tại cơ sở. Điều này tạo nên sức sống mới cho cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Tính đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh đã thành lập được 55 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của vùng DTTS và miền núi. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tại thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở; đồng thời góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Thực tế cho thấy, nhiều tập tục văn hóa của đồng bào DTTS của Quảng Ninh đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể kể đến như: Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Đại Phan của dân tộc Sán Dìu; Hội Soóng cọ của người Sán Chỉ; nghi lễ Then của người Tày; làn điệu Soọng Cô của người Sán Dìu… Đặc biệt, nghi thức Then của người Tày Quảng Ninh được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nằm trong số 11 tỉnh có Then Tày, Nùng, Thái của Việt Nam được UNESCO vinh danh.
Bên cạnh đó, các môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS Quảng Ninh như đẩy gậy, đánh quay, đi cà kheo, ném còn, bóng đá nữ… cũng được lưu giữ, khôi phục và khuyến khích phát triển. Đây không chỉ là trò chơi dân gian mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi lứa tuổi. Những chợ phiên của đồng bào DTTS càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, trở thành nơi giao lưu, trình diễn dân ca, dân vũ, ẩm thực độc đáo của từng dân tộc.
Điểm sáng là chính sách thí điểm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi theo Kế hoạch 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn 2023-2025, chính sách được triển khai tại 4 làng DTTS: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái; Làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn; Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và Làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động của huyện Bình Liêu. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng mô hình làng văn hóa đặc trưng cho từng dân tộc, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống người dân và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Bước đầu, các mô hình này đã tạo ra những sản phẩm đặc sắc, được du khách đón nhận, nâng cao thu nhập bình quân của hộ gia đình tham gia từ 10-15% so với trước khi thí điểm.
Tư Nguyễn