Liên kết vùng phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh địa phương

Ngày 3/8/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh Doanh - VNBusiness đã tổ chức Diễn đàn "Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương".

Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX)... Sự kiện nhằm tháo gỡ các khó khăn và nâng cao nhận thức về hiệu quả liên kết vùng cho các địa phương.

Phát biểu tại Diễn đàn "Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương", ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhận định: "Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".

Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác (THT), trong đó có 76.456 THT nông nghiệp, thì việc liên kết vùng sẽ giúp các HTX, THT hoạt động hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới.

picture1-1691119351.jpg
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan, bao gồm các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN, HTX, Hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, phải bứt phá khỏi cách làm cũ và thực hiện liên kết vùng theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh và tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, các địa phương cũng cần nhận thức về lợi ích của liên kết vùng và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động kinh tế và đầu tư.

picture2-1691119421.jpg
Quang cảnh diễn đàn.

Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh.

Các mô hình liên kết đã tạo ra diện mạo mới cho sản phẩm của các địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế.

Tuy nhiên, liên kết vùng dù là vấn đề đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

picture3-1691119458.jpg
TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu.

Trình bày tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, kể cả với các đối tác nước ngoài, qua đó giúp có thêm tăng cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Các đia phương sẽ có cơ hội tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút FDI phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam như: sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin…

Theo TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho hay, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.

Để tăng tính liên kết kinh tế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, cần kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh.

picture4-1691119489.jpg
 Các lãnh đạo đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp cùng thảo luận tại diễn đàn.

Thảo luận tại Diễn đàn, một loạt những vấn đề và câu hỏi đặt ra sẽ được các diễn giả giải đáp. Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị để thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế các địa phương nói riêng. Qua đó góp phần tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế ở các địa phương trong thời gian tới.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển ở các địa phương.

ĐẠI LỘC