Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tham quan điện Kiến Trung, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp uy nghi, tráng lệ nơi cố đô Huế

Sau nhiều năm tu bổ, điện Kiến Trung - ngôi điện quan trọng đặc biệt thuộc hệ thống di tích cố đô Huế đã mở cửa đón khách và thu hút nhiều du khách đến đây tham quan, check-in.
z5497032186465-649305f99687dd4ffa350cf5b0a02c81-1717221369.jpg
Sau thời gian tu bổ, điện Kiến Trung đã mở cửa cho du khách đến tham quan.

Sau gần 5 năm bu tổ, điện Kiến Trung tại Huế đã mở cửa cho du khách đến tham quan. Nơi đây không chỉ mang giá trị lịch sử, kiến trúc và đặc sắc của mỹ thuật mà điện Kiến Trung đã trở thành một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến đây check-in.

Theo tư liệu cũ, nguyên thủy vị trí của điện Kiến Trung là lầu Minh Viễn do vua Minh Mạng xây dựng năm 1827. Tuy nhiên, lầu Minh Viễn đã được triệt giải vào năm 1876 dưới thời vua Tự Đức vì xuống cấp trầm trọng. Đến năm 1913, triều đình của vua Duy Tân đã cho xây dựng trên nền cũ đó một lầu khác theo kiểu mới gọi là lầu Du Cửu.

Dưới thời Vua Khải Đinh, lầu Du Cửu được thay thế bằng một cung điện lớn hơn mang tên điện Kiến Trung. Công trình được xây vào năm 1921 và hoàn thành vào năm 1923, kèm theo hai khối nhà phụ cặp hai bên tòa lầu chính, cùng ba lầu bát giác dựng ở sân trước. Đây là nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung.

z5496473355730-1afcb7e5a332059d31df3c2baf8ab070-1717234851.jpg
 
z5497032177420-1c1130e976e6dd8fc1f2ef46fedd97e4-1717220693.jpg
Giữa cố đô Huế, nơi mà lịch sử, văn hóa đọng lại và tỏa sáng như một “viên ngọc” quý thì điện Kiến Trung là một trong những công trình như vậy.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, điện Kiến Trung hay còn gọi là lầu Kiến Trung, được xây dựng dưới thời vua Khải Định với chữ "Kiến" mang nghĩa dựng lên, thành lập; chữ "Trung" hàm ý ngay thẳng, không thiên lệch. Cùng với di tích điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung là một trong 5 công trình quan trọng nằm trên trục thần đạo của Tử Cấm Thành dưới triều Nguyễn.

Điện Kiến Trung đã được tu bổ tổng thể tường bao nền, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm Tiền Viên và Hậu Viên, các bậc cấp; tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung (Kiến Trung Lâu) 2 tầng, chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 97m2; các công trình nhỏ xung quanh như đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh; bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng.

z5497140153252-f4ae207c2501c8b0649120bdd70c1554-1717222852.jpg
Là nơi chứng kiến một giai đoạn thăng trầm của triều Nguyễn, Điện Kiến Trung không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử mà còn là không gian lộng lẫy thể hiện nét uy nghi, vương giả của đế chế xưa.

Bên trong Điện Kiến Trung được các kiến trúc sư tái hiện không gian mang phong cách phương Tây với kiến trúc baroque cùng nội thất có chi tiết mạ vàng. Nơi đây còn được trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sử dụng để trưng bày các cổ vật quý giá liên quan đến hoàng gia thời nhà Nguyễn như thường phục hàng ngày của vua Khải Định, chiếc giày thêu rồng vàng của hoàng thái tử Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại, Kiệu vua, tủ khảm ốc xà cừ, trấn phong… 

z5497032185995-086346696e3f6aea03d11e2a32a6effb-1717224149.jpg
z5496473332099-e4e917758b7c5c5ab37852d0f96f7e0e-1717235123.jpg
Tham quan, thưởng lãm điện Kiến Trung, du khách có cảm giác đang hòa mình vào không gian của ngày xưa cũ.

Đây được xem là công trình kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc Pháp, kiến trúc Phục hưng của Ý và kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Tầng chính điện Kiến Trung có 13 cửa hiên (gian giữa 5 cửa; hai gian bên mỗi gian 3 cửa; hai góc điện mỗi bên 2 cửa nữa làm nhô ra); tầng trên là gác, làm cùng một thể thức như tầng chính. 

Với những giá trị độc đáo của kiến trúc cung đình thời đại mới, Kiến Trung Lâu là đại diện cho mỹ thuật cung đình Việt Nam trong xu hướng giao lưu văn hoá với phương Tây, vốn biểu hiện ở nhiều nước Đông Á đầu thế kỷ 20.

z5496473328899-7a7ac851cb46edd632719b8443d3b533-1717234850.jpg
 
z5497032162821-d136e6ac6d527290c4dfc561ee058748-1717224752.jpg
Điện Kiến Trung được xem là công trình kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc Pháp, kiến trúc Phục hưng của Ý và kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Hiện tại Điện Kiến Trung có khung giờ mở cửa từ 6h30 đến 17h30 hàng ngày. Điện Kiến Trung nằm bên trong đại nội Huế nên du khách khi ghé thăm quan tại đây sẽ áp dụng theo mức vé của Đại Nội Huế. Với giá vé người lớn là 200.000 đồng/người và trẻ em có chiều cao dưới 1,3m là 40.000 đồng/người. 

z5496473359155-3c21409f74559222ce0f4c927f24f40a-1717234851.jpg
 
z5497032177630-7637c427ae80c1788f74bed8ea0e502f-1717224724.jpg

Điện Kiến Trung là một trong những cung điện nằm trong quần thể di tích Đại Nội Huế nên khi đến đây du khách còn có thể tham quan, check-in rất nhiều khu vực kiến trúc đặc sắc khác như: Ngọ Môn Huế, Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ,… Ngoài ra, du khách cũng đừng quên dành thời gian thưởng thức nhiều món ngon của ẩm thực cung đình Huế khi du lịch cố đô. 

Bài: Q.H - Photo: Nguyễn Xuân Thao - Model: Hồng Quế