Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chợ đồ cũ Sài Gòn - điểm hẹn của những người đam mê với nghề lạ “mua tiền rách”

Tưởng chừng chẳng còn mấy ai bám trụ với cái nghề “mua tiền rách” này, ấy thế mà tại Chợ đồ cũ Sài Gòn vẫn còn hai người âm thầm duy trì nghề lạ lùng này.

Thời gian gần đây, dường như ta chẳng còn bắt gặp cảnh người chạy xe máy kèm tiếng rao "Ai tiền rách, tiền cũ đổi không?", bởi lẽ việc thanh toán online đang dần trở nên phổ biến nên cái nghề lạ lùng này chỉ còn lác đác vài người bám trụ. Một trong số đó là anh Tuấn và bà Loan - tiểu thương tại chợ đồ cũ Sài Gòn vẫn giữ được công việc này vì đam mê sưu tầm là chính.

Câu chuyện của những người mua tiền rách

Hòa mình vào dòng người tấp nập trong chợ đồ cũ, tôi dạo một vòng để ngắm nhìn từng quầy hàng bày những món đồ độc lạ của các tiểu thương. Đến khi đi lướt qua quầy hàng của một người phụ nữ lớn tuổi, tôi nghe loáng thoáng có tiếng rao "Ai tiền rách bán không?". Vì tò mò nên tôi quyết định quay lại quầy hàng của người phụ nữ này để hỏi cho rõ hơn. 

Được biết bà Kim Loan (60 tuổi - tiểu thương chợ đồ cũ Sài Gòn) đã có hơn 30 năm theo nghề “mua tiền rách”. Mỉm cười nhớ lại thuở còn "chân ướt chân ráo", bà Loan kể: “Mùa hè của 40 năm trước, ba thường chở tôi trên chiếc xe đạp cũ len lỏi vào những ngõ hẻm Sài Gòn để thu mua đồ cũ rồi bán lại. Tuy chúng là những món đồ cũ nhưng ba tôi vẫn xem chúng như báu vật mà cất vào trong túi xốp bởi ông có quan niệm ‘Cũ người mới ta’”.

77e6e197-d9c2-47ca-8dbb-599b656efdca-1696862147.jpeg
Bà Kim Loan (60 tuổi, tiểu thương chợ đồ cũ Sài Gòn) đã có hơn 30 năm theo nghề “mua tiền rách”.

Sau này khi ông già yếu, bà Loan quyết định thay ông cất tiếng rao “thu mua đồ cũ đây” ở tuổi đôi mươi nhằm kiếm kế mưu sinh. Thời ấy do không có vốn tích lũy, bà đành mượn tiền góp theo tháng với lãi suất cao. Vì gánh nặng ấy mà mỗi ngày bà đều đạp xe đến từng quán ăn, nhà hàng, đến các chung cư lớn nhỏ ở TP.HCM để tìm mua đồ cũ rồi mang ra chợ Dân Sinh bán lại cho các tiểu thương.

Bây giờ, mỗi lần đi ngang qua những cung đường như Phạm Thế Hiển sầm uất, chung cư Nguyễn Thiện Thuật hay những ngõ nhỏ ở quận Thủ Đức, bà Loan lại bùi ngùi nhớ về một thời gian khó đã qua.

Nỗi vất vả trăm bề ấy cũng dần được vơi đi khi tiền giấy bắt đầu lưu thông nhiều và thường xuyên xảy ra tình trạng hư hỏng. Lúc bấy giờ, bà Loan mới chợt nghĩ ra thêm nghề "thu mua tiền rách", mang đến ngân hàng đổi để kiếm lời. Từ giây phút đó, cái nghề "thu tiền rách" bỗng chốc trở thành cái nghiệp theo bà Loan đến tận hôm nay.

Theo các nhà sưu tầm đồ cũ, nghề thu mua tiền rách bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ khi tiền giấy được phát hành để thay thế cho tiền xu. Trong quá trình này, nhiều tờ tiền xảy ra tình trạng hư hỏng, mất góc mà người dùng không có điều kiện đến ngân hàng để đổi. Chính vì vậy mà xu hướng thu mua tiền rách bắt đầu nở rộ từ đó.

Đến những năm 2000, cái nghề lạ lùng này mới được nhiều người "theo đuổi" bởi nhu cầu trao đổi của người dân tăng vọt. Khi đó, người làm nghề mua tiền rách thường không ở cố định, họ len lỏi vào từng khu dân cư để tìm người đổi tiền và bà Loan cũng không ngoại lệ.

Lông bông với cái nghề này suốt 30 năm, bà mới có một chút vốn để chuyển từ xe đạp qua xe máy, rồi có một quầy hàng đồ cũ nho nhỏ lại Chợ đồ cũ Sài Gòn. Dù vậy hiện bà Loan vẫn giữ thói quen chạy xe máy dạo qua các khu chung cư, các hàng quán ăn, nhất là tiệm tạp hóa bởi bà Loan kể khách hàng của bà là chủ tiệm tạp hóa khi thường xuyên bị mấy đứa nhỏ "chơi chiêu" lấy tiền rách để mua đồ ăn vặt.

0964a7ed-5a0f-4b88-a719-12d3cf7d1c62-1696862785.jpeg
Ngoài việc mua bán tiền rách, bà Loan còn bán thêm nhiều loại vật phẩm cũ xưa như đồng xu, vòng trang sức, đồng hồ, đá phong thủy...

Được biết, bà Loan chỉ thu mua những tờ hỏng không quá 30%, thường là thuộc trường hợp cháy, mất góc, mất màu. Với những người mua khác, họ sẽ đánh giá tình trạng hư hỏng rồi định giá, còn riêng bà Loan có khung cố định như 200.000 đồng trả 120.000 đồng, 500.000 đồng trả 300.000 đồng. Bên cạnh đó, với những tờ có mệnh giá nhỏ như 1.000-2.000 đồng, bà Loan cũng chẳng chê, bao nhiêu cũng thu. 

"Nhiều khi chỉ có 1.000 đồng-2.000 đồng mà đem ra đổi thì ngại vì quá ít nên nhiều người thường gom thành số lớn rồi gọi mình đến thu mua. Vậy nên với nghề này, 1.000 đồng, 2.000 đồng vẫn rất giá trị", bà Loan nói. Sau một tuần, bà tích được khoảng 1-1,5 triệu đồng sẽ mang đến ngân hàng đổi.

Bên cạnh niềm vui khi được theo đuổi đam mê, cái nghề này cũng có đôi lần làm bà Loan rơi nước mắt. Hai năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Loan quen một cặp vợ chồng già sống thủ thỉ với nhau ở chung cư cũ nằm giữa lòng Sài Gòn. Thỉnh thoảng họ gọi bà đến để bán đồ cũ, đổi tiền rách, dần dà những lời thăm hỏi bâng quơ đã trở thành những mẩu chuyện nhỏ. 

Thế rồi đợt dịch Covid-19 ập đến đã chia cắt tình bạn đẹp giữa họ, đợi khi thành phố gỡ lệnh phong tỏa, bà Loan trở lại chung cư đó nhiều lần nhưng mãi chẳng nghe họ cất tiếng gọi. “Tôi đi hỏi thăm hàng xóm mới biết họ đã mất vì dịch bệnh rồi, khi ấy nước mắt tôi tự nhiên rơi”, bà Loan xúc động nói.

Gác lại nỗi buồn, bà Loan lại tiếp tục với cái nghề lạ lùng mà bà xem như là cả cuộc đời này. “Cứ cuối tuần là tôi lại chạy con xe thong dong từ quận 8 đến quận Bình Thạnh, rồi xếp từng món đồ xưa ngăn nắp trên tấm vải phẳng phiu để chuẩn bị cho phiên chợ. Nó cũng giống như cái cách mà ba tôi đã chăm chút cho từng món đồ mà ông mua được ngày xưa vậy", bà Loan mỉm cười nói.

08f5e7a6-bf01-4d18-92ca-31c61923512b-1696864469.jpeg
Những chiếc vòng mã não với đủ loại kích cỡ và màu sắc được bà Loan sắp xếp ngăn nắp trên quầy hàng

Tương tự, anh Tuấn Anh (34 tuổi, tiểu thương Chợ đồ cũ Sài Gòn) cũng bắt đầu hành nghề ở độ tuổi đôi mươi. Ban đầu anh Tuấn Anh thường đi sưu tầm những tờ tiền cũ, quý hiếm - thứ chứa đựng biết bao thăng trầm của lịch sử, văn hoá của từng thời kỳ. 

Để có được những bộ sưu tập tiền độc lạ, mỗi ngày anh đều xách balo đi lang thang khắp các chợ Dân Sinh, phố Lê Công Kiều, chợ ve chai để hỏi mua từ người dân địa phương, nhiều khách hàng qua đó đề nghị anh giúp họ mua thêm tiền bị mất góc, rách, hư hỏng… Nhận thấy nhu cầu nhiều mà chẳng ai giải quyết, anh Tuấn Anh đã chọn kiêm thêm nghề “mua tiền rách”. 

Sau cùng, trời không phụ lòng người, anh Tuấn Anh đã theo nghề được 15 năm. Từ đó, tên tuổi của anh ngày càng được nhiều người biết đến, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tự chủ động tìm tới khi có nhu cầu trao đổi. Hơn hết không còn gì tuyệt vời hơn khi được “giữ lửa” với những người có cùng đam mê với mình, anh quyết định mở một quầy hàng tại Chợ đồ cũ Sài Gòn.

77cd40a0-2491-47b8-8055-f31f6fc5ee71-1696863429.jpeg
Khách hàng đam mê sưu tập tiền cũ không ai là không biết đến quầy hàng với bộ sưu tập những tờ tiền độc lạ quý hiếm của anh Tuấn Anh tại Chợ đồ cũ Sài Gòn.

“Cứ cuối tuần, tôi lại được chuyện trò cùng khách hàng của mình. Có người trở về từ Mỹ, có người tìm đồng xu Singapore, có người chỉ đến trò chuyện về ký ức tiền cotton một thời. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ lấp đầy niềm đam mê của tôi”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Nói về điều kiện thu mua tiền rách, anh Tuấn Anh cho biết tiền phải còn nguyên vẹn từ 60-70% mới dám mua lại bởi những trường hợp này còn vớt được bằng cách dùng băng keo dán lại, đối với trường hợp tiền bạc màu, bay luôn số seri thì anh chỉ biết từ chối. 

Cũng giống như nhiều người thu mua tiền rách, anh Tuấn Anh sẽ dựa vào mức độ hư hỏng của tờ tiền mà định giá. Ví như tờ 500.000 đồng mà rách đôi, chỉ cần dán lại thôi thì anh sẽ trả 400.000 đồng, mất góc thì 350.000 đồng, còn nặng hơn thì 200.000 đồng, cứ thế giảm xuống. 

0403cd93-8ed5-4839-9331-4f9e77dbaee3-1696863706.jpeg
Anh Tuấn Anh cẩn thận giúp khách bọc lại tờ tiền cũ quý để tránh bị hư hỏng.

Tâm sự về nghề này, anh kể có một tình huống dở khóc dở cười khiến anh nhớ mãi. Buổi trưa hôm ấy có 2 vợ chồng lọ mọ đến tìm anh nhờ thu hồi tờ tiền USD có giá trị lớn đã bị xé toạc làm đôi trong lúc họ cãi nhau. May mắn là trường hợp đó có thể cứu được nên anh đã thu lại bằng 80% giá trị tờ tiền. 

“Tôi theo nghề này chỉ có một nguyên tắc là làm phải thật sự có tâm. Có tâm để hiểu khách hàng, để mỗi lần cầm tờ tiền trên tay, mình biết cách nâng niu và yêu quý chúng”, anh Tuấn Anh cho hay.

Theo anh Tuấn Anh, nghề thu mua tiền rách này gần như biến mất trong 5 năm gần đây do giao dịch trực tuyến đã trở nên phổ biến với mọi người. “Tuy không còn thịnh hành nhưng với người buôn đồ cũ như tụi mình vẫn có gì đó rất vui và hoài niệm", anh Tuấn kể thêm.

Theo thông tư 25/2013 của Ngân hàng Nhà nước, nếu tiền bị rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông (bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ số, nhàu nát, nhòe bẩn, cũ...) hoặc do lỗi kỹ thuật phía nhà sản xuất, người dân có thể đổi ngay tại các đơn vị thu đổi như các chi nhánh ngân hàng.

Nếu tiền bị hư hỏng do quá trình bảo quản thì khi đổi phải theo những điều kiện: tiền cháy, thủng, rách thì phần còn lại phải bằng hoặc trên 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại. Nếu được can dán phải có diện tích tối thiểu 90% so với diện tích tờ tiền cùng loại, đồng thời bảo đảm nguyên gốc, nguyên bố cục, mặt trước, mặt sau, trên, dưới, trái, phải... đồng thời nhận biết được các yếu tố bảo an.

Nếu bị biến dạng, co nhỏ do cháy, diện tích tối thiểu phải bằng 30% diện tích tờ tiền cùng loại và còn giữ nguyên bố cục, đồng thời nhận biết được ít nhất hai trong các yếu tố bảo an: hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, mực không màu phát quang, phát quang hàng số xêri, dây bảo hiểm, yếu tố IRIODIN, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Bài và ảnh: Anh Thư