Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

"Món cháo nhà nghèo" nay bỗng đắt khách, bán 300 bát 1 ngày trên phố Hàng Vôi

Giữa muôn vàn món ngon khắp phố phường Hà Nội, món "cháo nhà nghèo" giờ đây lại đắt khách muốn ăn.

Hà Nội, giữa biết bao món ngon ở Hà Nội, cháo đậu cà ít tiếng tăm nhưng bao năm qua vẫn tồn tại và được nhiều người dân chọn làm thức quà sáng "chắc dạ" giữa tiết trời nắng nóng.

Nhắc đến món cháo đậu cà, người Hà Nội không khỏi tấm tắc. Thức quà này nhắc nhớ con người ta về cái thời thiếu thốn xưa cũ nhưng chan chứa tình cảm.

4024dafa2c398967d028-1722076960.jpg
Bát cháo đầy đủ giá 25 nghìn đồng.

Trước kia, cháo đậu cà được ví như món "cháo nhà nghèo" bởi quá đơn giản. Bát cháo đầy đủ chỉ có cháo hoa ăn với cà muối mặn, nhà nào có điều kiện hơn thì bỏ thêm đậu tẩm hành bùi thơm, miếng cà ca la thầu (củ cải muối) rôn rốt chua, vậy là xong một bữa sáng giữa ngày oi bức. Hiện nay, kinh tế dôi dư, người bán còn cho thêm đầy đủ các thức khác vào trong món cháo từ thịt băm, gà xào, trứng muối, nấu đủ các loại cháo đậu đen, đậu xanh, cháo sườn tùy thực khách lựa chọn.

Quán cháo đậu cà nằm trên phố Hàng Vôi này đã tồn tại ở đây được 20 năm, công thức không đổi và vẫn thu hút hàng trăm thực khách mỗi ngày. Khách tới quán ăn đông hơn vào mùa hè. Nói là đông nhưng cũng không quá tấp nập, việc kinh doanh của bà Oanh (chủ quán cháo) cứ túc tắc nhưng bà cho biết mỗi ngày cơ sở Hàng Vôi của bà vẫn bán khoảng 300 bát vào những ngày oi bức.

3f6c59321bf2beace7e322-1722076804.jpg
Ngoài cháo sườn, cửa hàng còn nấu cháo đậu xanh và đậu đen để thực khách lựa chọn.
80e225b16771c22f9b6021-1722076804.jpg
Công thức 7 phần tẻ 3 phần nếp chắc chắn cho ra một nồi cháo dẻo dính, không sũng nước lại "thơm tẻ dẻo nếp".

Cháo bà Oanh nấu theo công thức được truyền lại từ mẹ chồng của bà, tỉ lệ gạo nấu cháo là 7 phần tẻ, 3 phần nếp, cháo nấu ra vừa quánh đặc, không sũng nước vừa "thơm tẻ dẻo nếp" rất nịnh miệng. 

Trông thì đơn giản nhưng hóa ra món cháo nấu lại rất cầu kỳ. Bà Oanh mỗi ngày phải dậy sớm từ 3 giờ sáng để chuẩn bị gạo, đỗ, thịt băm, trứng muối, rán đậu, tẩm hành... Như địa chỉ Hàng Vôi, mỗi ngày có thể tiêu thụ hơn 3 nồi cháo mỗi loại, bán từ 6h sáng đến 7h tối. Công việc bận rộn hơn khi Hà Nội bắt đầu vào mùa oi ả, bà Oanh có thể phải thuê thêm người làm nếu thấy cần thiết. Ngoài nấu cháo, món đậu tẩm hành và cà muối đương nhiên được bà quan tâm đặc biệt. Cháo ăn bùi thơm đã đành nhưng món đậu mặn ngọt, món cà chua chua mới là linh hồn làm cháo trở nên hấp dẫn.

09b17e9f3c5f9901c04e19-1722076804.jpg
Cà ca la thầu muối chua ngọt.
3646da0498c43d9a64d523-1722076804.jpg
Và cà muối truyền thống, món cà cần phải muối trước 3 ngày mới thấm vị.

Bà Oanh cho hay, trước kia đói kém lại nóng nực, được ăn bát cháo chua ngọt thơm là hạnh phúc lắm. Bây giờ, khi cuộc sống đầy đủ hơn, người ta ăn đủ chất quen rồi thì lại muốn thử cái gì đó thanh đạm, nhẹ nhàng hoặc cũng có nhiều thức khách ăn cháo để nhớ lại hương vị xưa cũ từng quen.

Giá cho mỗi bát cháo ở đây dao động tùy thuộc vào số lượng "topping" mà thực khách lựa chọn. Bát đơn giản giá 15 nghìn đồng, đầy đủ thì từ 25 nghìn đồng hoặc hơn. 

Mẹ con chị H (Hoàng Mai) đã ăn món cháo đậu cà vài lần, nhưng đây là lần đầu tiên ăn ở địa chỉ Hàng Vôi. Chị cho biết cháo rất vừa miệng, dễ ăn, hợp ngày oi bức. Chị từng thử nấu cháo đậu ăn với cà nhưng không thể cho ra được vị cháo như bà Oanh nấu.

172bb3c6f20657580e1731-1722076804.jpg
Ngày cao điểm, cơ sở Hàng Vôi có thể bán đến 300 bát cháo.

Còn với anh K, nhân viên ngân hàng cạnh phố thì tấm tắc khen cái vị chua, ngọt, bùi, thơm lạ miệng của cháo. Anh cùng đồng nghiệp vẫn thường ăn ở đây ít nhất 1 lần mỗi tuần. 

Tuy nhiên, món cháo đậu cà lại chỉ "nóng" vào mùa hè, còn những ngày mưa hoặc đông lạnh, khách tới ăn ít hơn nên bà Oanh chủ yếu nấu cháo sườn thịt băm hoặc cháo gà xào vào thời gian này. 

Uy Danh