Trải nghiệm đa sắc từ Bắc chí Nam
Ngày nay khi yếu tố xanh, bền vững được xem là mục tiêu quan trọng về định hướng phát triển nền kinh tế nói chung, du lịch cộng đồng chính là giải pháp phù hợp. Bởi loại hình này chính là sự gìn giữ các giá trị truyền thống, một kiểu du lịch sâu, tệp khách hàng thường có tinh thần tự tôn cao, coi trọng trách nhiệm xã hội, quan tâm đến di sản văn hóa bản địa.

Du lịch cộng đồng ở Việt Nam được triển khai từ vùng núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long, qua các hình thức du lịch homestay, du lịch làng nghề truyền thống đến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

Miền Bắc có Hà Giang năm 2021 ra mắt làng du lịch cộng đồng ở Thôn Khun, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, nổi bật với cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Những nét văn hóa và ẩm thực bản địa cộng đồng các dân tộc đã đưa thôn Khun trở thành điểm đến mới khi đến Hà Giang.

Ông Nông Văn Dược - trưởng thôn cho biết, Thôn Khun là nơi sinh sống của 4 dân tộc, gồm: Tày, Nùng, Dao, La Chí, nơi đây nằm giữa thung lũng có khoảng 178 hộ dân, họ sống ở những ngôi nhà sàn truyền thống đặc trưng.


Ngoài mang bản sắc văn hóa vùng bản, ở Thôn Khun ít người biết đến hang Bó Mỳ, ấn tượng với hệ thống nhũ đá đủ hình vạn dạng. Không chỉ là địa danh thăm quan cho du khách ưa mạo hiểm, hang Bó Mỳ còn là nơi dự trữ nước lớn để phục vụ cho sinh hoạt của nhiều thôn ở xã Bằng Lang thời điểm mùa khô.

Hay đến làng Nặm Đăm - Hà Giang, nơi đây khác với các bản làng hoang sơ, bao quanh là núi non trùng điệp. Làng Nặm Đăm mang dáng vẻ yên bình, lãng mạn, điểm nổi bật là những ngôi nhà trình tường màu sáp ong vàng óng cùng nội thất bên trong mang nét văn hóa truyền thống của người Dao chàm.


Ông Lý Đại Thông - trưởng thôn làng Nặm Đăm kể, năm 2013 Nặm Đăm là ngôi làng đầu tiên trên địa bàn huyện Quản Bạ làm du lịch cộng đồng. “Chính điều này, việc gìn giữ, xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa là giải pháp trọng tâm mà ngành du lịch địa phương hướng đến nhằm thu hút du khách. Vừa có thể đảm bảo cuộc sống cư dân, vẫn gìn giữ được văn hóa cha ông” - ông cho hay.

Hiện nay, đến với Nặm Đăm, du khách có thể nghỉ ngơi trong nhà trình tường của người Dao, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cùng người dân và tham gia các hoạt động như: Lễ Cấp sắc, Lễ cầu mùa, hát giao duyên, hát đối, múa sạp... Đến đây du khách cũng được thưởng thức những món ăn, trải nghiệm văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

Miền Trung Quảng Nam, làng du lịch cộng đồng Trà Quế (Hội An) nổi tiếng với nghề trồng rau truyền thống và những loại thực vật trồng theo phương thức hữu cơ lâu đời. Ngoài ra các di tích mang tính lịch sử cũng được lưu giữ như giếng đá Chăm, miếu Thổ thần, miếu Ngũ hành, mộ ông Nguyễn Văn Điển… hay Lễ cúng Cầu Bông.

Các hoạt động tại lễ cúng Cầu Bông ở Hội An sự quan tâm của người dân. Ảnh: TTXT DL Hội An
Năm 2024 làng rau Trà Quế nhận về sự chú ý trên bản đồ du lịch Việt khi đạt danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất năm 2024”. Nơi đây có 202 hộ dân tham gia hoạt động trồng rau (với 326 lao động trực tiếp) trên diện tích 18ha đất canh tác, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Xuôi về miền Nam đến Cần Thơ không thể bỏ qua làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn ra mắt 2015, nơi đây thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.

Nổi bật là đa dạng các loại trái cây theo mùa như chôm chôm, nhãn, bưởi, thanh long ruột đỏ, ổi, vú sữa... và các hoạt động tham quan bè nuôi cá, trải nghiệm tát mương bắt cá, mò ốc, hái rau, chèo xuồng, đi cầu khỉ, trải nghiệm làm nông dân, xem cá lóc bay và đặc biệt là cùng chế biến, thưởng thức các món ăn, món bánh dân gian đặc sản Nam Bộ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 8/2023, cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý; trong đó, khoảng 70% là điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Năm 2024, Bộ VHTTDL đã đặt ra đề án trong năm 2025, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Việt Nam, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Có ít nhất 30% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 20% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó có ít nhất 10% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 01 người có khả năng giao tiếp được một ngoại ngữ.
Với các chuyên gia, vai trò du lịch này được biểu hiện rõ qua các yếu tố: bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra sinh kế cho người dân địa phương, nâng cao nhận thức về văn hóa, giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước.