Thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam liên tục ghi nhận những con số ấn tượng về lượng khách cũng như doanh thu đạt được từ thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, nhiều điểm tham quan nổi tiếng đang phải đối mặt với tình trạng “quá tải” gây ra những tác động không nhỏ đến cảnh quan tự nhiên.
Với mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch Việt Nam thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời là điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thì việc phát triển du lịch xanh được nhiều chuyên gia nhận định là một xu thế tất yếu.
Nhất là khi các doanh nghiệp lữ hành nhận thấy nhiều bạn trẻ Việt cũng như du khách quốc tế đang có xu hướng chọn các tour du lịch gần gũi với thiên nhiên, các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường, sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc organic... Đặc biệt là tour có hoạt động bảo vệ tự nhiên như trồng cây, cấy lúa, nhặt rác, bởi du khách đã có ý thức và nhu cầu cao về an toàn lẫn sức khỏe.
Theo Báo cáo của Ủy ban châu Âu về hành vi tiêu dùng của khách Âu năm 2021, có 48% khách sẵn sàng giảm rác thải khi đi du lịch, 35% khách chấp nhận theo hướng du lịch bền vững và chi nhiều tiền hơn để bảo vệ môi trường tự nhiên; 33% khách sẽ du lịch theo hướng mang lợi ích cho cộng đồng địa phương. Khảo sát của TripAdvisor cũng cho thấy 34% du khách sẵn sàng trả nhiều hơn để ở những khách sạn thân thiện với môi trường; 50% du khách chi thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn.
Nắm bắt được nhu cầu du lịch gắn liền với hoạt động bảo tồn của du khách, các doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam đã nỗ lực khai thác các tour du lịch xanh, sản phẩm xanh, đồng thời đặt triết lý xanh làm kim chỉ nam để hành động. Bởi lẽ nếu không làm du lịch xanh thì đó có thể sẽ là trở ngại lớn trong việc phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Du Lịch Việt, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh, bền vững. Việc tạo sản phẩm du lịch xanh sẽ mang đến các trải nghiệm và tương tác đáng nhớ cho du khách với người dân địa phương. Chưa kể các tour du lịch gắn với hoạt động bảo tồn thiên nhiên sẽ thúc đẩy người dân bản địa tham gia vào làm du lịch. Qua đó, vừa mang lại lợi ích cho người dân bản địa, vừa góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa địa phương.
Vì vậy, đơn vị đã vạch ra lộ trình phát triển du lịch xanh với các kế hoạch cụ thể: Khảo sát thực tế các dịch vụ cung cấp đảm bảo chất lượng, tiêu chí du lịch xanh; xây dựng các tour du lịch sử dụng dịch vụ xanh, thực phẩm xanh; các tour du lịch gắn với hoạt động bảo vệ môi trường; đào tạo đội ngũ nhân sự, điều hành, hướng dẫn viên về tiêu chí sản phẩm xanh…
Mới đây nhất, đơn vị đã phối hợp xúc tiến và lên kế hoạch với các địa phương để tổ chức sự kiện về di sản thiên nhiên; hợp tác với những người nổi tiếng nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường; kết hợp với Trung tâm Truyền thông môi trường tổ chức các tour du lịch dạng Caravan tới điểm đến thiên nhiên. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục khai thác sản phẩm du lịch xanh tại các điểm đến mới đang được du khách trong nước quan tâm nhiều như: Đắk Nông, đồng bằng sông Cửu Long, Ninh Bình, Hội An, đảo Phú Quý…
Chia sẻ về cách làm du lịch xanh, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice cho biết, hiện đơn vị đang triển khai các tour du lịch xanh dành cho hai nhóm khách chính: Khách quốc tế và khách trẻ có độ tuổi từ 22 - 36. Cụ thể, đối với khách quốc tế, đơn vị tổ chức tour du lịch Vịnh Hạ Long kết hợp với hoạt động dọn rác trên vịnh, trong đó tour kết hợp trồng lúa tại các làng xứ Huế đang rất được đoàn khách quốc tế ưa chuộng bởi qua đó du khách có thể hiểu hơn về văn hóa của người dân Việt Nam.
Với du khách nội địa, đơn vị sẽ tặng túi vải cho khách khi đi tour để giảm lượng túi nilon dùng 1 lần gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái. Ngoài ra, nhằm tạo trải nghiệm mới mẻ hơn cho du khách trong và ngoài nước cũng như bảo vệ môi trường, đơn vị đã phối hợp với hãng xe điện để triển khai các tour thăm quan tại các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, TPHCM… Đồng thời, đơn vị sẽ tiếp tục đưa các tour du lịch xanh vào lịch trình khởi hành hàng ngày, lồng ghép thêm thông điệp bảo vệ môi trường vào các tour.
Tuy nhiên theo ông Tú, việc tạo ra một tour du lịch xanh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao du khách và cộng đồng chẳng phải là chuyện ngày một ngày hai, bởi nếu so với tour du lịch thông thường thì loại sản phẩm này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện các đợt khảo sát điều kiện môi trường, phương tiện, cách thức triển khai, xác định nhóm khách hàng phù hợp... Đặc biệt là cần phải đào tạo nguồn nhân sự về mảng du lịch xanh.
Bàn về giải pháp thúc đẩy việc phát triển sản phẩm du lịch xanh, bền vững tại các doanh nghiệp lữ hành, ông Vũ cho hay: “Hiện các doanh nghiệp đang rất cần có những tiêu chí chi tiết và thống nhất về sản phẩm du lịch xanh, từ đó các doanh nghiệp lữ hành có thể nắm bắt và hưởng ứng bằng cách xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch xanh. Đồng thời cũng cần xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, qua đó kích thích nhu cầu của cộng đồng về du lịch xanh, góp phần bảo vệ thiên nhiên, tài nguyên du lịch bền vững và hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.