Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương với hơn 200 khách tham dự trực tiếp và gần 500 điểm cầu trực tuyến là đại diện các doanh nghiệp tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành, cán bộ quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, các hộ gia đình, nghệ nhân.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Ngô Thị Thu Trang - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường ĐH KHXHNV, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: “Nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng cây gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới. Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới, nhưng chúng ta cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, du lịch xanh và sinh thái hơn”.
Theo bà Trang, một trong những xu hướng hiện nay là phát triển du lịch nông nghiệp. Bởi đây là giải pháp bền vững, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình, đồng thời gắn thêm được tiêu thụ nông đặc sản, nhất là nhóm sản phẩm OCOP. Liên quan tới nông nghiệp, Trường Đại học KHXHNV có hơn 90 đề tài hợp tác, trong đó hơn 50 chương trình được dành cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số đề tài tiêu biểu như phát triển du lịch thông minh ở Bình Dương.
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: "Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP ra đời từ năm 2018 đến nay đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Nhiều sản phẩm OCOP có vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, góp phần thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ”.
Ông Đình Anh cũng cho rằng phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.
Từ góc nhìn của nhà lữ hành, bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam cho rằng, hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Theo đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cần tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách phải làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông lâm thủy sản được tiêu thụ tốt. Khi kinh tế nông nghiệp thành công và các doanh nghiệp lữ hành chung tay, đồng hành cùng các điểm đến nông thôn làm du lịch.
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thông tin, triển khai Quyết định số 922 Thủ tướng Chính phủ ban hành về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT đã triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn.
Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải.
Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải.
Bộ NNPTNT ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp để có những bước đánh giá, rà soát và hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hơn nữa các cơ chế, chính sách, nguồn lực khuyến khích và tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp, nông thôn lan tỏa mạnh mẽ, phát triển bền vững.