Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Về Huế thân thương lặng ngắm nét đẹp cổ kính của lăng vua Tự Đức

Nếu có dịp được đặt chân đến mảnh đất cố đô Huế, hãy một lần ghé thăm lăng vua Tự Đức, một trong những công trình lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa triều Nguyễn. Sở hữu nét kiến trúc cổ kính kết hợp với không gian xanh mát của rừng cây, lăng vua Tự Đức lặng lẽ để lại dấu ấn riêng độc đáo trong lòng bao du khách.

Tọa lạc tại một thung lũng nhỏ thuộc thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng) hiện là một trong số những quần thể lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa triều Nguyễn. Được biết, công trình này được vua Tự Đức cho xây dựng vào năm 1864 với mục đích làm nơi nghỉ ngơi, tiêu sầu và để yên nghỉ sau khi vua băng hà.

Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức đã đặt công trình tên Vạn Niên Cơ. Nhưng sau cuộc khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua đã cho đổi tên thành Khiêm Cung. Mãi sau này khi vua mất thì nơi này được gọi là Khiêm Lăng. Đến nay, lăng vua Tự Đức đã trở thành Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đồng thời lăng còn là di tích lịch sử Việt Nam đầu tiên có mặt trong bảo tàng số hóa 3D thuộc khuôn khổ dự án Google Arts & Culture.

bui08401-1706114655.jpg
Vẻ đẹp đầy thơ mộng tại lăng của vị vua mang tâm hồn thi sĩ.

Đến với lăng vua Tự Đức, du khách sẽ được chiêm ngưỡng gần 50 công trình lớn nhỏ được chế tác kỳ công như hồ Lưu Khiêm, điện Lương Khiêm, lăng mộ vua Tự Đức… Nếu để ý kỹ sẽ thấy tên gọi của những công trình này đều chứa chữ “Khiêm” - mang ý nghĩa là cung kính, nhún nhường - một trong những đức tính được các nhà nho thời bấy giờ coi trọng.

Khi du khách đi qua cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần để vào khuôn viên của lăng vua Tự Đức, bạn sẽ phải trầm trồ trước vẻ đẹp lộng lẫy của các công trình kiến trúc cổ kính trên nền cảnh quan thiên nhiên hữu tình. Trước tiên phải kể đến Hồ Lưu Khiêm - vốn là một con suối nhỏ chảy trong lăng, sau được đào rộng thành hồ để trồng hoa sen tạo không gian thơ mộng và mang lại cảm giác yên bình, dễ chịu cho du khách khi đến đây. 

bui08446-1706103689.jpg
Hồ Lưu Khiêm mang vẻ đẹp trữ tình cũng là nơi du khách đến check-in nhiều nhất.

Đặc biệt, bên bờ Hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, đây là hai công trình nhà tạ hiếm hoi được xây dựng trên mặt nước còn được bảo tồn ở Cố đô Huế ngày nay. Trong đó, Xung Khiêm Tạ là nơi nhà vua chọn để đọc sách, uống trà, ngâm thơ... Còn Dũ Khiêm Tạ là bến thuyền của nhà vua.

bui08381-1706104178.jpg
Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ được xem là kiến trúc độc đáo của quần thể kiến trúc lăng vua Tự Đức nói riêng và quần thể di tích cố đô Huế nói chung.

Đi qua bờ hồ Lưu Khiêm, du khách sẽ đi qua cổng tam quan có tên Khiêm Cung Môn, bên trong Khiêm Cung Môn là điện Hòa Khiêm nơi vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên trái phải là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ mẹ của vua Tự Đức.

z5102893947539-8d2984c2910e1a442c701f8f881c184c-1706106932.jpg
Khiêm Cung Môn, một công trình hai tầng dạng vọng lâu nằm đối diện với hồ Lưu Khiêm.

Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam. Ngoài ra, còn có hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện - chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua.

Rời khỏi khu vực tẩm điện, du khách men theo con đường dẫn đến khu vực lăng mộ. Di chuyển đến Bái Đính, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng hai hàng tượng quan viên văn võ sừng sững. Ngay phía sau là Bi Đình với tấm bia đá nặng hơn 20 tấn khắc bài "Khiêm Cung Ký" do nhà vua soạn thảo. Đây được xem là cuốn tự truyện của nhà vua về chính cuộc đời đầy khổ hạnh của mình.  

bui08416-optimized-1706103591.jpg
Khu vực Bi Đình nhuốm màu thời gian với lối đá rêu phong cổ.

Chưa hết, trong khuôn viên của lăng vua Tự Đức có một khu lăng mộ cổ nằm ngay bên trái lăng mộ vua Tự Đức. Đó chính là Bồi Lăng - lăng của vua Kiến Phúc (1869 – 1884), một trong những vị vua yểu mệnh nhất lịch sử Việt Nam. Khu vực Bồi Lăng bao gồm lăng mộ vua Kiến Phúc và điện Chấp Khiêm, tất cả đều cùng nằm trên một quả đồi, vốn là nơi hóng mát và ngắm cảnh của vua Tự Đức. Đến năm 1884, khi vua Kiến Phúc băng hà, triều đình mới cho làm lăng này và đưa thi hài của nhà vua đến đây an táng.

bui08423-1706105226.jpg
Khu tẩm điện – nơi thờ vua Kiến Phúc nằm trên một ngọn đồi bên trái lăng mộ vua Tự Đức.

Sau khi đã mải mê khám phá những giá trị lịch sử văn hóa thông qua các công trình kiến trúc, hiện vật mang đậm dấu ấn triều Nguyễn, du khách còn được tận hưởng không gian xanh mát với rừng cây bao quanh lăng tẩm. Chính khung cảnh hài hòa giữa cây cối xanh mát, núi non, sông nước hữu tình này sẽ giúp du khách có được những giây phút thư giãn đáng nhớ nhất.

z5103083731818-865e2860929c1a9f7eaab5b155b05d2e-1706110975.jpg
Các lối đi vào tẩm điện và lăng mộ vô cùng thoáng mát.
Bài: Anh Thư - Ảnh: Trường Bùi