Du lịch nông nghiệp cần tích hợp đa giá trị, hướng đến trải nghiệm đời sống nông dân và nông thôn

Theo bà Thúy Phượng, du lịch nông nghiệp là một bộ phận của du lịch nông thôn. Khi đó, du khách đến nơi nào đó không chỉ để biết đến quả bưởi, quả nhãn, quả xoài,…. mà đến đó để biết về văn hóa địa phương và cách người nông dân tạo ra nông sản hay sản phẩm OCOP.

Thời gian gần đây, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là xu hướng xu lịch nổi bật nhận được nhiều quan tâm. Đây là xu hướng du lịch chung của thế giới nhằm phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Không nằm ngoài sự phát triển chung này, ngành du lịch Việt Nam cũng có những kế hoạch, hành động, sản phẩm du lịch thiết thực hưởng ứng xu hướng này.

Tại các địa phương, tỉnh, thành trên cả nước, du lịch nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, ngày càng bài bản và chuyên nghiệp hơn, trở thành xu hướng chọn lựa của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khách phương Tây. Họ thích thú khi được trải nghiệm đời sống ở thôn quê Việt Nam, làm vườn, việc đồng áng và trải nghiệm cuộc sống với người bản địa. 

Du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm đời sống người dân

Chia sẻ về xu hướng du lịch nông nghiệp, nông thôn, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - Viện trưởng Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong, thẳng thắn bày tỏ quan điểm. "Theo tôi, du lịch nông nghiệp sẽ không chỉ đơn thuần là đi du lịch để làm nông mà phải là trải nghiệm thú vị từ đời sống nông thôn và sinh hoạt sản xuất của nông dân, chủ thể tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, tạo nên văn hóa vùng đất đó, nhìn rộng ra, hàm ý chính là nông thôn", bà nói. 

dulichnongnghiepdongbangsongcuulon-1710289289.jpg
Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là xu hướng du lịch nổi bật của thế giới.

Với quan điểm này, du lịch nông nghiệp là một bộ phận của du lịch nông thôn. Khi đó, du khách đến nơi nào đó không chỉ để biết đến quả bưởi, quả nhãn, quả xoài,…. mà đến đó để biết về văn hóa địa phương và cách người nông dân tạo ra nông sản hay sản phẩm OCOP. Sự kết hợp này sẽ mang đến những sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn. 

Đặc biệt, bà Thúy Phượng cho biết hiện nay, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang là một trong những vùng nông nghiệp trọng điểm. Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải vừa được triển khai. Từ đây, 1 triệu ha sẽ gắn với du lịch. "Nghiên cứu sâu vào đề án này sẽ thấy lúa trở thành đa giá trị với lúa tôm, lúa cá, lúa sen...Việc hướng đến kinh tế tuần hoàn để chuyển đổi xanh , du lịch nông nghiệp không chỉ đơn thuần là đi đến nơi để xem lúa, xem sen mà hướng đến du lịch có trách nhiệm, du lịch xanh, bà Thúy Phượng bày tỏ.

dulichnongnghiepdongbangsongcuulong4-1710289288.jpg
Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, du lịch nông nghiệp, nông thôn có nhiều điều kiện để phát triển.

Khi tham gia du lịch nông nghiệp, du khách cảm thấy tự hào khi được đồng hành, đóng góp vào kinh tế xanh, giảm khí phát thải, kinh tế tuần hoàn... Thông qua các chương trình du lịch còn nhằm nâng cao văn hóa nông thôn, kéo du khách đến gần hơn với người tạo ra sản phẩm nông nghiệp. Từ đây, người nông dân không chỉ đơn thuần là người sản xuất nông nghiệp, họ trở thành chủ thể mới đóng vai trò vô cùng quan trọng tại các vùng sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa giá trị gắn với dịch vụ du lịch nông thôn.

Để phát triển du lịch nông nghiệp xanh phải nâng cao kiến thức cho nông dân, thúc đẩy văn hóa nông thôn 

dulichnongnghiepdongbangsongcuulong7-1710289287.jpg
Du khách nước ngoài thích thú khi đến thăm sen.

Việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải hiểu rõ trách nhiệm của mình. "Tôi lấy ví dụ ở Tràm Chim (Đồng Tháp), chúng ta phải bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái thực vật đặc hữu phù hợp với sếu đầu đỏ. Muốn như thế, phải nói đến các câu chuyện về nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi xanh và tạo hệ sinh thái phù hợp để sếu quay về. Sản phẩm nông nghiệp ở Tràm Chim và câu chuyện du lịch nông nghiệp ở Tràm Chim cần có sự đồng nhất, chung tay của chính quyền địa phương, ban quản lý khu du lịch, người dân ở khu vực này và cả du khách khi tham gia trải nghiệm", bà chia sẻ.

dulichnongnghiepdongbangsongcuulong8-1710289289.jpg
Họ thích thú tìm hiểu về các công việc, đời sống của người dân nơi đây.

Một trong những chương trình nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển du lịch gắn với văn hóa nông thôn và kinh tế nông nghiệp xanh là Dự án “Đọc sách cùng Xích Lô”. Hiện nay, tại Đồng Tháp có các tủ sách ở thành phố Cao Lãnh, Lấp Vò, Sa Đéc… Từ những kiến thức trong tủ sách, người nông dân đọc và chia sẻ với nhau, mở mang tri thức.

“Ở Sa Đéc có hội quán mang tên Cùng nhau làm du lịch. Những người nông dân làm hoa cảnh nhưng cùng nhau làm nên hội quán về du lịch ở Sa Đéc. Việc này gợi mở cho chúng ta nhận thức và hành động tích cực, thay vì nói mãi những chuyện không tốt chúng ta hãy lan tỏa những chuyện tốt, cách làm hay, tôi tin hạt giống từ đấy sẽ nảy mầm”, bà Thúy Phượng chia sẻ. Ngoài ra, tại Đồng Tháp còn có rất nhiều sản phẩm thủ công từ ngành hàng Sen (một trong năm ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh) như gói quà từ lá sen, sợi sen làm từ thân sen, giấy sen… nhằm giảm phát thải nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.

dulichnongnghiepdongbangsongcuulong11-1710289555.jpg
 
dulichnongnghiepdongbangsongcuulong6-1710289288.jpg
Trải nghiệm thú vị khiến du khách hài lòng.

Để thu hút du khách đến với du lịch nông nghiệp, nông thôn, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng cùng Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong, đã tổ chức nhiều hoạt động như đưa du khách TPHCM về trải nghiệm cung đường sen; hướng dẫn, đào tạo cộng đồng miễn phí để làm nên những món ăn đặc trưng của địa phương; tổ chức chương trình 7 bước đến mùa hè ở Sa Đéc; thử nghiệm đưa giáo dục ngành hàng cá tra vào trường học ở Đồng Tháp giúp các em hiểu thêm các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của địa phương ;...

dulichnongnghiepdongbangsongcuulong3-1710289289.jpg
 
dulichnongnghiepdongbangsongcuulong5-1710289288.jpg
Kết hợp các chương trình học thực tế thành những tour du lịch nông nghiệp, nông thôn.

 "Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong vô cùng hạnh phúc, tự hào khi làm được những điều này. Ngay tại trong tỉnh, các chuyến du lịch nông nghiệp mang tính giáo dục trải nghiệm bởi trong chương trình học của các bạn nhỏ có hoạt động tham gia phát triển kinh tế địa phương, chúng tôi biến các khóa học đó thành các tour du lịch. Hiện nay, chúng tôi đã thành công ở Thành phố Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh và sắp tới sẽ là Thành phố Sa Đéc...", bà Thúy Phượng hạnh phúc bày tỏ.

Với mong muốn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, bà Thúy Phượng hy vọng nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp cùng các cơ quan truyền thông, báo chí.

Đoàn Hòa