Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du lịch trải nghiệm gắn kết giáo dục: Cần hiểu đúng giá trị thực

Du lịch trải nghiệm gắn kết giáo dục là xu hướng du lịch không quá mới mẻ ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam loại hình này chưa thực sự phổ biến dù sở hữu nhiều tiềm năng, góp phần vào giá trị du lịch bền vững.

Đã đến lúc chú trọng du lịch gắn kết giáo dục cho học sinh Việt Nam 

Việc các bạn học sinh, sinh viên được học tập trải nghiệm môi trường thực tế nhằm tiếp nhận kiến thức từ xã hội, làm giàu vốn sống và mở rộng thế giới quan là điều vô cùng thiết thực. Tuy nhiên, hình thức này chưa thực sự phổ biến ở nước ta, có thể thấy một phần là do góc nhìn chưa toàn diện từ phụ huynh, điều kiện nhà trường cũng như sản phẩm du lịch cho loại hình du lịch này chưa thực sự đạt đúng giá trị của nó.

dsc04223-2048x1365-1720983578.jpg

Rất nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng, du lịch giáo dục chỉ là một hình thức du lịch cho trẻ em giải trí, vui chơi và không có nhiều giá trị học tập. Ở Việt Nam, một số trường học chưa tiếp cận đến giá trị thực sự của loại hình du lịch này, dẫn đến những “hiểu lầm” không đáng có từ phụ huynh trong việc tạo điều kiện cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, tâm lý lo sợ nguy hiểm khi cho các em đi học tập bên ngoài lớp học của phụ huynh và nhà trường, thêm vào đó thiếu sự tham vấn của các chuyên gia khiến cho nhu cầu hiện nay của các trường đa số chỉ dừng lại ở việc một năm cho học sinh đi ngoại khóa từ một đến hai lần và chuyến đi mang tính chất vui chơi, giải trí là chủ yếu. 

bidoup-453-1-1720983777.jpg
Các em học sinh quan sát, tìm hiểu đời sống văn hóa của người đồng bào.

Nhìn từ các nước trên thế giới, mô hình du lịch giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong nền giáo dục nước nhà. Nền giáo dục cộng đồng (Community education) được coi là một mảng giáo dục riêng lẻ trên thế giới mà tại đó nền giáo dục nhà trường trở nên gắn bó sâu sắc với giáo dục gia đình và xã hội. Nền giáo dục cộng đồng tùy theo xu hướng văn hóa tinh thần của từng quốc gia sẽ có những nét đặc trưng nổi bật.

Ở các quốc gia phát triển, có một số mô hình tổ chức giáo dục cộng đồng phổ biến như: học trên thực địa hoặc học “ngoài cánh cửa nhà trường”; du lịch giáo dục; tổ chức các câu lạc bộ trao đổi kiến thức theo từng chuyên đề.

Phụ huynh dần khuyến khích tour du lịch gắn kết giáo dục

Sau đại dịch, xu hướng cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, được học tập thông qua những trò chơi ngày nay dần được chú trọng và nhận được sự quan tâm. Trong đó, nhiều cơ sở du lịch, vườn quốc gia, danh lam thắng cảnh cùng phối hợp với nhà trường xây dựng những chương trình giáo dục cân đối, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Qua đó, học sinh vừa được trải nghiệm cảm giác vui chơi du lịch trải nghiệm thực tế, vừa học thêm nhiều kiến thức và kỹ năng thực hành trong cuộc sống.

img-7684-scaled-1720986371.jpg

Nhìn lại ở Việt Nam - một quốc gia Á Đông, yếu tố chính được nhấn mạnh là truyền thống gia đình, làng xóm. Chính vì thế nhiều tour du lịch giáo dục cộng đồng ở Việt Nam thường gắn bó với nông thôn, đồng ruộng, nét văn hóa bản địa làng nghề… Theo đó, du lịch kết hợp với học trải nghiệm giúp học sinh thu nhận kiến thức một cách hiệu quả bằng việc tận dụng sự vận động tối đa trí tuệ cùng với các giác quan của thân thể. Học sinh có thể chủ động cùng giáo viên tìm ra cách thức giải quyết một chủ đề học hay một vấn đề trong cuộc sống thông qua góc nhìn thực tế.

Trong dịp hè 2024, Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức thí điểm Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (ESD Bidoup). 

bidoup-578-1-1720983686.jpg
Các bạn học sinh vào Vườn Quốc gia tìm hiểu về thảm động thực vật đa dạng.

Chương trình Bidoup ESD đặt mục tiêu phát triển môi trường học tập tương tác và năng động thông qua các hoạt động giáo dục ngoài trời, trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa địa phương. Những hoạt động này giúp học sinh nâng cao trải nghiệm môi trường tự nhiên, hiểu về bảo tồn đa dạng sinh học và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, các em sẽ nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển các kỹ năng cần thiết, đóng góp vào sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ở góc độ là phụ huynh, anh Huỳnh Ngọc Duy Trác ở TP.HCM chia sẻ, mong muốn đồng hành cùng con trong những chuyến du lịch gắn kết giáo dục: “Mỗi năm, gia đình mình đều cho con đi những chuyến đi giáo dục trải nghiệm như thế này ở các VQG hoặc điểm đến văn hóa để bé được tìm hiểu.

Lý do mình muốn hướng con đến những kiểu du lịch trải nghiệm gắn kết giáo dục, bắt nguồn từ câu chuyện lúc nhỏ mình cũng là một học sinh khá giỏi nhưng lại chỉ giỏi kỹ năng lý thuyết và thiếu trải nghiệm thực tiễn. Chính vì thế khi có điều kiện và cơ hội mình muốn con sẽ được khám phá học hỏi nhiều thứ hơn, nhất là về thiên nhiên, môi trường sống xung quanh”.

bidoup-532-1-1720983704.jpg

Việc xây dựng yếu tố du lịch kết hợp giáo dục không những cần thiết mà là bắt buộc phải có sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội để tạo ra một môi trường học tập và giảng dạy hiệu quả nhất cho các em học sinh. Trong đó, du lịch giáo dục trên nền tảng cộng đồng theo hình thức “vừa học vừa chơi”, giúp các em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học lý thuyết, từ đó phát huy khả năng tư duy, trí tưởng tượng, tích lũy các kỹ năng sống và giao lưu văn hóa. Hơn thế nữa, đó là cách giúp các em học sinh Việt Nam giảm bớt áp lực học tập, tiếp thu kiến thức thụ động. Tạo cảm giác hứng thú chủ động tìm hiều và khai mở tư duy con trẻ.

Hải Ngân