Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du lịch học tập tăng cường mối liên kết giữa người học với cộng đồng

Là một trong số những loại hình của du lịch cộng đồng, du lịch học tập đang ngày càng phát triển, mang lại nhiều giá trị quý báu.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, người đã có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực du lịch học tập chia sẻ: “Nếu nhìn thật kỹ, thiên nhiên là kho báu chứa đựng rất nhiều giá trị trên khía cạnh tài nguyên và tri thức mà con người không bao giờ có thể thấu hiểu đến tận cùng. Bởi chính cộng đồng đã sống với thiên nhiên qua hàng nghìn năm, đã học tập và đúc rút ra được rất nhiều tri thức. Và họ đã vận dụng để sống, để tôn trọng và tôn thờ… để trở thành văn hóa.

Ngày nay, trường đại học đào tạo các sinh viên với các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại… nhưng cũng cần phải học văn hóa từ cộng đồng, khám phá những kho báu tri thức, thấu hiểu các giá trị sống và cùng cộng đồng phát huy những giá trị, bảo tồn di sản văn hóa, di sản thiên nhiên…

Khi sinh viên về học tại cộng đồng, người dân trong vai trò là thầy thì họ sẽ càng tự hào, càng khát vọng bảo vệ gìn giữ những giá trị văn hóa, tài nguyên của quê hương.

Ngược lại chính sinh viên cũng cung cấp cho cộng đồng những kiến thức khoa học, công nghệ kỹ thuật hiện đại; và đôi khi cùng với cộng đồng nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều thứ giá trị và ý nghĩa…

dulichhoctap1-1716967949.jpg
Các em nhỏ học về mô hình vườn - ao - chuồng tại nhà ông Nguyễn Văn Hồng, thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Thị Thu Huyền.

Chính sự kết nối đã giúp cho cộng đồng hiểu mình hơn, yêu mến và sống có khoa học; có động lực cho con cái học tập… Du lịch cũng sẽ hình thành và đem lại giá trị kinh tế; sinh kế cộng đồng đa dạng và bền vững hơn. Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng trong những năm qua theo đuổi mục tiêu như vậy và cũng gặt hái được những thành quả từ những điều đơn giản như vậy”.

PGS.TS Võ Văn Minh nói thêm, “Study tour” không còn quá mới mẻ. Nhiều trường ở nước ngoài đã cho sinh viên đến Việt Nam học; một số trường ở Việt Nam cũng có những khóa cho sinh viên ra nước ngoài… Tuy nhiên, qua quan sát, phần nhiều các khóa du lịch học tập của sinh viên đến từ các nước có sự đầu tư bài bản, thời gian tương đối đủ dài, sự trải nghiệm học tập rất thật chất… nên được xem là có hiệu quả cao.

Tuy nhiên các khóa du lịch học tập của một số trường Việt Nam ra nước ngoài thường được người học phản hồi là cần nhưng chất lượng chưa thật nhiều. Phần nhiều là thăm quan, quan sát và báo cáo những gì cảm nhận được. Nguyên nhân là vì thời gian ít, kinh phí hạn chế (người học chưa sẵn sàng đóng phí để học sâu và lâu), nên khó đem lại kết quả tốt như kỳ vọng.

Tại trường Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng hơn 10 năm qua thường xuyên tiếp các đoàn du lịch học tập từ các trường đại học trên thế giới. Theo đó sự kết hợp giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế trong các chuyến field trip (tạm dịch: hoạt động thực tế) và qua thảo luận đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Sinh viên Việt Nam tự tin hơn, mối quan hệ được thiết lập và nhiều ý tưởng, dự án đã được kết nối.

Bên cạnh đó, du lịch học tập từ một ngành đào tạo tại trường không phải đến các nước trên thế giới mà thực hiện ngay tại các cộng đồng địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Với sự tài trợ của Chương trình UNDP/GEF SGP, các dự án cộng đồng đã được thiết lập. Theo đó Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng sẽ là một bên liên quan tham gia với các cộng đồng.

Du lịch học tập cộng đồng được Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng bắt đầu bằng các lớp học về tài nguyên môi trường, quản lý rác thải, phát triển bền vững, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nông nghiệp sinh thái, lâm nghiệp bền vững, biến đổi khí hậu tại các khu bảo tồn, dần lan rộng đến địa phương.

Nội dung chính sinh viên cùng học với bà con là phương pháp tiếp cận Phát triển Cộng đồng dựa vào nội lực. Đây là một cách tiếp cận mềm mại, hữu hiệu và sinh động. Hoạt động này bắt đầu từ Cù Lao Chàm và Cẩm Thanh (Hội An) sau đó chia sẻ kinh nghiệm cho các cộng đồng ở Tam Hải, Lý Sơn, Hòa Bắc, Bình Sơn, Mộ Đức, Sa Huỳnh… và cũng từ đó một hệ thống kết nối nguồn lực cho phát triển địa phương được đúc kết cùng nghiên cứu từ các bạn quốc tế và cộng đồng địa phương.

Các lớp học được tổ chức ngày một quy củ hơn; sinh viên tìm hiểu về những nguồn lực kết nối, và cộng đồng đã vận dụng vào phát triển kinh tế ở địa phương. Với công cụ kết nối nguồn lực, sinh viên được học tập từ thực tiễn, từ tri thức, kinh nghiệm, tình cảm của người nông dân và ngư dân. Sinh viên cũng học tập với bà con, thảo luận với bà con, và cùng xây dựng các ý tưởng dự án với bà con. Thực tiễn sinh viên và bà con học tập theo phương pháp này thường được gọi là học tập cùng cộng đồng.

Nhật Tân