Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Khẳng định vị thế, chinh phục những công trình đẳng cấp

Hoàng Như Yến là một trong những doanh nhân trẻ nhận được nhiều chú ý của công chúng bởi câu chuyện khởi nghiệp với công ty xây dựng, thiết kế nội thất và thi công - một lĩnh vực nhiều người đều nghĩ chỉ dành cho phái nam.

Sau thời gian học hỏi và rèn luyện, Hoàng Như Yến đã tự bước trên đôi chân của mình và càng làm càng say mê. Ngắm nhìn những "đứa con tinh thần" từ khi chỉ là bản vẽ thiết kế đến thực tế lựa chọn vật liệu, quản lý giám sát... thành công trình hoàn thiện, nữ doanh nhân không...

z4945353738960-418fc6a509ef4ec687ad425f6f55de07-1701769917.jpg
Doanh nhân Hoàng Như Yến.

Chào chị, cơ duyên nào đã đưa chị đến với lĩnh vực xây dựng hoàn thiện thi công, thiết kế nội thất - một lĩnh vực khi nghe đến đã thấy mạnh mẽ, có vẻ như dành cho phái nam nhiều hơn?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Tôi đến với nghề này như một cái duyên. Trước đó tôi học kinh tế, ra trường làm xây dựng rồi tiếp tục theo học mỹ thuật. Ban đầu tôi được một công ty về kiến trúc, nội thất mời về làm việc. Càng theo nghề tôi càng đam mê, khao khát được chinh phục những công trình đẹp hơn, hiện đại hơn.

Bố làm mộc nên tôi được tiếp xúc với gỗ - một vật liệu quen thuộc trong ngành, từ nhỏ. Lúc đi học, tôi là người cá tính, năng động và được thầy giáo khuyên nên đi theo một ngành nào đó phù hợp với tính cách, ít sự cạnh tranh với giới nữ nên quyết định chọn xây dựng, nội thất.

Sau 5 năm đi làm, tôi mở công ty riêng. Thời điểm đó tôi có kiến thức về nền tảng kinh tế và có kinh nghiệm cả trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế nội thất nên chấp nhận thử thách để khởi nghiệp. Thật sự khi đi làm rồi tôi mới nhận ra rằng đây là ngành khá phù hợp với nữ giới chứ không phải như mọi người "đóng đinh" dành cho phái nam. Ngành này cần cả kiến thức về nghệ thuật lẫn kỹ thuật, kinh doanh nên nữ giới có sự khéo léo, linh động.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng suy nghĩ phụ nữ làm sao có thể leo giàn giáo, đi công trường đã ăn sâu vào tiềm thức của số đông. Tuy nhiên lúc tôi vào nghề, từ lên ý tưởng, thuyết phục khách hàng, chọn vật liệu, thi công... hoàn toàn không có ranh giới phân biệt nam - nữ. Điều quan trọng nhất là có một người đứng đầu đủ bản lĩnh để những người xung quanh nể phục, tin tưởng đi theo. Khi đi làm chúng tôi có thể ăn ngủ cùng công trình, leo giàn giáo... thậm chí sức bền, sự dẻo dai của chị em còn hơn nam giới.

2-1701768449.jpg
Doanh nhân Hoàng Như Yến là người phụ nữ cá tính, năng động.

Trong quá trình khởi nghiệp, chị đã trải qua những khó khăn, thách thức như thế nào? Và đã bao giờ chị gặp khó khăn đến mức gần như bỏ cuộc chưa?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Thời điểm ban đầu, cả 3 yếu tố là kiến thức, tài chính, mối quan hệ tôi đều không có, chỉ là con số 0. Đây là rào cản rất lớn khiến tôi lo lắng. Thế nhưng lúc đó tôi nghĩ mình đã đi làm 5 năm, nếu cứ tiếp tục như vậy tôi vẫn mãi chỉ là một nhân viên kỹ thuật bình thường, thu nhập bình thường, không có tiếng nói để bảo vệ "đứa con" của mình.

Vì thế khi đó tôi "đâm lao thì theo lao" và công ty KPY của tôi được thành lập. Sau một thời gian, công ty có những khách hàng đầu tiên, chính là người đã từng hợp tác ở dự án trước đó. Đây cũng là những người đề nghị, thôi thúc tôi mở công ty riêng và tin tưởng giao dự án.

Ban đầu công ty hoạt động dưới một studio, chỉ nhận thiết kế, không thi công. Công ty tôi luôn làm việc theo nguyên tắc tất cả các hạng mục, chi tiết dù là nhỏ nhất cũng luôn là thứ có giá trị cao nhất chứ không được làm qua loa, hời hợt. Càng về sau công ty càng nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của các chủ đầu tư. Khi được động viên, tôi nhận ra rằng chỉ có mình mới hiểu rõ nhất thiết kế, công trình của mình cần gì, có thể thay đổi linh hoạt như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế ở công trường. Chính vì thế, cả nhóm quyết định dấn thân vào phần thi công sau hơn 1 năm mở studio thiết kế. Thời điểm này, tôi định hướng công ty là thương hiệu tự may tự đo, không sao chép, không mua từ bên ngoài để lắp ghép. Hầu như 90% công trình của công ty là tự thiết kế, tự thi công.

9-1-1701768710.jpg
Doanh nhân Hoàng Như Yến với nghề thiết kế nội thất và thi công.

Theo chị, một nữ lãnh đạo trong ngành xây dựng, thiết kế thi công, nội thất cần phải có cách điều hành linh hoạt mang tính đặc thù ra sao?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Tôi đã từng có cổ đông chung ở công ty nhưng về sau tôi nhận ra rằng bất kỳ một cái gì liên quan đến kinh doanh cũng nên chỉ có một người duy nhất đặt kim chỉ nam, ra quyết định cuối cùng và không ai được quyền can thiệp vào sự chỉ đạo đó ngoài người dẫn đầu. Điều này rất quan trọng bởi nếu không làm được tổ chức sẽ bị chia rẽ. Tôi đã có rất nhiều bài học xương máu kể cả trước khi khởi nghiệp.

Làm kinh doanh, nhất là ngành kiến trúc nội thất sẽ phải linh hoạt, tìm hiểu về kiến thức thị trường, kiến thức vật liệu, xu hướng thiết kế, đi nhiều để học hỏi cập nhật... Ở đây cũng như một ngôi trường, ai cũng sẽ phải học không ngừng nghỉ. Đặc biệt, tôi thấy ngành kiến trúc nội thất ở Việt Nam đang đi sau xu hướng thế giới nên bản thân vẫn phải luôn cập nhật liên tục, không có giới hạn.

Chị áp dụng hoặc có nguyên tắc như thế nào trong quản lý công việc cũng như truyền cảm hứng cho nhân viên?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Công việc của chúng tôi phải làm việc nhóm, nếu không phối hợp được tốt thì công trình sẽ không bao giờ hoàn thiện mà chỉ là những mảnh ghép rời rạc. Trong quá trình làm việc, mọi người trong công ty sẽ phân công theo chức năng nhưng đóng vai trò như nhau, tức là quan trọng ngang nhau, không ai là chủ và không ai là tớ, không có sự phân chia cấp cao cấp thấp mà chỉ có sự trao quyền và tin tưởng. Với người cố vấn, họ sẽ góp ý mang tính xây dựng.

Thiết kế nội thất là ngành sáng tạo, chỉ ai có đủ đam mê, yêu thích, cá tính mạnh mẽ mới có thể theo đuổi được nó. Đôi khi họ gắn bó với công ty, với công việc là vì người quản lý, vì môi trường làm việc chứ không phải vì tiền lương tháng. Mọi người trong công ty tôi rất gắn bó với nhau. Có những lúc chúng tôi ôm nhau khóc ở công trình vì quá vất vả, bị ép tiến độ, điều kiện thi công quá khó khăn vì thời tiết không ủng hộ, mưa suốt 1-2 tháng không ngừng nghỉ, thiếu điện, thiếu nước... Ví dụ trong thời điểm dịch bệnh, yêu cầu làm việc 3 tại chỗ nên không thể mua được vật tư, không thể vận chuyển được, không sản xuất được... Bây giờ nhìn lại chúng tôi vẫn nói với nhau đó là lúc mình vượt khó, vượt ngưỡng. Và lúc vượt qua được những điều đó cả nhóm rất hạnh phúc.

5-1701768877.jpg
Với nữ doanh nhân, thiết kế nội thất là ngành sáng tạo, chỉ ai có đủ đam mê, yêu thích, cá tính mạnh mẽ mới có thể theo đuổi được nó.

Theo chị, một nữ doanh nhân sẽ được và mất những gì?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Đây là một câu hỏi khiến ai cũng phải suy nghĩ rất nhiều. Có lẽ cái được nhiều nhất với tôi là được đi nhiều, gặp gỡ nhiều, trải nghiệm nhiều, học hỏi nhiều và tạo ra được những công trình đẹp và được nhiều người thương, yêu mến.

Còn về cái mất chắc phải kể đến sức khỏe, thời gian chăm lo cho cuộc sống gia đình. Phụ nữ thường là người phải chu toàn cho gia đình, nhưng khi là doanh nhân ở lĩnh vực này thì tôi nghĩ không thể cân bằng được tất cả, sẽ phải đánh đổi, chấp nhận mất một số thứ. Đầu tiên phải kể đến sức khỏe. Rất ít người có sức bền để vừa điều hành công ty, quản lý được tất cả các dự án ở công trường, khảo sát thực tế, xử lý tình huống hay sự cố phát sinh...

Tiếp đó là thời gian cũng rất hạn hẹp vì có quá nhiều thứ cần để tâm. Hơn nữa tôi vẫn làm thiết kế, cần thời gian, không gian riêng để sáng tạo. Tôi vừa làm nghệ thuật vừa làm kỹ thuật, vừa phải đi ra ngoài tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp đồng, đàm phán, điều phối nhân sự và chăm lo đời sống các anh em trong công ty.

KPY thành lập năm 2017, đến thời điểm hiện tại đã đạt được những thành tựu như thế nào? Đâu là điểm tạo nên sự khác biệt để nhận diện thiết kế, công trình của KPY?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Ngay từ những ngày đầu tiên tôi đã đưa ra mục tiêu là theo đuổi phong cách hiện đại, tối đa hóa được công năng cho khách hàng nhưng không kém phần tinh tế sang trọng. Bên cạnh đó, các sản phẩm của chúng tôi đều là hàng "may đo", luôn sáng tạo, không rập khuôn, tỉ mỉ, kỹ lưỡng với tâm thế biến những điều nhỏ nhất thành những thứ có giá trị cao nhất. KPY muốn mang đến cho khách hàng một không gian làm việc thoải mái, đầy cảm hứng. Đồng thời, định vị sản phẩm của mình giống như một thương hiệu của nước ngoài, sử dụng những vật liệu thực sự chất lượng mang đến những công trình đẹp, bền vững với thời gian cùng các dự án xanh và thân thiện với cộng đồng. Cũng chính vì thế, KPY dần khẳng định được giá trị, chỗ đứng của mình, được khách hàng tin tưởng, yêu mến.

KPY và tôi may mắn có cơ hội được làm với các tập đoàn trong và nước ngoài như công trình Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc Kotra của chính phủ Hàn Quốc, nhà máy cà phê hòa tan của Tập đoàn Marubeni Nhật Bản tại Việt Nam, Hội sở Ngân hàng HD, chuỗi siêu thị Big C – GO của Tập đoàn Central Thái Lan, Cảng quốc tế Long An, các dự án của Tập đoàn Đồng Tâm, tòa nhà Hội sở Tập đoàn Á Châu...

90% khách hàng tin tưởng và quay trở lại với công ty. Tôi cũng có nguyên tắc chỉ nhận các công trình cộng đồng, không nhận dự án nhà cá nhân. Bởi vì những “đứa con tinh thần” của mình là nơi hữu ích, đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều người. Năm đầu công ty có quy mô 4 nhân viên nhưng hiện nay đã phát triển đội ngũ nhân sự lên đến 40 người.

6-1701768959.jpg
Nữ doanh nhân cũng đưa ra nguyên tắc chỉ nhận các công trình cộng đồng, không nhận dự án nhà cá nhân.

Công trình, dự án nào khiến chị nhớ nhất?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Dự án khiến tôi nhớ nhất là Cảng quốc tế Long An, rộng hơn 1.000ha. Đây là một quãng đường rất dài, đến hiện nay vẫn đang trong các giai đoạn thi công những hạng mục tiếp theo. Tôi đã tham gia từ lúc cảng còn là một vùng đất hoang sơ, toàn bùn lầy, đất đá... Lúc làm việc ở đó không có điện, không có nước, cách rất xa TP.HCM, vô cùng khó khăn trong việc mua vật liệu, đưa thợ, thầy xuống công trường...

Chưa kể, thời điểm đó dịch bệnh căng thẳng, làm việc 3 tại chỗ, không được di chuyển giữa các tỉnh. Tất cả mọi người đều ở đó nên chúng tôi phải thiết kế các khu vực văn phòng, ăn uống sinh hoạt của các kiến trúc sư, chuyên gia, nhân viên... Để đi đến giai đoạn như hiện nay là cả quá trình cố gắng, nỗ lực hết sức mình của tất cả mọi người.

Ngoài là một doanh nhân, chị cùng KPY có nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng. Điều gì đã thôi thúc chị cùng toàn thể cán bộ nhân viên đến với các hoạt động này? Nhìn lại hành trình của mình, điều gì khiến chị tự hào nhất?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là được làm các công trình cộng đồng, hoạt động từ thiện. Thời điểm dịch bệnh, tôi đã đóng cửa công ty 1 năm và thực hiện dự án "10 tấn thực phẩm cộng đồng", trao hơn 400 tấn thực phẩm cho bà con ở TP.HCM cùng các tỉnh, thành phố lân cận. Lúc đó, tôi trực tiếp điều hành dự án. Tôi xung phong ở tuyến đầu chống dịch, dùng văn phòng công ty làm nhà kho, dùng xe tải của công ty để làm phương tiện vận chuyển. 

Sau đó, tôi tiếp tục dự án "Nuôi em" và đến thời điểm hiện tại đã nuôi được 5 em nhỏ mồ côi do đại dịch. Chưa kể còn có nhiều hoạt động như tặng nhà tình thương, trao quà, tặng gạo, phát cơm từ thiện…

Không chỉ riêng các công trình mà các hoạt động khác của chị đều hướng đến cộng đồng, xã hội, liệu có lý do đặc biệt nào phía sau?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Thời điểm còn là học sinh, sinh viên, tôi đã rất năng nổ, làm bí thư Đoàn và tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Tôi có cơ hội tham gia một hoạt động hỗ trợ người dân miền Trung bị lũ lụt. Thời điểm đó dù chỉ là một nhân viên đi làm công ăn lương nhưng tôi sẵn sàng bỏ cả tháng lương để đi ra miền Trung. Sau chuyến đi đó, tôi tham gia nhóm cùng các anh chị và định hướng rằng không đợi đến lúc thành công, không đợi giàu, không đợi giỏi mới làm từ thiện mà sẽ làm lúc còn sức khỏe và cơ hội.

Nhiều người cho rằng bao giờ mình giàu, dư dả thì sẽ làm từ thiện nhưng tôi nghĩ chỉ cần mình đủ sức khỏe, đủ quyết tâm thì lúc nào cũng được. Bản thân tôi được rất nhiều người tin tưởng, giao quyền điều hành các dự án từ thiện. Sau dịch, các dự án của tôi vẫn được duy trì, thậm chí hoạt động mạnh mẽ hơn. Sắp tới nhóm chúng tôi sẽ có dự án "Xây trường", sửa chữa các ngôi trường ở vùng sâu vùng xa. Từ năm 2023-2025, nhóm quyết định tập trung vào các dự án liên quan đến giáo dục.

z4945260781894-a1f2bffa5178c879342e1e25a0171913-1701768997.jpg
Trong tương lai, nữ doanh nhân vẫn sẽ tập trung vào kim chỉ nam là các công trình có giá trị cho cộng đồng.

Đó là các dự án về từ thiện, cộng đồng, còn về phía công ty thì sao, chị có kế hoạch như thế nào để thúc đẩy sự phát triển?

Doanh nhân Hoàng Như Yến: Trong tương lai, tôi vẫn tập trung vào kim chỉ nam là các công trình có giá trị cho cộng đồng. Tiếp đó là đi theo slogan của công ty "Vẽ thêm hoa cho thành phố đẹp như lụa". Ngoài ra, công ty cũng sẽ phát triển các dự án công trình xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Một điều tôi mong chờ nữa là sẽ tạo ra môi trường làm việc tốt, chăm lo đời sống, mức thu nhập ổn định cho anh chị em trong công ty. Mỗi người đều là tài sản của công ty và họ phải được làm việc ở môi trường vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
 

Đoàn Hoà