Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đến Phượng Hoàng Trung Đô tỏ lòng biết ơn người anh hùng áo vải

Tuy Phượng Hoàng Trung Đô chưa chính thức trở thành kinh đô, song đó là tâm huyết của vua Quang Trung, cũng là dấu tích thể hiện tầm nhìn và khát vọng của ông về một đất nước hòa bình, thống nhất, phồn vinh.

Kinh thành Phượng Hoàng Trung Đô đang xây dựng thì vua Quang Trung đột ngột qua đời. Sự ra đi đó khiến ngôi thành rơi vào cảnh dang dở. Giờ đây sau hơn 200 năm, thành xưa chỉ còn lại những dấu tích mờ nhạt ở phía Nam TP. Vinh, Nghệ An. Hãy cùng tìm hiểu về địa danh đã được vị anh hùng của dân tộc lựa chọn xây dựng kinh đô này nhé!

Phượng Hoàng Trung Đô - Khát vọng dang dở của vua Quang Trung

Phượng Hoàng Trung Đô hay còn gọi là Trung Kinh Phượng Hoàng thành được xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết, nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Chữ “Phượng Hoàng” là tên một loài chim quý trong truyền thuyết, cũng là tên núi Phượng Hoàng, còn “Trung Đô” nghĩa là kinh đô ở trung tâm đất nước.

img-1715-1696213959.jpg
Toàn cảnh Phượng Hoàng Trung đô nhìn từ trên cao. Ảnh: Hà Thành

Thành Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1788-1792, nương theo địa thế tự nhiên. Về mặt cấu trúc, tòa thành có hai vòng là thành ngoại và thành nội. Thành ngoại có hình thang, chu vi 2.820m, diện tích 22ha, tường thành cao 3-4m, phía ngoài có hào rộng 3m, sâu 3m. Tường thành được xây kết hợp với các vách núi làm lũy tự nhiên. 

Thành ngoại có 3 cửa thành là cửa Tiền (phía Nam), cửa Tả (phía Đông) và cửa Hữu (phía Tây). Thành nội được xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi gần 1.680m, cao 2m, cửa lớn mở ra hai hướng Đông - Tây. Trong thành nội có tòa lầu rộng, cao 3 tầng, trước có bậc tam cấp bằng đá ong, sau có dãy hành lang nối liền với điện Thái Hòa dùng để thiết triều.

Đáng tiếc, tháng 9/1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Thời điểm ấy Phượng Hoàng Trung Đô cơ bản đã hoàn thành nhưng nhà vua chưa kịp dời đô từ Phú Xuân ra Nghệ An. Vua kế vị Quang Trung là Cảnh Thịnh - Nguyễn Quang Toản sau đó không dời đô như lời căn dặn của vua cha Quang Trung mà vẫn đóng ở Phú Xuân. Dần dà, Thành Phượng Hoàng Trung Đô bị quên lãng và trở thành phế tích.

Phượng Hoàng Trung Đô tuy chưa chính thức là kinh đô và có số phận ngắn ngủi, không may mắn. Song đó là tâm huyết của vua Quang Trung và có ý nghĩa lớn trong một khoảng lịch sử biến động của Đại Việt, thể hiện tầm nhìn và khát vọng của vua Quang Trung về một đất nước hòa bình, thống nhất, phồn vinh.

Đền thờ Quang Trung - điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn

Ở chân núi Dũng Quyết hiện nay vẫn còn dấu tích Phượng Hoàng Trung Đô với một số đoạn tường thành, hào nước, nền móng một số công trình kiến trúc. Những cuộc thăm dò khảo cổ đã cho thấy rõ hơn về một tòa thành - kinh đô trong quá khứ.

Đồng thời, nhằm phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử của di tích, thể theo nguyện vọng của nhân dân nhằm tỏ lòng biết ơn vua Quang Trung, năm 2005 tỉnh Nghệ An đã khởi công xây dựng đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết (nay thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh).

b4cdac9c-0859-418c-ab80-ec3d9ed85398-1696214018.jpeg
Đền thờ vua Quang Trung ở thành Vinh. Ảnh: Hoàng Long

Đến ngày 7/5/2008, công trình có ý nghĩa lịch sử này được khánh thành ngay đúng dịp kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô. Ngôi đền được xây dựng tại quê cha đất tổ của vua Quang Trung và nằm trong quần thể di tích Phượng Hoàng Trung Đô - núi Dũng Quyết mang ý nghĩa tâm linh, lịch sử sâu sắc và có giá trị. Để đến được đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên đỉnh núi Dũng Quyết, du khách sẽ đi trên 81 bậc đá theo con đường uốn lượn từ chân núi tới lưng chừng núi.

fbc46ea7-a2e6-4a2a-80c1-734f6fb35e21-1696214060.jpeg
Bước lên theo 81 bậc tam cấp, kiến trúc ngôi đền hiện ra uy nghi bề thế và cổ kính, tiêu biểu cho kiến trúc đền chùa ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Long

Tới cổng tứ trụ, đi thêm một đoạn sẽ tới quần thể kiến trúc đền thờ gồm nhiều hạng mục như nghi môn tứ trụ, gồm một cổng lớn và hai cổng nhỏ đối xứng ở hai bên. Cổng lớn được bố trí 2 tầng 8 mái bằng gỗ lim kiểu chồng diêm, cả 3 cổng đều được lợp ngói mũi hài.

Tiếp đó là tấm bình phong tứ trụ được làm bằng đá có chạm khắc hoa văn. Sau bình phong là 2 nhà bia. Nhà bia phía bên tay phải gồm 1 chuông lớn và bia khắc bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Hoàng đế Quang Trung với lòng tự hào dân tộc. Nhà bia phía bên tay trái gồm 1 trống lớn và bia khắc công trạng vua Quang Trung ghi lại những mốc son chói lọi trong sự nghiệp vĩ đại của nhà vua.

58ed9087-09bc-460e-9684-e8a83c752270-1696214091.jpeg
Đền thờ vua Quang Trung được ví như viên ngọc xanh giữa lòng phố thị. Ảnh: Hoàng Long

Hàng năm, đền thờ vua Quang Trung có 2 dịp lễ quan trọng là ngày 29/7 âm lịch - ngày giỗ của vua Quang Trung, và ngày mùng 5/1 âm lịch là ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Vào những ngày này, du khách thập phương lại đến đây để tìm về những giá trị văn hóa tâm linh, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí tĩnh mịch linh thiêng của ngôi đền.

Giữa thành Vinh ồn ào tấp nập, đền thờ vua Quang Trung được ví như viên ngọc xanh giữa lòng phố thị. Ngôi đền trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách tới thăm xứ Nghệ. Đây không chỉ là nơi tưởng nhớ người anh hùng áo vải của dân tộc mà còn là một chứng tích lịch sử gắn liền với sự nghiệp của vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn.
 

Anh Thư (t/h)