Ngày 02/7/2025, tại khách sạn Sheraton Hanoi, Văn phòng Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO) đã tổ chức “Hội thảo và kết nối kinh doanh thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản năm 2025 tại Hà Nội” với sự tham gia của 26 đơn vị đến từ Nhật Bản và 31 doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Tham dự hội thảo có sự hiện diện của các đại biểu: ông Ishikawa Isamu – Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; bà Matsumoto Fumi – Trưởng Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam; Ông Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Ông Trần Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội. Sự kiện là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác, kết nối và làm mới dòng khách du lịch giữa hai quốc gia trong bối cảnh thị trường đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Matsumoto Fumi - Trưởng Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Năm 2024, số lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản đã đạt 621.100 người, tăng 8,2% so với năm trước và tiếp tục phá vỡ kỷ lục lịch sử. Đây là kết quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, thị trường vẫn cần mở rộng sản phẩm, giảm tải các điểm đến quá tải và giới thiệu thêm các khu vực địa phương chưa được biết đến rộng rãi”. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng những hành trình mới hấp dẫn và khẳng định JNTO sẽ tích cực hỗ trợ kết nối trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Ishikawa Isamu - Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh: “Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mà còn là kênh kết nối con người và văn hóa giữa hai dân tộc. Với đà phục hồi và sự phát triển của tầng lớp trung lưu Việt Nam, thị trường du lịch outbound Việt Nam sẽ còn bùng nổ trong tương lai. Điều quan trọng là làm sao để xây dựng được các sản phẩm phù hợp với xu hướng mới, đặc biệt trong bối cảnh người trẻ Việt ngày càng muốn tìm đến trải nghiệm chân thực tại các địa phương Nhật Bản”.
Đại diện phía Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa ngành du lịch hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, phát triển sản phẩm cao cấp, bảo tồn di sản và chuyển đổi số. Ông khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kết nối doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu và đẩy mạnh xúc tiến chung với phía Nhật Bản, vì sự phát triển bền vững và hai chiều.
Sau phần phát biểu khai mạc là hội thảo chuyên đề “Visit Japan Seminar” do JNTO chủ trì, tập trung chia sẻ định hướng xúc tiến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2025-2030. Nội dung nổi bật của hội thảo gồm các giải pháp mở rộng dòng khách ra khỏi “Cung đường Vàng” vốn quen thuộc, định hướng khai thác các điểm đến mới như Tottori, Okayama, Shimane, Gifu, Hokkaido hay Kyushu, những nơi mang đậm bản sắc địa phương và có tiềm năng trở thành “thế hệ điểm đến kế tiếp” cho du khách Việt Nam. Ngoài ra, chiến dịch quảng bá gắn với Triển lãm Thế giới Osaka - Kansai 2025 cũng được giới thiệu như một điểm nhấn của năm.
Ngay sau đó là phiên kết nối kinh doanh (Business Meeting), nơi 57 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Nhật Bản trực tiếp trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm mới, đề xuất các gói tour phù hợp với mùa thấp điểm và nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã mang tới nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, mang tính trải nghiệm và cá nhân hóa cao như hành trình thưởng thức ẩm thực địa phương, tắm onsen vùng núi, khám phá nghệ thuật và kiến trúc truyền thống, đón mùa hoa theo lịch trình linh hoạt… Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ động đặt vấn đề hợp tác, đề xuất hỗ trợ truyền thông và quảng bá qua nền tảng mạng xã hội, vốn đang là kênh thông tin chính của nhóm khách trẻ.
Chia sẻ với Tạp chí Vietnam Travel ngay sau hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: “Không chỉ dừng lại ở một sự kiện xúc tiến thông thường, chương trình hôm nay đã tạo ra nhịp cầu kết nối hiệu quả giữa những người làm du lịch tâm huyết của hai nước. Tôi tin rằng nếu được duy trì định kỳ và gắn với các điểm nhấn như Expo Osaka 2025, các hội thảo như thế này sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình lại dòng sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu du khách Việt hiện nay năng động hơn, cá nhân hóa hơn và thiên về trải nghiệm địa phương.”

Với sự chuẩn bị chu đáo và định hướng đúng đắn, “Hội thảo và kết nối kinh doanh thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản năm 2025 tại Hà Nội” được kỳ vọng sẽ mở ra những hợp tác cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng dòng khách chất lượng cao, đồng thời giúp du khách Việt có thêm lựa chọn trải nghiệm văn hóa Nhật Bản một cách sâu sắc và đa dạng hơn trong tương lai.
Ảnh: Tuyết Vân