Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chú Bảy "mặt nạ": “Dù tương lai có giàu tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này”

Đó là chia sẻ của chú Bảy "mặt nạ" (tên thật là Nguyễn Đắc Duy) - người gần 30 năm rong ruổi trên chiếc xe đạp cùng những chiếc mặt nạ mang đậm nghệ thuật dân gian.

Nếu đi trên đường vô tình nhìn thấy một chiếc xe đạp cũ, trên đó treo những chiếc mặt nạ với đủ màu sắc và hình dáng khác nhau. Thì đó chính là gian hàng di động của chú Bảy "mặt nạ".

Làm mặt nạ để nhớ về nghề hát bội dân tộc

untitled-design-1-1698224954.jpg
Chú Bảy "mặt nạ" (tên thật Nguyễn Đắc Duy) đã bán mặt nạ gần 30 năm. Ảnh: Phúc Nguyễn

Sinh ra tại mảnh đất Bình Định (nơi nghệ thuật hát bội khá phổ biến), chú Bảy từ niềm yêu thích với nghệ thuật hát bội, đã nảy sinh niềm yêu thích với các mặt nạ của nghệ sĩ mang trên sân khấu. Khi vào Sài Gòn lập nghiệp, vì thương nhớ loại hình nghệ thuật ấy nhưng lại không thể xem được nên chú Bảy đã quyết định tự mày mò và tạo hình những chiếc mặt nạ. Chú làm mặt nạ vừa để thỏa niềm nhớ nhung bộ môn nghệ thuật của quê hương, vừa để mưu sinh qua ngày. 

Có thể gọi chú Bảy chính là người duy nhất tại Sài Gòn tự sáng tạo nên những chiếc mặt nạ hát bội. Bởi lẽ, người nghệ nhân ấy chưa từng học qua một lớp vẽ hay được thầy truyền nghề. Mà tất cả những chiếc mặt nạ chú bán từ mấy chục năm nay, đều do chú tự mày mò học hỏi thông qua sách, báo… rồi từ đó tạo hình nên các tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.

untitled-1200-x-1000-px-2-1698225300.jpg
Những chiếc mặt nạ có giá dao động từ 185.000 đồng – 300.000 đồng/cái, tùy theo kích cỡ và hình dáng. Ảnh: Phúc Nguyễn

Hàng ngày chú Bảy cùng chiếc xe đạp cũ kỹ của mình rong ruổi trên khắp các con phố trung tâm thành phố để bán mặt nạ. Chú chia sẻ: “Dù biết đi xe máy sẽ tiện lợi hơn, nhưng vì tôi đã quen với việc đạp xe, đồng thời khi di chuyển bằng xe đạp, khách qua đường có thể ngắm nhìn dễ dàng hơn những chiếc mặt nạ”.

Chính vì thế, chú hay ví von gian hàng di động của chú là “nghệ thuật tuồng di động” ở Sài Gòn. Cũng từ chiếc xe đạp ấy, bộ môn nghệ thuật truyền thống như được đồng hành cùng chú Bảy “lưu diễn” khắp các con phố tại Sài Gòn.

Bí quyết để tạo ra mặt nạ chất lượng là sự đam mê

untitled-1200-x-1000-pxv1-1698225552.jpg
Những chiếc mặt nạ như được thổi hồn qua quá trình chế tác của người nghệ nhân. Ảnh: Phúc Nguyễn

Chú Bảy chia sẻ, để tạo ra một chiếc mặt nạ, phải trải qua khá nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Đầu tiên, người thợ phải tạo ra một khuôn mặt thô bằng bột đá và poly, sau đó phải chà cho láng mịn để khi vẽ sẽ đảm bảo đẹp và sắc nét. Tiếp đến, người thợ sẽ dùng sơn dầu vẽ lên các họa tiết hoa văn lên chiếc khuôn thô. Cuối cùng mới mang phơi khô để ra sản phẩm.

Tất cả các công đoạn ấy tuy nghe qua có vẻ đơn giản thế nhưng mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và thạo nghề của người nghệ nhân. Chỉ cần một sai sót dù là nhỏ cũng sẽ làm hỏng cả một sản phẩm.

untitled-1200-x-1000-px-3-1698225621.jpg
Ban đầu chỉ có duy những chiếc mặt nạ các nhân vật hát bội, sau vì thị hiếu khách hàng, chú Bảy đã sáng chế thêm các nhân vật khác. Ảnh: Phúc Nguyễn

Nhưng điều đặc biệt để làm nên chiếc mặt nạ chất lượng không chỉ là thực hiện đủ các bước, mà quan trọng là nghệ nhân phải đặt cái “tâm” và niềm “đam mê” vào mỗi chiếc mặt nạ mình tạo ra. Chú Bảy chia sẻ: “Bí quyết để làm được nghề này, quan trọng nhất là niềm đam mê của mình với nghề. Bởi lẽ, nếu chỉ làm cốt chỉ làm cho có mà không đặt cái tâm và đam mê của người làm vào sản phẩm thì những chiếc mặt nạ ra đời sẽ không có hồn và kém sống động”.

“Bất cứ cái nghề nào, không chỉ riêng nghề làm mặt nạ này nếu mình hết lòng vì nó, nghề sẽ tự dạy cho mình và mình sẽ giỏi nghề nếu tử tế với nó” - chú Bảy nói thêm về tầm quan trọng của niềm đam mê khi làm nghề.

Mỗi chiếc mặt nạ là một tác phẩm nghệ thuật

untitled-1200-x-1000-px-41-1698225741.jpg
Mỗi chiếc mặt nạ được làm ra đều tương ứng với một nhân vật trong tuồng tích hát bội với tính ước lệ nghệ thuật cao. Ảnh: Phúc Nguyễn

Những chiếc mặt nạ của chú Bảy tạo dấu ấn đặc biệt, bởi ngoài độ sống động của nó, thì mỗi chi tiết từ đường nét hoa văn đến màu sắc phủ lên đều mang một ý nghĩa riêng. Dù không phải là một nghệ sĩ hát bội, nhưng với vốn sống và sự tìm tòi học hỏi không ngừng của mình, Chú Bảy có thể kể vanh vách những nhân vật trong tuồng hát bội, được mình thể hiện lên những chiếc mặt nạ và câu chuyện gắn liền với nhân vật ấy từ Cơ Phát, Hạng Vũ, Tào Tháo,...

Mỗi chiếc mặt nạ được làm ra đều tương ứng với một nhân vật trong tuồng tích hát bội với tính ước lệ nghệ thuật cao. Đồng thời, mỗi màu màu sắc trên mặt nạ còn là thể hiện sắc thái và tính cách của nhân vật. Ví dụ màu vàng thể hiện người nhân hậu, màu đỏ của người nóng tính, chính trực, màu đen thể hiện tính cách liêm chính,…

Theo người nghệ nhân này, khi làm ra mỗi chiếc mặt nạ đại diện cho một nhân vật nào, thì bản thân chú phải hiểu rõ về câu chuyện và nhân cách của nhân vật ấy. Có như thế khi tạo tác nên nó ta mới có thể thổi hồn vào từng tác phẩm thật sống động.

untitled-1200-x-1000-px-51-1698225841.jpg
Mỗi màu màu sắc trên mặt nạ còn là thể hiện sắc thái và tính cách của nhân vật. Ảnh: Phúc Nguyễn

Đối với chú Bảy, việc tạo tác những chiếc mặt nạ không chỉ để kiếm sống mà còn giống như đang sáng tác những tác phẩm nghệ thuật. Thế nên khi hỏi về tương lai của mình với nghề làm mặt nạ độc đáo này, chú Bảy chỉ cười và nói: “Đối với tôi, mỗi ngày cầm cọ vẽ lên từng chiếc mặt nạ và rong ruổi cùng chúng là một niềm vui. Cái nghề này vừa dùng để kiếm sống, nhưng cũng vừa là đam mê, dần dà nó trở thành cái "nghiệp" của mình. Vậy nên, dù tương lai có giàu lên, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm nghề này đến khi không còn sức khỏe”.

untitled-1200-x-1000-px-61-1698225956.jpg
Làm mặt nạ không chỉ là công việc mưu sinh đơn thuần, mà với chú Bảy nó còn là đam mê của cả cuộc đời. Ảnh: Phúc Nguyễn
untitled-1200-x-1000-px-7-1698226024.jpg
Chú Bảy "mặt nạ" trên hành trình mang nghệ thuật truyền thống qua gian hàng di động của mình. Ảnh: Phúc Nguyễn

Gần 30 năm cùng gian hàng di động rong ruổi trên khắp phố phường, chú Bảy "mặt nạ" như mang nghệ thuật hát bội của quê hương lan tỏa đến mọi người. Hy vọng rằng, người nghệ nhân ấy sẽ luôn tràn đầy nhiệt huyết trong chuyến hành trình lan tỏa những giá trị nghệ thuật thông qua những chiếc mặt nạ do tự tay mình tạo ra.
 

Bài và ảnh: Phúc Nguyễn