Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tất tần tật kinh nghiệm khám phá địa đạo Củ Chi

Trước đây, địa đạo Củ Chi là nơi trú ẩn của dân quân ta và là trung tâm tổ chức các hoạt động quân sự. Ngày nay, địa đạo Củ Chi đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi đến tham quan.

Địa đạo Củ Chi là một hệ thống địa đạo nằm tại huyện Củ Chi, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 70km. Đây là một trong những di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam, nổi tiếng với mạng lưới hầm ngầm phức tạp, đã trở thành biểu tượng cho tinh thần kháng chiến và sự sáng tạo của quân, dân miền Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, địa đạo Củ Chi đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Đến đây, du khách có thể tham quan các đoạn hầm được bảo tồn, xem các hiện vật và tái hiện cuộc sống của quân dân trong thời chiến. Đồng thời trải nghiệm việc di chuyển trong các đoạn hầm nhỏ hẹp, nếm thử các món ăn đặc trưng thời chiến như khoai mì, xem các phim tài liệu về lịch sử địa đạo.

Di chuyển 

Từ TP.HCM đến địa đạo Củ Chi, du khách có thể sử dụng ô tô cá nhân, xe máy hoặc dịch vụ xe buýt, xe khách.

Ô tô cá nhân hoặc xe máy: Đi từ trung tâm TP.HCM theo hướng Đông Nam, theo đường Quốc lộ 22 hoặc đường Đinh Bộ Lĩnh. Khoảng cách từ trung tâm TP.HCM đến Củ Chi là khoảng 50-60km, mất khoảng 1,5 đến 2 giờ lái xe tùy thuộc vào điều kiện giao thông.

Xe buýt hoặc xe khách: Bạn có thể đi xe buýt hoặc xe khách từ trung tâm thành phố hoặc các trạm xe buýt lân cận đến Củ Chi. Tuy nhiên, điều này có thể mất thời gian hơn và cần phải tìm hiểu về lịch trình cụ thể của các tuyến xe.

e2f2cf95c9de698030cf7-1716260590.jpg
Địa đạo Củ Chi nổi tiếng với "đặc sản" chui hầm mà ai đến đều phải thử một lần. Ảnh: Y Thanh

Giá vé tham quan 

Giá vé tham quan khu di tích địa đạo là 35.000 đồng/người đối với du khách Việt Nam, 70.000 đồng/người đối với du khách quốc tế. Với hành trình này du khách có thể tham quan các di tích địa đạo, chui hầm theo sự hướng dẫn của nhân viên, xem các thước phim giới thiệu về vùng đất Củ Chi và quân dân ta lúc bấy giờ. 

975040e046abe6f5bfba3-1716260590.jpg
Du khách chiêm ngưỡng bẫy phục kích địch. 

Đặc biệt, du khách có thể thưởng thức đặc sản khoai mì luộc Củ Chi. Những củ khoai mì vàng óng nghi ngút khói được xếp ngay ngắn trên những đĩa sành đầy hoài niệm cuộc sống nông thôn. Vị dẻo, ngọt của khoai đọng lại trong lòng du khách gần xa.  

Với 65.000 đồng, du khách có thể trải nghiệm tham quan khu di tích vùng giải phóng từ A-Z. Vùng giải phóng với diện tích 38,5ha, tái hiện cảnh quan và cuộc sống tại Củ Chi sau khi được giải phóng khỏi quân xâm lược, cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của quân, dân ta trong khoảng thời gian từ năm 1961 - 1972. 

438160651-848809713957664-7311739454036453201-n-1716260798.jpg
Xem phim 3D về trận càn Cedar Falls. Ảnh: ĐĐCC

Đầu tiên, bạn sẽ được xem mô hình sa bàn diễn biến đánh bại trận càn Cedar Falls thời chống Mỹ. Tiếp đó là xem phim mô phỏng 3D trận chiến huyền thoại tại vùng đất thép. 

Sau đó, du khách sẽ được tham quan mô hình không gian làng quê Củ Chi gồm 6 căn nhà tương ứng 6 xã lúc bấy giờ của Củ Chi. Tại đây, tái hiện cảnh tráng bánh, trồng lúa, bắt cá. 

705690389173312d6862-1716260590.jpg
Tái hiện cuộc sống của người nông dân tại Củ Chi xưa. Ảnh: Y Thanh 

Công trình vùng giải phóng tái hiện 3 khoảng thời gian:

Từ năm 1961 - 1964: Giới thiệu về cuộc sống chiến đấu, sinh hoạt, lao động và học tập của người dân, cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong vùng giải phóng Củ Chi.

Từ năm 1965 - 1968: Tái hiện cảnh làng quê tan hoang và cuộc sống đau thương của người dân trong chiến tranh khi bị bom đạn tàn phá.

Từ năm 1969 - 1972: Tái hiện vùng đất Củ Chi khi bị địch ném xuống hàng trăm tấn chất độc hóa học và bom đạn, biến nơi này thành vùng đất trắng hoang tàn, không còn sự sống trên mặt đất mà chỉ còn lại là những vỏ bom đạn, xác máy bay và xe tăng. 

Trong cả hành trình tham quan đều có hướng dẫn viên riêng ở các chặng giới thiệu, hướng dẫn và giải thích về lịch sử, đời sống người dân và cán bộ lúc bấy giờ. 

Đa dạng dịch vụ vui chơi

Bên cạnh tìm hiểu về lịch sử, tại di tích có khu trò chơi đa dạng và hấp dẫn, bao gồm: 

Bắn súng đạn phun sơn: Đây là một trò chơi vận động kết hợp giữa thể thao và yếu tố quân sự. Khi tham gia, du khách sẽ cảm thấy như mình đang hóa thân thành những chiến sĩ thực thụ. 

Mỗi người chơi được trang bị đầy đủ mặt nạ, quân phục, áo giáp và súng. Trò chơi bắn súng đạn phun sơn là một trải nghiệm giải trí không thể bỏ qua khi đến địa đạo Củ Chi với mức độ hấp dẫn cao và đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

434182269-822973339874635-1593726676160572854-n-1716260798.jpg

Bắn súng thể thao quốc phòng: Đây là môn thể thao cảm giác mạnh thu hút nhiều du khách tham gia. Tại trường bắn TTQP, du khách sẽ cảm thấy thích thú khi thử tài thiện xạ của mình. Nếu thích, bạn có thể chọn các loại súng từng được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh. Sau khi được hướng dẫn đầy đủ, bạn sẽ có cơ hội thử sức bắn các bia hình con thú và bia di động.

428615021-800592912112678-5380279650192292482-n-1716260798.jpg

Trò chơi mạo hiểm: Nếu bạn đam mê thử thách và cảm giác mới lạ, hãy đến địa đạo Củ Chi để trải nghiệm những trò chơi "cảm giác mạnh" như đi bộ liên hoàn trên không, đu zipline và nhảy Tarzan sẽ mang lại cảm giác mới mẻ, giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

428610196-800592845446018-4753209541180750733-n-1716260798.jpg

Hồ bơi: Được xây dựng theo kiến trúc riêng biệt, gần gũi với thiên nhiên, có diện tích 150m² cho trẻ em và 500m² cho người lớn. Hệ thống lọc nước tuần hoàn theo công nghệ mới đảm bảo an toàn vệ sinh. Sau những giờ tham quan, du khách có thể ngâm mình trong làn nước trong xanh của hồ bơi để tận hưởng không gian trong lành và thoáng mát.

439831711-843097394528896-4134250206127488160-n-1716260799.jpg
 

Địa đạo Củ Chi không chỉ là một di tích lịch sử quan trọng mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, sự kiên cường và sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Nơi đây đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo quốc tế đến để tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống dưới lòng đất của quân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Y Thanh