Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lộ diện linh vật Rồng dài hơn 100m siêu hoành tráng tại đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết năm nay với chủ đề "Xuân yêu thương, Tết sum vầy" sẽ chính thức trở lại và ngoạn mục hơn xưa với linh vật Rồng khổng lồ, hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách chuyến hành trình đáng mong đợi dịp Tết 2024.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn sẽ bắt đầu phục vụ nhu cầu du xuân của người dân thành phố và du khách từ 19h ngày 07/02/2024 đến 21h ngày 14/02/2024. Đường hoa sẽ được thi công từ 07h ngày 21/01/2024 đến 12h ngày 07/02/2024. Kể từ lần thực hiện đầu tiên vào năm 2004, đến nay Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 đã bước sang tuổi 21 và trở thành biểu trưng văn hóa ngày Tết của TP.HCM.

Theo đó, công trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM, với sự chủ trì tổ chức của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) phối hợp các sở, ban ngành cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp tại thành phố.

duong-hoa-nguyen-hue-2024-511703736942-1703820354.jpg
Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm 2 linh vật rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc 2 bên đường hoa, với độ dài hơn 100m, kích thước vòng đầu hơn 2m. Ảnh: BTC

Ba phân đoạn Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 sẽ như ba tổ khúc trong bản hòa âm sắc màu đa cung bậc, từ khúc thoại đầu“Nguồn cội quê hương” đến quãng cao trào “Băng sông vượt biển” và khúc hạ màn “Vươn mình hội nhập”. Ngôn ngữ chủ đạo được thể hiện xuyên suốt Đường hoa Tết năm nay là yếu tố truyền thống văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người Việt hòa điệu cùng bản sắc văn hóa vùng đất phương Nam.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục, hứa hẹn chuyến hành trình đáng mong đợi khám phá Đường hoa 2024. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên Đường hoa, với độ dài hơn 100m và kích thước vòng đầu hơn 2m. 

duong-hoa-nguyen-hue-2024-461703736961-1703820354.jpg
Du khách đi dọc dưới thân rồng có thể nhìn rõ vật liệu mành và mây đan tạo hình rồng. Khi gió lay, những tấm mành quạt nan dưới bụng tựa như rồng đang thở, mang lại cảm giác mộc mạc truyền thống về câu chuyện lịch sử Rồng Tiên, rồng hạ nhân gian, điềm lành năm mới. Ảnh: BTC

Ngoài việc lập kỷ lục về kích thước con giáp từng xuất hiện trên Đường hoa Nguyễn Huệ, linh vật Rồng năm nay còn được tạo hình thân thiện với môi trường, khi hơn 90% chất liệu được sử dụng trong ốp tạo hình là mây tre và mành quạt nan.

Miệng rồng ngậm ngọc đường kính 50 cm được mô phỏng bằng mica đục, bên trong chứa đèn. Thân Lưỡng Long đan chéo vào nhau tạo mái trần trang trí đẹp mắt và thông thoáng cho phân đoạn 1. Du khách đi dọc dưới thân rồng có thể nhìn rõ vật liệu mành và mây đan tạo hình rồng, mộc mạc nhưng không đơn điệu. Khi gió lay, những tấm mành quạt nan dưới bụng tựa như Lưỡng Long đang thở, mang lại cho du khách một trải nghiệm độc đáo, với chất cảm mộc mạc truyền thống về câu chuyện lịch sử Rồng Tiên, rồng hạ nhân gian, điềm lành năm mới.

duong-hoa-nguyen-hue-2024-161703737027-1703820354.jpg
Miệng rồng ngậm ngọc đường kính 50cm được mô phỏng bằng nhựa mica đục, bên trong chứa đèn thắp sáng. Ảnh: BTC

Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên tử, là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phụng". Rồng Việt Nam là vật tổ của người Việt theo truyền thuyết "Con Rồng, cháu Tiên", là hình ảnh gắn liền và in sâu trong văn hóa Việt, thể hiện qua hội họa, trang phục, kiến trúc, tàu thuyền, điệu múa, và trong tranh dân gian Đông Hồ.

duong-hoa-nguyen-hue-2024-71703737069-1703820354.jpg
Đại cảnh “Thuyền Rồng hoa xuân”. Ảnh: BTC

Ba linh vật rồng lớn trên Đường hoa là sự kết hợp các đặc điểm rồng của thời Trần, thời Lý và thời Nguyễn, thể hiện ở các đặc điểm như đầu luôn hướng lên, mũi to, chóp mũi tròn, mắt lồi, miệng ngậm ngọc, bờm to ở má và trên đầu. Thân uốn lượn hình sin theo hướng bay lên là đặc điểm thường thấy trong hình ảnh rồng thời Lý và Trần, hình dáng đuôi xòe như ngọn lửa là đặc điểm của rồng thời Nguyễn.

Rồng trên Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 mang những đặc tính được chọn lọc và trau chuốt, với ba màu sắc chủ đạo là vàng đất, xanh lam và cam đỏ bã trầu. Công trình Đường hoa Nguyễn Huệ Tết năm nay mang lại cho khách thưởng ngoạn một “đại tiệc” của thị giác với các đại cảnh vô cùng hoành tráng: Đại cảnh “Vườn mai Bác Hồ”; đại cảnh “Thuyền rồng hoa xuân”; đại cảnh “Nhất đại Thăng Long”.

duong-hoa-nguyen-hue-2024-211703733943-1703820354.jpg
Đường hoa năm nay có các đại cảnh vô cùng quy mô và hoành tráng. Ảnh: BTC

Các trung cảnh cũng là điểm thú vị đáng trải nghiệm. Mắt kính rồng với vị trí ghế ngồi là trọng tâm mắt rồng sức chứa 3 đến 4 người, lưng ghế là cặp lông mày và đôi mắt xếch. Đầm sen rộng hơn 1.000 m2 với những bông sen và lá sen khổng lồ, là sự kết hợp của hai vật liệu kẽm và vải voan.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 sử dụng 3 gam màu chủ đạo là đỏ, cam, vàng của 99 chủng loại hoa như cẩm chướng, phong lữ, thược dược, màu gà, thu hải đường... Dự kiến hơn 90.000 giỏ hoa các loại sẽ được sử dụng cho Đường hoa Tết 2024.

duong-hoa-nguyen-hue-2024-181703733301-1703820352.jpg
Mắt kính Rồng với vị trí ghế ngồi là trọng tâm mắt rồng sức chứa 3 đến 4 người. Ảnh: BTC

Trải dài hơn 600m, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 là sự tích hợp những giá trị văn hóa vào ngôn ngữ thiết kế hiện đại, hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo nên một không gian trải nghiệm đáng nhớ đối với người dân thành phố và du khách trong những ngày xuân mới.

Anh Thư (tổng hợp)