Khánh Hoà: Đưa nghệ thuật thưởng trầm phục vụ du khách

Lâu nay chúng ta hay biết nhiều đến các loại hoạt động văn hóa nghệ thuật như: cắm hoa, thưởng trà, vẽ tranh, làm thơ… còn thưởng trầm có vẻ còn hơi mới mẻ. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, nghệ nhân Phạm Tuấn Anh đã đưa nghệ thuật thưởng trầm vào để phục vụ người dân và du khách.
khanh-hoa-1-1729141579.jpg
Trầm nương đang chuẩn bị công đoạn đốt trầm để cho du khách thưởng trầm.

Theo đuổi niềm đam mê với trầm hương

Theo đúng lịch đã hẹn, chúng tôi đến với cơ sở trầm hương mang thương hiệu Hoàng Trầm, nơi đây cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 20 km về phía Tây, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Tiếp chúng tôi trong không gian xây dựng 2 tầng rộng hơn 1.000m2 với đầy đủ công năng: khu trưng bày và triển lãm nghệ thuật trầm, khu trưng bày truyền thống nghề trầm, khu biểu diễn và chế tác chế tác sản phẩm trầm, khu trưng bày và giới thiệu các sản phẩm trầm và đặc biệt nơi đây có khu biểu diển và thưởng thức nghệ thuật trầm cổ xưa (uống trà và thưởng trầm) dành cho du khách khi đến đây tham quan.

khanh-hoa2-1729141579.jpg
Các miếng trầm với chất lượng hương trầm đạt chuẩn để phục vụ cho du khách thưởng trầm.

Theo nghệ nhân Phạm Tuấn Anh chia sẻ: “Do ảnh hưởng từ thú chơi trầm từ cụ thân sinh, từ năm 1990 tôi đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu về lịch sử, ý nghĩa và công dụng của trầm hương đối với đời sống con người. Qua tìm hiểu về lịch sử phát triển trầm hương thì tôi được biết, cách đây hàng nghìn năm tại vùng đất Khánh Hòa này, cha ông ta đã phát hiện ra trầm hương và biết đến công dụng, giá trị của trầm hương mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Trầm hương xem như là báu vật của trời đất đã ban tặng cho con người và thường được sử dụng vào các dịp nghi lễ quan trọng hay vật phẩm để dâng tặng cho vua chúa.

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều quốc gia có trầm hương như: Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia về trầm hương thì trầm hương Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới, trong đó Khánh Hòa được đánh giá là nơi có loại trầm hương tốt nhất của cả nước. Chính vì những điều kiện trên, tôi đã quyết định đầu tư 30 ha đất để trồng cây Dó bầu (loài cây cho ra trầm hương) từ năm 2002 làm vùng nguyên liệu để nghiên cứu và phát triển nghề trầm hương”. 

khanh-hoa3-1729141579.jpg
Nghệ nhân Phạm Tuấn Anh hướng dẫn cách thưởng trầm cho du khách.

Đưa nghệ thuật thưởng trầm vào phục vụ du khách

Qua trao đổi được biết, ông Phạm Tuấn Anh trước đây vốn dĩ là một người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, ông từng bảo vệ luận án và tốt nghiệp MBA của Đại học Mỹ (chương trình học tại Việt Nam). Tuy vậy, với những hoài bão và ước mơ quá lớn để đóng góp xây dựng nghành trầm hương ông đã khép lại công việc ngân hàng để tập trung vào công việc phát triển trầm hương và chọn vùng đất Khánh Hòa (đất Mẹ của trầm hương) là nơi theo đuổi đam mê của riêng mình. 

Ông Phạm Tuấn Anh tâm sự: “Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Nha Trang – Khánh Hòa và mong muốn đưa ra các sản phẩm mới lạ để phục vụ du khách, mà khi nhắc tới thì người ta có ấn tượng sâu sắc khó có thể nào quên, đã thôi thúc tôi phải xây dựng nên cái gì mới và đặc biệt tại cơ sở của mình. Thế là tôi đã đầu tư 3 gian phòng rộng gần 300m2 để làm nơi uống trà và thưởng trầm khi du khách ghé thăm. Bên cạnh đó, tôi đã xây dựng lên gần 60 các loại sản phẩm khác nhau từ trầm hương như: Nhang trầm với nhiều loại (vòng, nụ, không tăm, thanh trầm, bột trầm, viên nén trầm hương); trầm miếng, trầm cảnh; các loại tượng tâm linh bằng trầm; các loại vòng trầm (cổ, tay); quà lưu niệm từ trầm (móc khóa, vật phẩm trang trí trên ô tô, mặt dây chuyền, nhẫn, hoa tai); rượu trầm hương hay rượu kỳ nam... để cho du khách tha hồ lựa chọn mua làm quà cho người thân và bạn bè”. 

khanh-hoa4-1729141579.jpg
Khu trưng bày và bán các sản phẩm trầm hương tại Hoàng Trầm.

“Đối với nghệ thuật thưởng trầm thì đã có từ bao đời nay, gắn liền với giai cấp quý tộc ngày xưa qua các triều đại phong kiến của nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Và nay tôi muốn tái hiện lại nghệ thuật thưởng trầm này để mang lại trải nghiệm thật là đặc biệt dành cho du khách khi đến với chúng tôi” - ông Tuấn Anh nói thêm.

Chị Diệu My (29 tuổi) du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi thật là bất ngờ đi ghé thăm cơ sở Hoàng Trầm, bất ngờ không chỉ dừng ở cách bài trí và giới thiệu về lịch sử của trầm hương, các sản phẩm về trầm hương mà còn được thưởng thức nghệ thuật thưởng trầm. Có thể nói từ nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên tôi được nghe tới và được thưởng thức. Thật sự có thể nói đây là trải nghiệm vô cùng quý cho bản thân tôi và các thành viên đi cùng đoàn. Qua chuyến đi này về tôi sẽ giới thiệu cho người thân và bạn bè khi có dịp đến với Nha Trang – Khánh Hòa thì phải ghé đến Hoàng Trầm để thưởng trầm mà trước kia chỉ dành riêng cho giới quý tộc”.

khanh-hoa5-1729141579.jpg
Cơ sở Hoàng Trầm đón đoàn du khách từ thành phố Hồ Chí Minh ghé tham quan và thưởng trầm.

Ông Phạm Minh Nhựt – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho hay: “Việc cơ sở Hoàng Trầm đưa nghệ thuật thưởng trầm vào phục vụ cho du khách là điều hết sức tuyệt vời. Đây có thể xem là sản phẩm du lịch độc đáo mang đến cho du khách trải nghiệm thật đáng nhớ khi đến với Nha Trang – Khánh Hòa. Chính những doanh nghiệp luôn sáng tạo đưa ra những sản phẩm mới phục vụ du khách đã góp phần tạo nên thành công rực rỡ cho du lịch tỉnh Khánh Hòa đã cán mốc 9 triệu lượt khách trước 3 tháng trong kế hoạch đón khách năm 2024. Tôi hi vọng trong thời gian tới, các đơn vị kinh doanh điểm đến trong du lịch luôn luôn đổi mới và tạo ra nhiều sản phẩm mới hơn nữa để đáp ứng nhu cầu cho du khách khi đến với Nha Trang – Khánh Hòa”.