Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Quảng bá điện ảnh: Cần sự chung sức, hợp tác chủ động

Dạo gần đây mọi người quan tâm thông tin về những bộ phim quay tại Việt Nam và thường nói rằng tại sao các đạo diễn Việt Nam không tận dụng các cảnh quay đẹp để quảng bá hình ảnh quê hương mình. Một câu hỏi khó trả lời.

Một thực tế, mỗi năm vài bộ phim nước ngoài quay ở Việt Nam. Nếu phim có hiệu ứng thì cũng “gặp may” và chưa đo đếm hay lượng tính tác động của nó giúp phát triển kinh tế và du lịch thế nào?

Ai cũng biết Thái Lan hay các quốc gia khác có rất nhiều phim nước ngoài đến quay mỗi năm, nhiều hơn ở Việt Nam nhưng hiệu ứng cũng không có gì quá to lớn. Nếu ngành điện ảnh tại quốc gia đó không có tính chủ động để cân bằng điện ảnh nội địa phát triển ra bên ngoài. Một đất nước như Việt Nam đầy ắp vẻ đẹp và phong phú từ văn hoá đến con người thì không nên chờ vào vận may của một vài phim điện ảnh từ bên ngoài.

fb-img-1684384615562-1684385000.jpg
Đạo diễn Lương Đình Dũng

Vậy câu hỏi: Các đạo diễn Việt Nam có đủ tầm làm phim để chiếu ra nước ngoài ngang ngửa với các đạo diễn nước khác không? Tôi tin là đạo diễn Việt Nam làm được điều đó. 

Tôi đã từng quay 2 bộ phim “Cha Cõng Con” và “578” đều khai thác những cảnh đẹp của Việt Nam và được chiếu ở quốc tế, thông qua đó chúng tôi mong muốn quảng bá điện ảnh và cảnh đẹp du lịch Việt Nam. Nhưng gần như không có sự ủng hộ nào của các khu du lịch, các địa danh vẫn phải trả tiền như dịch vụ. Hiếm hoi mới có được sự ủng hộ của Lãnh đạo một số tỉnh. Hiếm lắm! Thâm chí bối cảnh quay xong, ngôi nhà đó để lại cho khách du lịch vãng lai đến trú ngụ được ít hôm cũng thành củi.

t6-1684385734.jpg
Phim trường Kong: Đảo đầu lâu - một bom tấn Hollywood từng quay ở Việt Nam khai thác du lịch được ít lâu rồi lại bỏ

Khi phim 578 được chiếu tại 2 liên hoan phim lớn ở châu Âu, chúng tôi miệt mài và đầy hứng khởi gặp tỉnh, gặp Sở xin phối hợp để cùng quảng bá du lịch với bạn bè quốc tế. Chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Sở không có kế hoạch quảng bá trong phim. Vậy tại sao các nhà làm phim Việt lại bị trách là không tận dụng cảnh đẹp, địa danh của Việt Nam? Chúng tôi có cơ hội, chúng tôi muốn làm cũng không phải dễ dàng.

Nhiều ngành nghề đặc trưng của Việt Nam mơ ước được quảng bá các sản phẩm của mình qua các bộ phim ra quốc tế như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... Vậy sao ngành cà phê, nước mắm... không nắm thế chủ động đầu tư vào một vài bộ phim phát hành quốc tế, đó là thế chủ động hoàn toàn và không chờ ăn may, sự thật đôi lúc tiền đầu tư một bộ phim không bằng một chiếc xe ô tô. 

ngay-nao-ngan-cung-cho-ha-lan-e-mong-16km-nen-nang-moi-chon-dung-2462c7b3-1684393537.jpg
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim hiếm hoi có sự chủ động vào cuộc quảng bá cảnh đẹp, điểm đến từ đầu

Tôi cũng biết, mục đích của điện ảnh không phải là để quảng bá, nhưng tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng: "Tổng doanh thu từ bộ phim Jurassic Park của Mỹ còn cao hơn doanh thu của việc bán 1,5 triệu chiếc xe ô tô Huyndai".

Tôi cũng không rõ ngành điện ảnh Việt Nam được đầu tư bao nhiêu tiền mỗi năm, nhưng tôi nghĩ rằng nó quá ít ỏi để làm ra những bộ phim đủ sức quảng bá và ảnh hưởng ra nước ngoài. Vậy ngành điện ảnh có ước mơ cũng khó làm được gì! Còn chúng tôi những nhà làm phim khát vọng được làm những điều ấy cũng không thể. 

cksy1rrp3chh8ocl0rmgwapkpe1-1684393800.jpeg
Điện ảnh Việt cần chủ động quảng bá bằng nội lực, bên cạnh khai thác sự giúp đỡ từ những hãng phim như Netflix.

Tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, cả thành công và thất bại để chia sẻ điều này như một phần tâm tư của tôi cũng như nhiều nhà làm phim Việt Nam. Tôi muốn khẳng định rằng, đạo diễn Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm được những bộ phim lớn tầm cỡ và ngang bằng các nước trong khu vực và như nhiều quốc gia.

Bởi bên cạnh chúng tôi, bạn bè tôi, các nhà làm phim quốc tế lớn ở nhiều quốc gia sẵn sàng phối hợp với tôi làm những bộ phim Việt đặc biệt. Thế giới phẳng, sự kết hợp các nhà làm phim nhiều nước với nhau là cách nhanh và hiệu quả để đốt cháy giai đoạn của ngành điện ảnh nhiều quốc gia.

Lương Đình Dũng (đạo diễn)