Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là một dịp để tôn vinh và ghi nhận các đóng góp của phụ nữ trong xã hội, kỷ niệm các cuộc đấu tranh cho quyền lợi và bình đẳng của phụ nữ trên toàn thế giới. Ngày này thường được kỷ niệm bằng cách tổ chức các sự kiện, gửi lời chúc mừng, tặng quà và thể hiện lòng biết ơn đối với phụ nữ.
Ấy vậy mà vẫn có một số mảnh đời vất vả, cơ cực mưu sinh dù trong chính ngày của mình. Nhiều chị em phụ nữ vẫn phải vật lộn để kiếm sống cho bản thân và gia đình, đồng thời cố gắng duy trì sự cân bằng giữa việc làm và trách nhiệm gia đình.
“Chị chưa bao giờ có ngày đó, chẳng 8/3 nào chị được quà cả nên cũng thành ra quen rồi”
Bên cạnh những người đi chơi, tận hưởng ngày lễ 8/3 thì cũng có những chị em phụ nữ tất bật đi làm. Đối với chị Liên (34 tuổi), tài xế xe công nghệ thì ngày lễ chỉ khác biệt với ngày thường là chị được nhiều khách hàng hơn.
“Chị chưa bao giờ có ngày đó, chẳng có 8/3 nào chị được quà cả nên cũng thành ra quen rồi, nhìn những chị em khác hoa hoa quà quà mình cũng không buồn, buồn thì đâu được gì. Chồng chị chẳng có quan tâm ngày này đâu, nếu người ta muốn tặng thì tự khắc sẽ tặng, mình đâu cần nói gì”, chị Liên chia sẻ với đôi mắt rưng rưng lệ.
Thường nói con gái “nói có là không, nói không là có”, thật vậy, dù bên ngoài chị Liên nói không cần hoa, quà nhưng những giọt nước mắt cùng đôi mắt đỏ hoe ấy đã nói lên tất cả. Đối với nhiều chị em phụ nữ, không cần bó hoa to, phần quà lớn, đôi khi những lời quan tâm, chúc mừng từ người thân cũng đủ làm họ ấm lòng.
“8/3 mà mình nhớ nhất là vào năm ngoái, lúc ấy mình đã mua quà tặng cho mẹ bằng chính những đồng tiền đầu tiên mình kiếm được”
Với bạn Tú Anh (19 tuổi) đến từ Hà Nội, việc học và mưu sinh tại thành phố xa lạ cách quê hương hàng nghìn km làm cô bé quên hẳn đi ngày 8/3.
“8/3 mà mình nhớ nhất là vào năm ngoái, lúc ấy mình đã mua quà tặng cho mẹ bằng chính những đồng tiền đầu tiên mình kiếm được. Cũng nhân dịp 8/3 mình muốn nhắn nhủ với các bạn hãy làm một người phụ nữ mạnh mẽ, tự chủ tài chính, dù có bao nhiêu khó khăn cũng phải cố gắng vượt qua.
Dịp 8/3 năm ngoái mình có đi du lịch nhưng năm nay lại bận làm nên không thể đi được. Trong lòng mình vẫn cứ ấp ủ muốn đi Đà Lạt vào dịp lễ này”, Tú Anh bộc bạch.
Với một cô gái trẻ vừa bước khỏi ngưỡng cửa trường lớp để bon chen vào cuộc sống xô bồ của thành phố, việc mưu sinh với bạn quan trọng hơn những cuộc đi chơi, du lịch đó đây vào ngày lễ dành cho mình. Ấy vậy cô gái đó vẫn cứ vô tư, hồn nhiên, mang năng lượng tích cực lan tỏa khắp nơi.
“Hiện tại 8/3 không có hoa, quà bà cũng vui”
Lẻ loi trên vỉa hè tại TP.HCM, xe hàng nước be bé của Bà Vũ Thị Hoa (70 tuổi) giống với như những gánh hàng rong bình thường khác tại thành phố sầm uất này. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đáng lẽ phải ở nhà hưởng phước từ con cháu nhưng bà Hoa vẫn ngày ngày buôn bán, hôm nay lo hôm mai.
Mất chồng trong thời kỳ Covid-19, nay bà Hoa lẻ bóng một mình. Với bà ngày 8/3 rất quan trọng, là ngày các chị em phụ nữ được tôn vinh, được nhận quà. “Bà ấn tượng tượng nhất ngày 8/3 vào 4 năm trước, lúc chồng bà còn sống và chạy xe ôm. Đến ngày 8/3 ông mua cho bà bánh bà thích, dẫn bà đi ăn. Lúc ấy bà vui lắm, thấy ấm lòng.
Hiện tại 8/3 không có hoa, quà bà cũng vui. Nhìn dòng người qua lại tay cầm hoa, quà nhưng mình không có cũng không sao, vẫn lạc quan, tích cực. 8/3 này bà chỉ mong phụ nữ nhỏ phải có sức sống, phải năng động lên, nhiều năng lượng để tiếp tục học tập. Còn phụ nữ trung niên phải bình an, có sức khỏe nhiều. Quan trọng nhất bây giờ ai cũng cần là bình an và sức khỏe, chúc tất cả chị em phụ nữ từ bé đến lớn ai cũng được hạnh phúc”, bà Hoa bồi hồi.
Với những người phụ nữ đã trải qua hơn nửa đời người, tần tảo mưu sinh thì không còn mong những bông hoa, gói quà. Đôi khi gánh nặng cuộc sống làm họ quên mất những thứ đó. Họ chỉ biết làm việc, kiếm tiền, trang trải cho bước đường mưu sinh.