Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tạo khác biệt cho du lịch sông nước TPHCM

TPHCM vừa tổ chức thành công Lễ hội sông nước lớn nhất từ trước tới nay, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn du khách gần xa. Đây thực sự là cú hích để du lịch sông nước của thành phố “bay xa”. Tới đây, UBND TPHCM ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TPHCM giai đoạn 2023-2025, trong đó phấn đấu doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm…

Nhiều hoạt động diễn ra tại Lễ hội sông nước TPHCM năm 2023. Ảnh: Hoàng Hùng

Nhiều hoạt động diễn ra tại Lễ hội sông nước TPHCM năm 2023. Ảnh: Hoàng Hùng

Xây dựng bộ thuyết minh, làm mới tour tuyến

Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác du lịch kết nối từ cảng biển với các tuyến đường sông. Phấn đấu tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.

Nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch đường thủy trong giai đoạn 2023-2024 là cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có. Cụ thể, với nhóm sản phẩm du lịch tầm ngắn (tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10km); nhóm sản phẩm du lịch tầm trung (tour trên sông có bán kính từ 10km đến dưới 60km) gồm tuyến du lịch Củ Chi (bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Thanh Đa - sông Sài Gòn - bến Đình, bến Dược thuộc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi); tuyến du lịch Cần Giờ (bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - sông Nhà Bè - sông Lòng Tàu - sông Dinh Bà - sông Lò Rèn - sông Vàm Sát - sông Soài Rạp).

Bên cạnh đó, TPHCM cũng tập trung xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy nhằm cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng về hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn TPHCM; xây dựng bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS.

Tiếp đến, giai đoạn 2024-2025, thành phố đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới, đồng thời tiếp tục phát huy sức hút của khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đối với khách du lịch quốc tế, phát triển các tour về nguồn, văn hóa lịch sử kết hợp thưởng ngoạn sông Sài Gòn, tham quan làng nghề, nhà vườn, khu sinh thái...; tăng cường các dịch vụ du lịch ven sông; đa dạng hóa dịch vụ giải trí trên phương tiện thủy; phát triển khách du lịch đường biển (Cruise)…

Sức hút lớn cần quyết tâm cao

TPHCM có gần 1.000km đường sông và đây chính là lợi thế rất lớn để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch sông nước, thu hút du khách. Hiện tại, TPHCM đang có các sản phẩm du lịch nội đô như tour tham quan Cần Giờ - lá phổi xanh của thành phố, với các chương trình khám phá bằng đường bộ cũng như đường sông, mức giá từ 599.000 đồng/người do Lữ hành Saigontourist, Vietravel, Saco, TSTtourist, Chim Cánh Cụt… tổ chức. Ngoài ra, TPHCM cũng thường xuyên đón các đoàn khách tàu biển từ Đức, Anh, Mỹ, Australia… đến tham quan, vui chơi.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TSTtourist, ngay khi sự kiện Lễ hội sông nước TPHCM diễn ra, nhiều khách hàng quan tâm, gọi điện tìm hiểu về các tour đường sông, nhất là chương trình biểu diễn nghệ thuật…

Ông Mẫn dẫn chứng thêm, cách nay ít ngày, Sở GTVT TPHCM cũng thông tin về việc phát triển các tuyến đường ven sông, “đánh thức” vẻ đẹp sẵn có của sông Sài Gòn, kết nối vùng, phát triển kinh tế TPHCM với các tỉnh thành. Sở GTVT TPHCM đang phối hợp cùng Sở QH-KT TPHCM rà soát lại hướng tuyến, đảm bảo tính khả thi, trong đó thống nhất quan điểm các tuyến đường ven sông sẽ bám theo bờ sông Sài Gòn.

“Các thông tin liên tiếp về phát triển du lịch sông nước TPHCM khiến những người làm du lịch chúng tôi cảm thấy được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực. Có đường ven sông giúp dịch vụ ven bờ phát triển thuận lợi; xe ô tô, xe du lịch có bãi dừng; có thêm bến thuyền, tàu, cầu cảng, khu bán hàng lưu niệm, nhà hàng ven sông, nhà vệ sinh... góp phần kích hoạt du lịch sông nước, tạo điểm nhấn cho du lịch TPHCM”, ông Nguyễn Minh Mẫn nhận định.

Ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore, Pháp,... du lịch đường sông luôn thu hút sự quan tâm của du khách. Điển hình tại Thái Lan, khách rất thích thưởng thức ẩm thực trên thuyền ngắm sông Chao Phraya ở BangKok… Hay tính riêng lễ hội té nước Songkran ở quốc gia này đã thu hút hàng tỷ USD mỗi năm (thời điểm trước dịch Covid-19).

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc điều hành Công ty CP Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt, đánh giá, lợi thế sông nước của TPHCM rất lớn, nhưng vẫn chưa khai thác hiệu quả vì nhiều lý do. Trong đó, yếu tố quan trọng chính là phải đẩy mạnh quảng bá, truyền thông điểm đến; xây dựng bến tàu đón khách; sự liên kết chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan chức năng; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, kênh rạch…

Phấn đấu doanh thu đạt hơn 300 tỷ đồng/năm

Theo kế hoạch phát triển du lịch đường thủy, số lượng khách du lịch đường thủy đến TPHCM năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500.000 lượt khách/năm và tăng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% những năm tiếp theo. Số lượng khách quốc tế bằng đường tàu biển đến thành phố trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100.000 lượt khách và tăng 12-15% những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng 12% những năm tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố.