Du lịch xanh, phát triển bền vững là xu thế tất yếu của du lịch thế giới

Phát triển du lịch xanh, bền vững là xu thế tất yếu của thế giới nhưng hiện nay Việt Nam còn nhiều rào cản, hạn chế, vướng mắc.

Ngày 17/11, tại Vũng Tàu diễn ra diễn đàn "Phát triển du lịch xanh Việt Nam 2023" với sự tham gia của gần 100 đại biểu cùng cơ quan báo chí truyền thông. Diễn đàn nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng và hiến kế các giải pháp tạo đột phá trong phát triển du lịch xanh tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là dịp để chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình du lịch xanh điển hình trên cả nước.

Tính mùa vụ, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến du lịch xanh

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: "Diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn ngành du lịch chung tay triển khai hiệu quả các giải pháp để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch như tinh thần của Hội nghị phát triển du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây.

Du lịch xanh là một cách tiếp cận mới, có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch. Với sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong việc giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sống, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mỗi địa phương".

dulichxanh2-1700236778.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Văn hóa

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng bày tỏ rằng du lịch Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ sau đại dịch. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội cũng thay đổi, sản phẩm du lịch ngày càng hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó công tác xúc tiến, quảng bá cũng được hoàn thiện mang đến bức tranh về một Việt Nam mới mẻ, hấp dẫn thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế.

Bên cạnh các ưu điểm, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng còn có một số hạn chế trong việc phát triển du lịch như quá tải cục bộ, tính mùa vụ, quản lý môi trường,... Đặc biệt, ô nhiễm môi trường cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa đang là trở ngại lớn. Chính vì thế để phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững cần phải coi trọng việc lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch.

Ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cũng phát biểu rằng để phát triển du lịch xanh ở Việt Nam cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, thay đổi nhận thức và hành động. Đặc biệt hành động phải đếm được, định lượng được. Hiện nay du lịch Việt Nam đang theo kiểu "mùa vụ". Tức là có thời điểm tập trung quá đông khách, có thời điểm lại không có khách nên ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều phối. "Khách đông, quá tải thì không thể quản lý được, không thể phát triển du lịch xanh được", ông Trí nhấn mạnh.

Thay đổi nhận thức và hành động để phát triển du lịch xanh

Thời gian qua, có nhiều điểm đến, địa phương tiên phong phát triển du lịch xanh, phát triển bền vững, nói không với rác thải nhựa. Tiêu biểu như Hội An ra mắt mô hình "Khách sạn không rác thải"; Cô Tô áp dụng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch... Các mô hình, quy định này nhằm hướng đến sản phẩm du lịch xanh, tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho sức khỏe nhận được sự ủng hộ của đông đảo du khách.

dulichxanh4-1700236779.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Báo Văn hóa

Tham gia thảo luận tại hội nghị, đại diện của Vietravel bày tỏ du lịch xanh không chỉ là đi đến những điểm du lịch gắn với thiên nhiên, đảm bảo tuyên truyền, giáo dục du khách bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến nét đẹp nguyên bản của thiên nhiên mà còn xoay quanh những giá trị bản sắc cộng đồng cần được gìn giữ, bảo tồn, phát triển. Việc khai thác du lịch sinh thái không đúng cách tác động tiêu cực đến tài nguyên như xáo trộn môi trường của động vật hoang dã; tác động lên thảm thực vật; lượng rác thải tăng; việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng ảnh hưởng đến nét đẹp của thiên nhiên, mất cân bằng sinh thái.

Nhằm phát triển du lịch xanh, Vietravel đã cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu: Câu chuyện người dệt thổ cẩm (Hà Nội - Quang Bình - Hoàng Su Phì - Bắc Hà - Sapa - Than Uyên - Mù Cang Chải); Đáp đền tiếp nối giữ gìn cho mai sau (Đà Nẵng - Huế - Hội An - làng cổ Phước Tích); Về Cần Giờ lắng nghe hơi thở của rừng...

Trong khi đó, ở vai trò là doanh nghiệp lữ hành, Hanoi Tourism JSC đã chủ động định hướng phát triển du lịch xanh ở các lĩnh vực: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch xanh; Đầu tư vào điểm đến, đồng hành cùng người dân địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, cơ sở lưu trú xanh, dịch vụ xanh; Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm xanh, gắn với bảo tồn giá trị văn hóa và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch...

dulichxanh3-1700236778.jpg
Phiên thảo luận phát triển du lịch xanh 2023. Ảnh: Báo Văn hóa

Đại diện các doanh nghiệp cũng bày tỏ để định hướng phát triển du lịch xanh được duy trì và phát huy cần sự vào cuộc của các bên, đặc biệt là vai trò điều tiết và hỗ trợ của nhà nước ở các góc độ sau:

Truyền thông liên tục về định hướng phát triển du lịch xanh đến người dân, du khách. Điều này nhằm mục đích thay đổi suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân, du khách tại các điểm đến.

Hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm để khuyến khích tư duy xanh, hành vi xanh như: ưu đãi về thuế, gỡ bỏ các thủ tục rườm rà, đồng hành cùng cộng đồng cư dân địa phương để phát triển du lịch xanh bền vững.

Quản lý nghiêm và có chế tài xử phạt các đơn vị thiếu trách nhiệm, giả mạo hoặc chộp giật... để bảo vệ lợi ích cho khách hàng, doanh nghiệp chân chính.

Tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng biên tập Báo Văn hóa gửi lời cảm ơn đến các đóng góp, ý tưởng, đề xuất của các cá nhân, đại diện công ty lữ hành. Có thể khẳng định du lịch xanh, tăng trưởng xanh bền vững là xu thế tất yếu của du lịch quốc tế, khu vực, quốc gia và các điểm đến du lịch. Đây cũng là nguyên tắc chung cho phát triển du lịch. Mục tiêu là đến năm 2025, ngành du lịch Việt Nam phục hồi hoàn toàn như đại dịch, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn.

Đoàn Hòa (Tổng hợp)