Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Loại hình du lịch giáo dục Việt Nam: nhiều triển vọng nhưng cần chiến lược “dài hơi”

Du lịch kết hợp với giáo dục dành cho học sinh, sinh viên không phải quá xa lạ, thế nhưng thời gian gần đây ở Việt Nam, hoạt động này mới nhận được sự quan tâm và tổ chức thành mô hình chuyên nghiệp, tạo ra sản phẩm du lịch mới.

Thay vì hình thức giáo dục trong khuôn khổ lớp học, và tiếp nhận những kiến thức thụ động, xu hướng du lịch giáo dục (trải nghiệm - học tập - thư giãn) phát triển đưa trẻ đến gần hơn với thiên nhiên, để trẻ được vui chơi, tự do khám phá kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa, con người, mang đến cho các em chuyến du lịch bổ ích. Đó cũng là cơ hội để các em hoàn thiện kỹ năng, thích ứng với cuộc sống, tự tin thể hiện bản thân.

Hiện tại nhiều công ty du lịch lữ hành ở nước ta đã triển khai nhiều sản phẩm liên quan đến loại hình du lịch giáo dục, giúp tiếp cận với xu hướng giáo dục thế giới. Đại điện phía công ty lữ hành Du lịch Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đa số các tour cho học sinh, sinh viên đều được yêu cầu gắn với các hoạt động trải nghiệm ngay khi khách có nhu cầu đặt tour. Vào dịp hè năm nay, chủ yếu hai tháng 6 và 7 số lượng được yêu cầu sản phẩm về du lịch giáo dục có sự khởi sắc.

z5619389174767-cea95f4d7afa6d8391ce6cf0934fe460-1721926920.jpg

Về hành trình các sản phẩm vẫn đang theo hướng gắn với 2 dạng trải nghiệm. Theo đó, trường tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ là trải nghiệm văn hóa, lịch sử tại địa phương kết hợp với các hoạt động gắn kết thiên nhiên và hoạt động nhà nông như tát mương, bắt cá hay vào chăm sóc vườn cây các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, môi trường để làm quen các kỹ năng sống. Từ đó tạo môi trường, giúp các bé hình thành tính cách qua nhận thức bảo vệ cộng đồng, trân quý lao động.

z5619397612998-e029978d84aa5e7e2b94f58926793697-1721926919.jpg
Các bạn sinh viên năm 3 ngành Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) đang thực hành nghiệp vụ Hướng dẫn viên quốc tế.

Ở dạng gắn với trải nghiệm của sinh viên sẽ là những hoạt động mang tính hướng nghiệp, áp dụng các kỹ năng được học trên giảng đường vào thực tế. Bên cạnh đó sẽ là những chương trình kết hợp hoạt động ngoài thiên nhiên và trải nghiệm tăng thêm văn hóa sống. 

Dư địa dồi dào

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Sương - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà Hàng Khách Sạn Và Du Lịch Hải Âu Cần Thơ bày tỏ về tiềm năng của du lịch giáo dục: “Thị trường của du lịch giáo dục khá lớn, ngày nay nhu cầu gắn kết giữa lý thuyết và thực tế của các trường từ công lập đến quốc tế dành cho học sinh của mình đều rất cần thiết”.

Thêm vào đó, ngoài việc tiếp cận với các trường học để tiệm cận với nền giáo dục “khai phóng” ở các trường của nước ta, thì các tổ chức giáo dục, đào tạo cũng định hướng đến loại hình du lịch gắn kết giáo dục này.

“Với thị trường nội địa chúng tôi khai thác các giá trị bản địa, học tập văn hóa vùng miền, đặc trưng văn hoá các dân tộc hay các chuyên đề liên quan đến bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thiết thực như trồng cây, bảo tồn đa dạng sinh học... tất cả đó đều là các chuyên đề đang được các đơn vị giáo dục quan tâm. Ở khía cạnh inbound (khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và lưu trú trong một khoảng thời gian ngắn) chúng tôi tập trung khai thác các hoạt động mang tính chất giao lưu văn hoá, thực hiện các dự án có tính tác động xã hội mang tính bền vững... Bên cạnh đó, chương trình outbound (khách Việt Nam ra nước ngoài) gắn với giáo dục được định hình theo hướng du lịch hướng nghiệp giữa các trường đại học, cao đẳng tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á” - bà Sương chia sẻ. 

Cần chiến lược "dài hơi"

Một số chuyên gia du lịch cũng cho rằng loại hình du lịch gắn kết giáo dục này không chỉ mang lại giá trị học thuật mà còn tạo ra một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và có trách nhiệm với xã hội, nhận thức tốt về môi trường. Thêm vào đó, xu hướng du lịch này cũng sẽ giúp cho ngành du lịch nước nhà có thêm nhiều sản phẩm mới, tạo cơ hội cho các công ty lữ hành phát triển.

Tuy nhiên, loại hình du lịch này ở Việt Nam cũng được nhận xét có nhiều thách thức. Ở góc độ cơ sở tổ chức các chuyến du lịch giáo dục đòi hỏi việc cần thuyết phục khách hàng, bởi để có được một sản phẩm du lịch chất lượng thì giá dịch vụ phải ở mức tương xứng, do đó trong quá trình đấu thầu hay tiếp xúc khách hàng có thể gây ra trạng thái “ngại giá" ở những khách hàng hay thị trường mới. 

img-3578-1-1721927377.jpg

Bên cạnh đó, chi phí tổ chức các chương trình du lịch giáo dục được đánh giá là cao hơn các loại hình du lịch thông thường, do yêu cầu về hiệu quả chương trình, hướng dẫn viên chuyên môn, và cơ sở vật chất phù hợp.

Câu chuyện về định nghĩa “Du lịch giáo dục" cũng là một vấn đề khá lớn, bởi mỗi công ty du lịch hay mỗi đơn vị giáo dục sẽ có những khái niệm của riêng mình, do đó đôi khi hai bên không gặp nhau ở các khía cạnh tiếp cận tình huống hay mong muốn của chuyến đi. 

Ngoài ra câu chuyện về chất xám cũng là một thách thức khá lớn. Các công ty lữ hành muốn đồng hành với xu hướng này cần đảm bảo được câu chuyện du lịch giáo dục gắn liền với tính bản địa ở khía cạnh văn hoá và sinh thái, để khách hàng của mình có thể tiếp cận đúng và đủ thông tin, đòi hỏi tổ chức phải đầu tư  chuyên môn về mặt đội ngũ cố vấn, nhân sự vận hành,... Đối với những đơn vị mong muốn có hướng đi riêng, đúng với giá trị cốt lỗi của du lịch giáo dục và duy trì giữa tính giải trí và chuyên môn là những thách thức không nhỏ.

z5619376907549-6be0ea4c6c7b13cf748fafaa8f0a0c24-1721927200.jpg

Hoạch định cụ thể chiến lược

Để xây dựng hệ thống du lịch giáo dục chất lượng, đòi hỏi sự kết hợp giữa chiến lược ngắn hạn và dài hạn, sự hợp tác giữa nhiều bên liên quan. Trong đó, yếu tố ngắn hạn có thể thực hiện theo các chuyên gia du lịch như:  Tiến hành khảo sát để hiểu rõ nhu cầu và kỳ vọng của du khách cũng như học sinh địa phương về du lịch giáo dục. Tổ chức các tour du lịch giáo dục thử nghiệm để thu thập phản hồi và cải tiến.

Còn ở kế hoạch dài hạn cần có những yếu tố như xây dựng cơ sở hạ tầng và tiện ích: Khôi phục những di tích cũ và xây dựng địa điểm mới: bảo tàng, thư viện, trung tâm học thuật, khu vực hội nghị. Đồng thời cũng phải tạo ra các khu vực nghỉ dưỡng, ăn uống và giải trí phù hợp với đối tượng, mục tiêu.

Cần hợp tác chặt chẽ giữa các trường học, trường đại học, viện nghiên cứu và ngành du lịch. Kết nối với các tổ chức giáo dục và du lịch quốc tế để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Cần đào tạo nhân viên trong ngành du lịch về du lịch giáo dục và đào tạo nhà giáo dục tham gia mô hình này.

Hải Ngân