Giá vé máy bay còn tăng kịch trần nữa không, ảnh hưởng gì tới du lịch?

Nêu thực tế khi người dân phải mua vé máy bay sang Thái Lan rồi từ đó mua vé về Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải trả lời dứt khoát “giá vé máy bay còn tăng đến kịch trần không?”.

Giá vé máy bay cao là vấn đề được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt ra khi phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/5.

“Giá vé máy bay chưa kịch trần theo báo cáo của Cục Hàng không, thế thì còn tăng nữa không và nó ảnh hưởng gì đến du lịch?”, ông Trần Quang Phương đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế người dân từ TPHCM ra Hà Nội phải mua vé qua Thái Lan rồi mua vé máy bay từ Thái Lan về Hà Nội, tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay, không phải mới.

“Tôi đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính phải trả lời dứt khoát, giá vé máy bay còn tăng kịch trần nữa không và ảnh hưởng đến kinh tế, du lịch thế nào? Tôi cảm giác chỗ này không ổn lắm”, ông Phương nhấn mạnh.

img1616-1715576523187912584057-1715583498.png
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nhận định du lịch thời gian qua phục hồi ấn tượng nhờ những điều chỉnh về chính sách, cũng như các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch. Ông Vinh cũng đề nghị chú ý điều tiết giá dịch vụ hàng không.

“Dịp lễ 30/4 và 1/5 cũng như cuối năm vừa rồi di chuyển rất sôi động. Du lich nội địa thu hút khách rất đông, nhưng với những cơ sở phải di chuyển xa bằng hàng không thì gặp khó khăn hơn. Hàng không trong đại dịch có khó khăn, họ phải lo việc của họ, tuy nhiên hai bên nên có sự hợp tác để hiệu quả cao hơn”, ông Vinh nói.

“Xu hướng chung, giá vé máy bay trên thế giới tiếp tục tăng cao”

Giải trình, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết đơn vị này đã chỉ đạo Cục Hàng không đánh giá giá vé của Việt Nam và thị trường quốc tế.

Với Việt Nam, lấy giá vé của Vietnam Airlines giai đoạn vừa qua là 0,08-0,12 USD/km. Tại Thái Lan, lấy đường bay Phuket là 0,1-0,29 USD/km; Trung Quốc lấy giá vé của đường bay Thượng Hải đi Quảng Châu là 0,27-0,3 USD/km. Về mức tăng, ông Huy thông tin bình quân giá vé của Vietnam Airlines so với cùng kỳ tăng 14-20% trên các đường bay.

nguyen-dnah-huy-4968jpeg-1715584802.jpg
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy. Ảnh: Phạm Thắng

Lý giải nguyên nhân tăng giá vé, theo ông Huy, do tăng giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá, vì toàn bộ cấu thành chi phí giá hàng không có 65-70% từ nhiên liệu. Cạnh đó, do thiếu máy bay nên buộc các hãng hàng không phải thuê cả máy bay, phi công nên chi phí tăng cao.

Nguyên nhân khác, ông Huy cho biết do người dân mua vé sát giờ bay. “Theo nghiên cứu của Cục Hàng không và Tổng cục Thống kê, giá vé máy bay nếu mua trước sớm 1-2 tháng sẽ giảm so với mức bình quân, còn mua càng sát ngày giá vé càng cao”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nói.

Với thực tế giá vé may bay ở Thái Lan rẻ như Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn chứng, ông Huy giải thích do Thái Lan vừa qua có chính sách kích cầu du lịch, giảm gần như triệt để các phí hàng không.

“Còn theo xu hướng chung, giá vé máy bay trên thế giới tiếp tục tăng cao”, ông Huy nói.

Dưới 1.000km đi tàu là hợp lý nhất

Trả lời câu hỏi giá vé tăng cao có ảnh hưởng du lịch không, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định là có. Nhưng theo ông Huy, bộ này đã đưa ra giải pháp về tăng cường khai thác vận chuyển đường sắt.

Ví dụ, Hà Nội mở tuyến tàu SE19, SE20 phục vụ chặng Hà Nội - Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh khai thác tàu SE 21, SE22 chất lượng cao chạy từ TP Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, để giải quyết trong tình trạng khan hiếm máy bay thân hẹp.

“Với vận tải hành khách, cự ly dưới 1.000km thì đường sắt vẫn là chi phí hợp lý nhất, còn thị phần trên 1.000km mới là hàng không”, ông Huy nêu.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải hiện nay đã đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có và đầu tư các tuyến đường sắt mới để về lâu dài tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách bền vững và hợp lý nhất. Bộ này cũng ban hành quy định rà soát lại toàn bộ chi phí kê khai giá, yêu cầu tăng các chuyến bay về đêm, dùng máy bay thân rộng trong điều kiện thiếu máy bay thân hẹp.

“Máy bay thân rộng đảm bảo nhu cầu đi lại nhưng chi phí tăng cao vì chỉ thích hợp với tầm bay trên 5.000km trở lên. Bay thân hẹp là hiệu quả nhất nhưng vì thiếu nên phải bay máy bay thân rộng, chi phí có thể tăng cao.

Chúng tôi đã yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí, nghiên cứu giảm các loại phí để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân với mức hợp lý nhất”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thông tin.

Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không cho biết trong 4 tháng đầu năm 2024, giá vé hạng phổ thông trên một số đường bay của hãng hàng không Việt đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức giá vẫn luôn nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành. 

Về ý kiến dư luận cho rằng mặt bằng giá vé máy bay tăng cao hơn năm ngoái, Cục Hàng không xác nhận các mức giá vé hạng phổ thông nội địa của các hãng về cơ bản có sự gia tăng so với cùng kỳ 2023. Mặc dù có sự gia tăng về tỷ lệ phân khúc giá cao, nhưng chiếm phần lớn trong cơ cấu giá vé bán ra của các hãng vẫn ở phân khúc giá thấp và trung bình (từ 60% đến 70% số lượng vé bán ra).

Trên cơ sở khung giá vận chuyển hành khách nội địa, Vietnam Airlines có 17 mức giá, Vietjet Air có 20 mức giá, Bamboo Airways có 12-15 mức giá và Vietravel Airlines có 18 mức giá cho từng chặng bay. Các mức giá này đều không vượt mức tối đa theo quy định.