Những ngày qua, Làng Nủ là nơi đau thương của miền Bắc ruột thịt. Từ báo chí truyền thông đến các trang mạng xã hội, đâu đâu cũng là hình ảnh những đứa trẻ Làng Nủ với ánh mắt buồn bã, những người lớn hoang mang, vô định bới tìm người thân trong lớp bùn đất. Khoảnh khắc ấy như cắt từng khúc ruột, xót xa biết bao. Nỗi mất mát ấy lớn biết bao. Liệu 5 năm sau, 10 năm sau hay 20 năm sau, những người ở lại đã vượt qua được nỗi đau về trận lũ lịch sử năm 2024.
Lắng nghe tâm sự của Hồng Sơn - Nhiếp ảnh gia tự do vừa có chuyến công tác lên Làng Nủ sau trận lũ kinh hoàng càng thấm thía hơn cuộc sống của người dân nơi đây. Sơn nói, cậu có chuyến đi chụp ảnh cho chương trình Tết Trung thu - Tết sẻ chia 2024, đến Làng Nủ và Việt Tiến vào 15/9/2024. Đoàn có 5 thành viên 1 xe bán tải xuất phát từ 4h sáng ngày 15/9. Trong chuyến đi, vì gặp sạt lở nên đoàn phải đi đường vòng xa thêm hơn 100km.
Sơn cũng nói rằng đường lên Làng Nủ hiện có rất nhiều điểm sạt lở, đường đi bùn sình lầy gây khó khăn cho việc di chuyển: "Trước tình cảnh tang thương bao trùm, bà con Làng Nủ rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, CLB Liên kết trẻ quyết định lên đường đến hỗ trợ người dân và tiền trạm cho chương trình Tết cuối năm. Mình thấy hành trình đầy ý nghĩa nên mình đã tham gia".
Lần đầu tiên đến với ngôi làng này, thật tiếc là khung cảnh không còn bình yên như trước. Cánh đồng lúa không còn xanh tươi đầy sức sống như ngày nào. Những con đường không còn dễ đi như trước mà ngập ngụa trong bùn lầy, đất đá. Sơn nói, những người dân cho đoàn xem hình ảnh bình yên của ngôi làng trước khi "mẹ thiên nhiên nổi giận" với cánh đồng lúa đầy sức sống, con đường dễ đi khiến ai nấy không khỏi tiếc nuối, xót xa.
"Điều đầu tiên khi đến Làng Nủ là một mùi tử khí xộc thẳng vào mũi. Đi vào đầu làng, nước còn bùn đất chảy ra cả váng dầu, mùi tanh. Không khí tang thương bao trùm. Nhìn người dân ai cũng buồn rầu, ánh mắt buồn mênh mang, vô định khiến ai cũng xót xa", Hồng Sơn kể.
"Đoàn đến Nhà Văn hóa Làng Nủ thấy rất nhiều quan tài để sẵn chờ tìm nạn nhân trong trận lũ quét. Có rất nhiều chiến sĩ bộ đội đang làm việc, không ngừng tìm kiếm nạn nhân như tìm kiếm hy vọng, tìm kiếm sự sống cho người dân. Cơ quan chính quyền địa phương cũng hỗ trợ các mạnh thường quân về thông tin các hộ gia đình để nhận hỗ trợ. Chuyến đi này khiến mình thấy được rằng tình thần đoàn kết của đồng bào ta, dân tộc ta không đâu có bằng, không có từ nào để diễn tả", Hồng Sơn xúc động nói thêm.
Bầu không khí cô quạnh và trống trải vì mất mát, đau thương bao trùm lấy ngôi làng, cả ánh mắt thất thần, cả cái lắc đầu vô vọng của những người ở lại. Có lẽ với họ, sẽ chẳng có từ nào để diễn tả nổi nỗi đau này. "Hai vợ chồng nhà nó đang ngủ, tôi bỗng nghe một tiếng bùm rất to. Tôi gọi vội: "Sơn ơi dậy đi, chắc sạt lở đến nơi rồi, to lắm, sợ lắm, chạy đi con ơi". Lúc tôi nhìn lại, nước lớn lên đến đùi. Khoảng 10 phút sau, tôi gặp thằng bé và nghe tin cả làng chết hết rồi. Tôi nổi hết cả da gà.
Trường mới xây to đẹp, chưa kịp sử dụng, trường có 16 cháu học sinh nay còn có 4 cháu, còn lại chưa tìm thấy. Tàn khốc quá, không tưởng tượng được. Mong sao tìm thấy được mọi người. Nay thằng bé còn bảo cả nhà còn mỗi mình cháu, mong tìm thấy em cháu", vừa nói, bà vừa nức nở, lau nước mắt.
Ở nơi bộ đội tìm kiếm, biết bao nhiêu người chờ đợi để nghe ngóng thông tin. Họ rối bời, đau đớn. Không ai nói được với ai điều gì bởi biết nói gì khi nỗi đau này quá lớn. Chỉ còn tiếng khóc xé ruột gan, đôi mắt đỏ hoe vô vọng. Họ không ăn, không ngủ, ngày ngày túc trực, tìm kiếm người thân.
Những tưởng Trung thu là Tết Thiếu nhi, Tết Đoàn viên, ai nấy sẽ có bữa cơm ấm áp bên cạnh người thân, trẻ nhỏ sẽ được nô đùa, cười nói khi nhận quà của bố mẹ nhưng Trung thu năm nay ở Làng Nủ chỉ chìm trong nỗi đau.
Đoàn của Sơn tặng các bé những chiếc đèn ông sao - món quà quen thuộc mỗi mùa Trung thu như lời động viên, lời chúc bình an, lời mong cầu ngôi sao hy vọng sẽ giúp các con được bình yên. Dù được nhận quà nhưng không đứa trẻ nào nở được nụ cười. Khoác lên thân hình gầy nhẳng là những bộ đồ cũ kỹ, đôi dép dính đầy bùn đất, ánh mắt buồn bã như chẳng thiết tha điều gì. Vài đứa nhỏ cầm đèn ông sao, nhìn chằm chằm vào đó như nhớ đến ký ức vui vẻ ngày cũ, khi còn bố mẹ, còn anh chị, còn bạn bè cùng nhau đi rước đèn. Có em bỏ lại chiếc đèn lồng trên đất như muốn san sẻ đến những người bạn nhỏ còn chưa tìm thấy.
Làng Nủ những ngày này đã có ánh vàng chiếu rọi. Màu vàng nhàn nhạt, nhẹ nhàng của tiết trời mùa thu như màu hy vọng đang bắt đầu nhen nhóm vào lòng người dân Làng Nủ. Vết thương của rừng rồi sẽ lại lành. Cây sẽ lại đâm chồi, nảy nở. Đường sẽ được dọn dẹp, không còn rác thải, bùn lầy. Trên cánh đồng, những cây ngô, ruộng lúa đã vươn lên đầy sức sống, trổ bông, xanh tươi. Những mái nhà sẽ được lợp lại, ánh sáng rồi sẽ thắp lên sự ấm áp, bình yên cho những người ở lại. Dù phải sống tiếp với nỗi đau, sự mất mát nhưng cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, ngày mai vẫn sẽ đến...